Xin được hạ cấp bậc “hoàn hảo” xuống thành “lý tưởng” vì chị em chẳng ai cho rằng có người đàn ông “hoàn hảo” trên cuộc đời này. Ấy thế mà cái sự đi tìm một khái niệm “ lý tưởng” của chị em nó cũng “truân chuyên” lắm. Cho nên cả cuộc đời mình, rồi đến thế hệ sau này, phái đẹp cũng vẫn cứ băn khoăn một nhẽ, người đàn ông lý tưởng của họ chắc vẫn còn ở đâu đấy quanh đây?.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Nếu được hỏi rằng, một người chồng “dù đi làm xa nhà 240 km vẫn hàng tuần về thăm nhà, gọi điện và nhắn tin đều, thi thoảng vẫn mua quà tặng vợ, sắm đủ tiện nghi trong nhà, vẫn đưa vợ đi du lịch trong nước, vẫn chu đáo với gia đình nhà vợ, không quan tâm vợ kiếm nhiều hay ít hoặc xăm soi vợ làm gì ở đâu, và tất nhiên là người chung thủy,” có phải là một người chồng lý tưởng?
Chị em đa phần sẽ gật gù: “tuyệt vời”. Nhưng con người “hoàn hảo” đó lại gặp không ít rắc rối trong chuyện gia đình, chỉ vì với vợ anh vẫn ... chưa phải là người đàn ông đích thực, chưa đồng cảm và hòa hợp với vợ về tâm hồn.
Câu chuyện kể lại là tâm sự thật của một người chồng trên trang webtretho.com. Ai đó sẽ cho rằng người vợ “đòi hỏi cao,” rằng “có chồng lý tưởng thế mà còn...” Nhưng với chị em, khái niệm người đàn ông lý tưởng gần như không có hồi kết. Nó xoay vần theo thời gian, trong từng hoàn cảnh và thậm chí khác nhau giữa các miền văn hóa.
Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, phái đẹp, dù yêu thiết tha người đàn ông của mình, nhưng dường như vẫn cứ đi tìm một sự “hoàn hảo,” cho người đàn ông của mình, cho dù chỉ là trong suy nghĩ hay sự so sánh bất chợt nảy lên giữa câu chuyện “buôn dưa lê.”
Người đàn ông lý tưởng hay không là tùy thuộc vào cách người phụ nữ chấp nhận và hạnh phúc với những gì họ mang lại cho người đàn bà của mình. Hãy nghe chị em nói gì nhé:
Anh ấy rất tuyệt vời “nếu”…
“Anh ấy thật lý tưởng nếu đừng lười làm việc nhà đến vậy, anh ấy chẳng có gì để chê nếu đừng khô khan cứng nhắc như thế, chồng tôi khá hoàn hảo nếu...........” Sự “lý tưởng” ấy luôn nằm trong những đòi hỏi mang tính giả thuyết của các bà vợ. Với người vợ này đó là một thân hình như vận động viên, một trình độ như chuyên viên, ăn nói phải như báo cáo viên.
Còn người vợ khác là khả năng kiếm tiền, yêu thương vợ con, … Khi đòi hỏi không được chồng đáp ứng đương nhiên không “lý tưởng” còn vợ thì không được thỏa mãn, rồi sinh ra chán nản, thất vọng, và nghiêm trọng hơn là... hết cả yêu chồng. Chính cái sự cầu toàn, không chấp nhận con người thực của người đàn ông yêu mình đã khiến nhiều cô gái vỡ mộng, để rồi lại mơ hồ đặt ra hàng lọat những tiêu chí khác đằng sau chữ “nếu.”
Anh ấy hoàn hảo "vì"…
Người chồng sau chữ “vì” may mắn hơn anh chàng sau chữ nếu của một số “chị em” bởi chính một trong những phẩm chất nội tại của họ đã thỏa mãn khái niệm lý tưởng của vợ. Đó có thể là... vì khả năng kiếm tiền như nước lại chức trọng quyền cao, hoặc cũng có thể chỉ là vì ... yêu vợ thương con. Nhưng sẽ không may cho họ nếu cái vế đằng sau chữ vì ấy bỗng dưng ... biến mất, vì hoàn cảnh xô đẩy, thì cái sự ngưỡng mộ ông chồng tuyệt vời của bà vợ cũng khó mà giữ nguyên.
