Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Phù Cát có khá nhiều khu công nghiệp, du lịch được quy hoạch xây dựng với mục đích phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, việc một số dự án triển khai quá chậm khiến người dân và chính quyền địa phương bức xúc.
Thất vọng Khu du lịch Trung Lương
Khu du lịch (KDL) Trung Lương (xã Cát Tiến, Phù Cát) được UBND tỉnh Bình Định cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Cty TNHH Mỹ Tài năm 2007 với diện tích 56 ha. Theo thiết kế ban đầu, KDL Trung Lương được xây dựng gồm các hạng mục khu nghỉ dưỡng cao cấp và dịch vụ đạt tiêu chuẩn 4 sao; khu biệt thự VIP; nhà trung tâm; hồ bơi… Tổng kinh phí trên 390 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2007 đến năm 2010. Tuy nhiên, đến nay đã quá 2 năm, Dự án này vẫn “giẫm chân tại chỗ”.
Hiện trạng thê lương tại KDL Trung Lương |
Ông Nguyễn Chí Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tiến, cho biết: “Đến nay, Dự án KDL Trung Lương chưa có hạng mục, công trình nào hoàn chỉnh. Đơn vị chủ đầu tư mới chỉ xây bờ tường cổng ngõ nhưng cũng chưa đâu vào đâu”.
Trung tuần tháng 12/2012,có mặt tại KDL Trung Lương chúng tôi chỉ thấy một vùng đất trơ trụi, bãi cát đầy cỏ dại, cùng mấy đoạn bờ tường, những cây dừa xơ xác trên nền đất xói lở.
Chị Nguyễn Thị Thương, một người dân địa phương cho biết: “Xây dựng dự án du lịch đâu không thấy, chúng tôi chỉ thấy chủ đầu tư đến đây ủi đất lấy titan, chặt phá rừng dương, biến khu vực này thành một bãi đất trồng đồi trọc, khiến mùa mưa thì biển xâm thực, mùa nắng thì cát bay mịt mù làm cho đời sống người dân rất khổ sở”.
Bức xúc Khu công nghiệp Hòa Hội
Một dự án “khủng” khác nằm trên địa bàn huyện Phù Cát cũng đang rơi vào tình trạng “trùm mền” đó là Khu công nghiệp Hòa Hội (xã Cát Hanh).
KCN này có tổng diện tích quy hoạch 265 ha, tổng vốn đầu tư xây dựng trên 440 tỷ đồng do Cty cổ phần Hòa Hội làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng từ tháng 7/2009. Theo phương án được duyệt, đến tháng 9/2011, KCN Hoà Hội sẽ hoàn thành hạ tầng kỹ thuật giai đoạn I và đến tháng 12/2013 sẽ hoàn thành các hạng mục còn lại.
Tuy nhiên, do Cty CP Hòa Hội không đủ năng lực tài chính nên tháng 4/2011, UBND tỉnh Bình Định ra văn bản đình chỉ đối với đơn vị này; đồng thời, giao Ban quản lý Khu kinh tế Bình Định chọn nhà đầu tư khác. Thế nhưng đến nay, Dự án này vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”.
Ông Huỳnh Thu Công, Chủ tịch UBND xã Cát Hanh, cho biết: “Tình trạng một số người lén lút khai thác đất, cát tại diện tích đất đã đền bù xong diễn ra phức tạp nhưng chúng tôi không đủ người và phương tiện để quản lý 24/24 giờ. Số diện tích chưa đền bù gần 70 ha cũng gây ra không ít khó khăn khi các hộ gia đình có nhà nằm trong diện tích này rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, nhà cửa hư hỏng, xuống cấp nhưng không thể sửa chữa, làm mới; có đất nhưng không dám đầu tư trồng trọt, sản xuất”.
Còn ông Phan Văn Binh, một người dân thôn ở thôn Mỹ Hoá (xã Cát Hanh): “Trong khi người dân không có đất để làm ăn, sản xuất thì hàng trăm héc ta tại KCN này đang bỏ hoang hóa. Đề nghị cấp trên giải quyết sớm để người dân có thể ổn định cuộc sống”.
Có thể thấy, 2 dự án trên được tiến hành trong điều kiện khá thuận lợi khi nhận được sự đồng thuận cao của người dân địa phương. Thế nhưng, cái mà người dân nhận lại chỉ là sự thất vọng và bức xúc bởi các dự án cứ mãi “trùm mền”. Hậu quả là, hàng trăm héc ta đất bị bỏ hoang hoá, hàng trăm hộ gia đình mất đất sản xuất; đồng thời với đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên đất, mất lòng tin của người dân địa phương.
T.Nhung