Nghề cung ứng dịch vụ pháp lý, tư vấn pháp luật ngày càng có vị thế và được trọng dụng. Bên cạnh đó, nghề “thầy cãi” cũng được xem là nghề “hốt”: vừa “hốt bạc”, lại vừa hốt hoảng vì lắm hệ lụy rủi ro. Nhưng dù vậy thì hành nghề dịch vụ pháp lý vẫn đang là lựa chọn hàng đầu.
Bằng chứng là các văn phòng luật sư (VPLS), các công ty luật phát triển mạnh, hình thức tư vấn pháp luật phong phú, đa dạng, cung cấp thêm nhiều lựa chọn cho các “thượng đế” khi cần được hỗ trợ pháp lý.
hình minh họa |
Thời của luật sư
Ngày nay, khi bạn gặp vướng mắc về mặt pháp lý - thật không quá khó để tìm một VPLS xin tư vấn. Thậm chí ở nhiều thành phố lớn còn có những đường phố được mệnh danh là “phố LS” với nhan nhản biển hiệu VPLS cùng các loại cờ quạt muôn hồng nghìn tía san sát nhau.
Có cung ắt có cầu và ngược lại, đối với nhiều người dân thành phố thì nhất cử nhất động liên quan đến pháp lý đều phải đi tham vấn LS, bất kể đó chỉ là tranh chấp… nhà vệ sinh hay vợ chồng hàng xóm gây ô nhiễm tiếng ồn… Theo LS. Nguyễn Văn Hà (Trưởng VPLS Hà Lan, Hà Nội), đây là một thói quen rất tốt, rất văn minh cần được nhân rộng, vì sự tư vấn kịp thời của LS sẽ giúp giải quyết sự việc theo đúng hướng, đúng luật.
Chưa bao giờ các dịch vụ pháp lý lại “muôn hoa đua nở” và tiện ích như hiện nay. LS. Nông Thị Hồng Hà (Công ty Luật Hồng Hà, Hà Nội) cho biết: Khi gặp vướng mắc về pháp lý, bạn có thể thoải mái lựa chọn để tìm một nhà cung ứng dịch vụ phù hợp nhất với mình về mọi phương diện không gian, thời gian, thậm chí cả hoàn cảnh.
LS. Hà đơn cử, trường hợp bạn không có thời gian, ngại đường xá xa xôi thì bạn có quyền yêu cầu được cung cấp dịch vụ pháp lý tại nhà riêng, cơ quan, doanh nghiệp; bạn muốn bí mật câu chuyện về thân phận, hoàn cảnh của mình thì chọn hình thức tư vấn qua điện thoại, tư vấn qua mạng...
Giá cả dịch vụ tư vấn cũng được nhiều VPLS công khai. Trung bình phí tư vấn tại trụ sở giá 400.000 đồng/giờ, tư vấn qua điện thoại 3.000 đồng/phút, tư vấn thành lập doanh nghiệp trọn gói 6 triệu đồng, tư vấn lập di chúc 4 triệu đồng... Với “cần câu cơm” cung ứng dịch vụ pháp lý, thu nhập hàng tháng của một LS ít nhất cũng được vài chục triệu đồng.
Tuy nhiên, câu chuyện giá cả và chất lượng dịch vụ pháp lý vẫn đang là vấn đề đáng phải bàn. Bên cạnh những “thương hiệu” LS uy tín, có trách nhiệm với khách hàng thì còn khá nhiều tổ chức hành nghề LS cung cấp dịch vụ pháp lý với chất lượng chưa đạt yêu cầu khiến khách hàng phàn nàn, không hài lòng, thậm chí khách hàng còn bị xâm hại quyền lợi.
Dịch vụ pháp lý là một lĩnh vực dịch vụ đặc biệt bởi nó gắn với hiệu quả quản lý nhà nước và có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi ích hợp pháp của công dân nên hoạt động nghiệp vụ của LS mang tính tương tác cao, có thể thấy được hệ quả chỉ trong khoảng thời gian ngắn.