Anh ấy lý tưởng "mặc dù"…
“Mặc dù chẳng đẹp trai tài giỏi nhưng với tôi, ông xã thế là lý tưởng. Chẳng có gì nổi bật nhưng với tôi anh ấy thật tuyệt vời. Dù chồng chẳng biết quan tâm nhưng với tôi thế là đủ”. Quan điểm lý tưởng đi kèm với từ “mặc dù” của vợ khiến chồng chẳng có gì phải ràng buộc, chẳng đi theo khuôn mẫu nào, cũng không có đòi hỏi hay trông mong một điều gì cả. Người ấy luôn hoàn hảo trong mắt bạn đời và được yêu, được trân trọng vì chính bản thân họ. Có lẽ đàn ông thích nhất khi lấy được người vợ yêu chữ “mặc dù” đơn giản ấy.
Khái niệm xoay vần
Trong con mắt của phụ nữ thời xưa, đàn ông “chuẩn mực” là khỏe khoắn, góc cạnh, cứng cáp kiểu bụi như James Dean, Charle Branchon...., cao vừa tầm khoảng cỡ mét sáu nhăm. Nhưng với chiều cao ấy, cánh nam giới đương đại sẽ lắc đầu “bất mãn” và kiểu đàn ông nuột nà trong thứ thời trang bóng bảy của Versace, D & G, Roberto Cavalli, xỏ lỗ tai, nhuộm hiht-light bây giờ lại được các nàng trẻ tuổi “sủng ái.”
Quan điểm người đàn ông lý tưởng cũng chẳng ai giống ai, lại “du di” theo cả vùng miền. Chị nông dân có thể bó hẹp sự “toàn mỹ” của người đàn ông trong mấy điểm yêu vợ, thương con, hiền lành, chăm chỉ. Cô nào làm ngành kinh doanh ắt sẽ thêm tiêu chí sắc sảo, nhanh nhạy, tiềm năng kiếm ... “xèng.” Một thanh niên ngư dân nhất thiết phải dạn dày nắng gió ăn to nói lớn, vạm vỡ, dũng cảm nhưng với chàng trai thành thị thì xem ra yếu tố dũng cảm, dạn dày có khi lại cần sau sự tinh nhanh và hiểu biết.
Phái đẹp mỗi thời, mỗi lứa tuổi lại càng phức tạp hóa hơn khái niệm “lý tưởng” cho người đàn ông mình thích. Các cô gái tuổi teen đánh giá cao những chàng trai ga lăng và bị mê hoặc bởi những sáo ngôn kiểu như “miễn là em vui”, “cứ để đấy cho anh”… hoặc những hành động sửa xe giúp hay mở cửa trước nàng.
Nhưng thêm vài tuổi nữa thì với nàng, đó chẳng qua là “ba chuyện nhỏ con”. Chất mê hoặc họ lúc này phải là vẻ đẹp nào đó bên trong như trí tuệ, tố chất, phong thái hoặc ít nhất cũng phải là “tương lai sáng lạn.”
Thiếu nữ thích đàn ông ga lăng, cô gái ba mươi say mê ánh sáng của sự nghiệp, phụ nữ đến tuổi bốn mươi yêu sự cảm thông và một bà lão thì có thể tâm đắc với câu: “Hãy kết hôn với người mà bạn thích trò chuyện với người đó vì khi già đi bạn sẽ phát hiện đấy là một ưu điểm lớn”.
Sự thay đổi lớn nhất trong các tiêu chí về một người đàn ông lý tưởng có lẽ được đánh dấu bởi tờ giấy đăng ký kết hôn. Khi yêu, phái đẹp thích “Anh ấy phải chịu khó, nếu được thì nên giàu có, không nhăn nhó, làm việc phải đâu vào đó” nhưng người phụ nữ kết hôn rồi thì gói gọn sự lý tưởng ấy trong cụm từ: “yêu thương, quan tâm và biết chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống.” Nghe có vẻ đơn giản nhưng để đáp ứng được những tiêu chí đó, những người đàn ông của chị em dường như vẫn chỉ “được mặt này lại hỏng mặt kia.”
Có lẽ sẽ chẳng bao giờ có thể tìm thấy từ “người đàn ông lý tưởng nhất” trong từ điển chung của chị em. Nhưng lại hoàn toàn có thể có trong lòng bạn nếu biết yêu thương và học cách hài lòng với những gì mình có.
Thu Hương