Hai mươi năm trước đây, nước Nga xô-viết đã thực hiện bước đi đầu tiên trên con đường dân chủ. Ngày 16 tháng 5 năm 1990, ở điện Kremlin đã khai mạc Đại hội thứ nhất của các đại biểu Liên bang Nga xã hội chủ nghĩa xô-viết. Hoạt động này đã đặt nền móng của chế độ chính trị và Hiến pháp hiện hành.
Đại hội thứ nhất của các đại biểu nhân dân đã đóng vai trò to lớn trong qúa trình thành lập nước Nga mới. Chính tại Đại hội này, ông Boris Yeltsyn đã được bầu làm Chủ tịch Xô-viết Tối cao của Liên bang Nga, rồi đã được bầu làm Tổng thống Liên bang Nga. Ông Yeltsyn đã thành lập nội các bộ trưởng mới. Đại hội thứ nhất cũng đã thông qua bản Tuyên ngôn về chủ quyền của Liên bang Nga, tức là đã mở đường cho qúa trình tan rã Liên bang xô-viết.
Sau đây là ý kiến của ông Sergei Filatov, đại biểu Đại hội thứ nhất, rồi đã giữ chức Thư ký Hội đồng tối cao Liên bang Nga: “Liên Xô đã bị sụp đổ do tình trạng đình trệ. Dưới chế độ xô-viết, trong nước không có sự cạnh tranh cả trong nền chính trị lẫn trong nền kinh tế. Cuối cùng, Liên Xô đã lâm vào tình trạng đình trệ hoàn toàn. Co hai phương pháp làm cho đất nước có sức cạnh tranh: phương pháp chính trị là xây dựng chế độ dân chủ thông qua cuộc bầu cử, tự do ngôn luận và tự do báo chí. Trong điều kiện tự do, các ứng viên có thể đọ sức với nhau, và cử tri có khả năng bầu chọn. Phương pháp kinh tế là xây dựng thị trường nội địa”.
Tuy nhiên, các cuộc cải cách tiến triển không dễ dàng. Tại Đại hội, cũng như trong Xô-viết Tối cao đã có cuộc đấu tranh chính trị rất gay gắt. Chứng tỏ về điều đó là tình hình lộn xộn trong thời gian tiến hành Đại hội thứ nhất. Trong tổng số 1.068 đại biểu, mỗi người đều cố gắng lên diễn đàn để phát biểu, kêu to, hoan hô những khẩu hiệu, mà không ai nghe những diễn giả. Song, các nghị sĩ vẫn tiếp tục làm việc.
Ông Sergei Baburin, đại biểu Đại hội thứ nhất, hồi tưởng lại như sau: “Khi đó, mọi người đều muốn thay đổi tình hình. Chính bởi vậy, 90% đại biểu đã bỏ phiếu ủng hộ bản Tuyên ngôn về chủ quyền của Liên bang Nga xã hội chủ nghĩa xô-viết. Tuy nhiên, mỗi người đã có quan điểm riêng về cải cách. Có người muốn ngay lập tức phá hoại chế độ cũ, những người khác thì chủ trương thực hiện cải cách theo từng giai đoạn. Đó là sự khác biệt quan trọng nhất”.
Dù đã tiến hành thêm 9 Đại hội đại biểu Liên bang Nga xã hội chủ nghĩa xô-viết, nhưng Đại hội năm 1990 đã đánh dấu giai đoạn bắt đầu tan rã đất nước. Mùa thu năm 1993, sự đối đầu giữa chính quyền lập pháp và hành pháp đã lên đỉnh cao nhất. Ngày 21 tháng 9 năm 1993, Tổng thống Boris Yeltsyn đã ký Sắc lệnh giải tán Xô-viết tối cao và Đại hội đại biểu nhân dân. Đa số đại biểu từ chối không thực hiện chỉ thị này. Cuộc xung đột dẫn đến những đụng độ trên đường phố Matxcơva, có một cuộc tranh giành quân sự, khi các xe tăng đã bắn vào ngôi nhà Quốc hội. Sau mấy ngày, phe đối lập đã bị thất bại. Xô-viết Tối cao và Đại hội đại biểu nhân dân đã đi vào dĩ vãng. Còn ở Nga thì đã bầu Quốc hội mới gồm hai viện: Viện Đuma quốc gia và Hội đồng Liên bang.