Tuy nhiên, vấn đề là các LS phải thận trọng và sáng suốt sao cho dung hòa quyền lợi của thân chủ trên cơ sở pháp luật. Vụ một LS ở Hà Nội phải nhận mức án tù ở cấp sơ thẩm chỉ vì nhận làm dịch vụ pháp lý soạn đơn vu khống bí thư huyện ủy theo yêu cầu của đương sự chính là một bài học đắt giá cho các đồng nghiệp!
Cảnh báo hệ lụy
Đối với nghề dịch vụ pháp lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, kỹ năng hành nghề tốt chưa hẳn đã là yếu tố quyết định hiệu quả của công việc mà LS đang làm. Trong hoạt động nghiệp vụ của LS thì lobby - tức vận động hàng lang có vai trò đặc biệt quan trọng. Nhưng phải thừa nhận hiện nay, việc vận động hành lang lành mạnh rất ít mà đang bị biến tướng theo xu hướng tiêu cực. Hệ lụy của việc vận động hành lang không lành mạnh đôi khi dẫn đến hệ lụy là thân chủ kiện LS ra tòa.
Càng ngày việc LS bị thân chủ kiện cáo, “lật kèo” càng không còn là hiếm. “Làm không đạt mục đích, yêu cầu thì họ kiện đã đành, đằng này được việc cho họ, LS cũng vẫn bị kiện!” – một LS bày tỏ nỗi bức xúc khi bị thân chủ tráo trở đòi lại một khoản tiền ngoài hợp đồng dịch vụ pháp lý mà ông đã nhọc công kết nối để anh ta “lobby” người này người kia, chỗ này chỗ kia để việc kiện tụng đạt hiệu quả.
Với cuốn băng ghi hình tương đối tròn vành rõ tiếng mà thân chủ quay lén được, thân chủ “ra giá” ông phải hoàn trả lại khoản tiền “lobby” bất hợp pháp, không minh bạch trên, nếu không sẽ tố cáo sự việc đến cơ quan chức năng. Đương nhiên là vị LS này không chấp nhận với lý do hai bên đã thỏa thuận tự nguyện và thực tế cuộc gặp gỡ tình cảm đó cũng đã mang lại hiệu quả thiết thực đúng như yêu cầu của đương sự. Khi ông nói cứng nếu ra tòa, hoàn toàn không có bằng chứng về việc LS môi giới mà chỉ có dấu hiệu đưa hối lộ, thân chủ mới lảng qua chuyện khác! Chẳng biết rồi chuyện sẽ ra sao…
LS. Thanh Nga (VPLS số 5, Hà Nội) cho rằng, hành nghề dịch vụ pháp lý là một “nghề nguy hiểm” nên khó tránh được những rủi ro. Vậy nên thay vì trốn tránh nó thì hãy chấp nhận sống chung, hoặc chủ động lường trước rủi ro để “ứng phó”.
Không nói thẳng quan điểm của mình nhưng LS. Phượng (VPLS An Vũ, Hà Nội) kể lại câu chuyện N.C. - một LS đàn anh ở Hà Nội sau vụ bị thân chủ tố cáo chạy án cho vụ đánh bạc đã phải trang bị thiết bị phá sóng để các thân chủ không thể ghi âm, ghi hình các “hoạt động nghiệp vụ” của mình. Theo Phượng, đó chưa hẳn là một cách làm hay nhưng lại cần thiết vì hiệu quả thiết thực của nó!
Trao đổi xung quanh những chuyện lùm xùm LS bị kiện, LS. Nguyễn Minh Cường (VPLS Miền Bắc, Thái Bình) cho rằng: Không thể coi đó là tai nạn nghề nghiệp vì tai nạn là những rủi ro khách quan còn bản thân người LS phải công minh, ngay thẳng. Nhưng ở đây đều có yếu tố lỗi của chủ thể khi LS có làm chuyện mờ ám, khuất tất, không đúng đạo đức nghề nghiệp… Nói như vậy nhưng đối với nghề “thầy cãi”, đôi khi trình độ chuyên môn tốt, kiến thức vững chưa hẳn đã thắng.
Quỳnh Anh