Khối nhà đất trị giá 10 tỷ
Nội dung bản án tranh chấp di sản thừa kế được tòa án TP Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm ngày đầu tháng 10/2017 có thể tóm tắt như sau: Sinh thời ông Cao Văn Hiền (SN 1914, ngụ thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) khi còn sống cùng hai người vợ (vợ đầu chết ở tuổi 31) tạo dựng được cơ ngơi gồm 3 thửa đất ở, mỗi thửa rộng trên dưới 300m2 và hơn 300m2 đất ruộng. Tất cả bất động sản đều thuộc thôn Vĩnh Thanh. Tổng tài sản ước tính hơn 10 tỷ đồng.
Năm 2011 cụ Hiền chết, ba năm sau người vợ thứ hai qua đời đều không để lại di chúc. Hiện nay hai thửa đất thổ cư do con cả Cao Thế Hiên (SN 1957) sử dụng, một thửa do con trai thứ Cao Văn Kiên (SN 1962) quản lý. Còn diện tích ruộng, hai người con trai chia nhau sản xuất.
Mộ phần các cụ đều đã xanh cỏ. Thế nhưng tên của cụ Hiền và hai người vợ vẫn bị nhắc đi nhắc lại suốt hai năm qua ở chốn công đường. Có lẽ họ không ngờ khối nhà đất họ gầy dựng cả đời nay trở thành nguồn cơn con cái kiện tụng lẫn nhau.
Tháng 2/2016, con gái út cụ Hiền là bà Cao Thị Hoa (SN 1968) khởi kiện anh cả ra tòa yêu cầu chia di sản thừa kế của bố mẹ để lại gồm bất động sản và tiền. Bị đơn là ông Hiên sau đó có đơn phản tố đề nghị xem xét chia lại thửa đất em trai đang ở.
Hơn 9h sáng các đương sự mới có mặt đầy đủ. Vụ án có tất cả 20 đương sự, người có nghĩa vụ liên quan đều là anh chị em, cô cháu, chú cháu một nhà. Nhưng chỉ có bốn đương sự đến tòa gồm bố con người anh cả, người con trai thứ và em gái út. Họ đều đã ngoài tuổi 50.
Các đương sự ngồi co cụm ở hai hàng ghế đầu nhưng không chào nhau câu nào. Hai anh em ruột là nguyên đơn và bị đơn ngồi cùng ghế hàng đầu, cách nhau chừng 50cm. Thi thoảng họ ngước về phía các luật sư như thể tìm kiếm chỗ dựa rồi đưa ánh mắt vào khoảng trống ở giữa.
Nguyên đơn trình bày trước đây khi bố mẹ còn sống bà đều chăm sóc. Còn vợ chồng anh cả không làm tròn bổn phận con cái. Bà là người thường lên tiếng nhắc nhở nên phát sinh mâu thuẫn với gia đình anh cả khiến hai bên nhiều lần lời qua tiếng lại. Người em gái nói vợ chồng anh cả tuy ở chung với bố mẹ nhưng chỉ vun vén làm của riêng. Khi đất ruộng gia đình được đền bù, anh cả lên nhận 150 triệu đồng nhưng chỉ đưa cho mẹ 47 triệu, tự ý lấy 90 triệu tiêu xài rồi nói bà nội cho các cháu mua xe máy.
Bà Hoa thanh minh rất tiếc khi đưa mọi chuyện ra pháp luật. Bản thân bà đang sống ổn định cùng nhà chồng ở một quận trung tâm thủ đô, gia đình không hề khó khăn tài chính. Bởi vậy bà khởi kiện không phải vì tiền mà ghét thái độ ăn ở của gia đình anh cả:
“Nhà anh ấy có lời lẽ xúc phạm tôi. Có lần tôi đến thăm bố mẹ còn bị đuổi. Sau này khi bố mẹ mất rồi, mỗi lần thắp nhang cũng bị gây khó dễ”, nguyên đơn trình bày và cho rằng anh trai không xứng đáng thừa hưởng toàn bộ tài sản bố mẹ để lại.
Nghe vậy, người anh trai tố ngược em gái dựng chuyện đặt điều. Ông nói từ trước đến nay đều một tay chăm sóc bố mẹ chu đáo đến lúc họ qua đời. Còn cô em út từng có ý định lừa bố đẻ lập di chúc giả bị phát hiện, từ đó nảy sinh thù hằn mà khởi kiện.
Tranh cãi quyết liệt
Trước đó sau nhiều lần hòa giải không thành, tháng 6/2017, tòa án huyện Đông Anh đã đưa vụ án ra xét xử. Tòa sơ thẩm nhận định các thửa đất bị đơn đang quản lý không thuộc di sản thừa kế, việc chính quyền địa phương cấp sổ đỏ đúng quy định. Do đó di sản thừa kế chỉ có 300m2 đất ruộng và tuyên chia đều diện tích này cho các hàng thừa kế.
Về số tiền bố mẹ đương sự được bồi thường do bị thu hồi một phần đất ruộng, tòa nhận thấy khi cụ bà qua đời năm 2014 chỉ còn lại 60 triệu. Sau đó bị đơn đứng ra lo đám tang đã sử dụng hết số tiền này nên không xem xét.
Nguyên đơn kháng cáo bản án. Tại tòa phúc thẩm, người em gái khẳng định bố mẹ qua đời không để lại di chúc nên phải chia toàn bộ tài sản thừa kế theo luật định. Còn anh cả nói được cho bằng miệng không có giá trị. Việc chính quyền cấp sổ đỏ cho các thửa đất, bà là con cái nhưng không biết là vi phạm pháp luật.
Bị đơn thừa nhận bố mẹ khi cho đất chỉ nói miệng nhưng có mặt đông đủ các anh chị em nên hợp pháp. Ông cho rằng bố mẹ đã chủ động ra xã ghi tên mình vào sổ mục kê, như vậy thể hiện ý chí chủ quan muốn cho đất. Tuy nhiên bị đơn không đưa ra được bằng chứng.
Gần trưa, buổi xét xử bước vào phần thẩm vấn, vị chủ tọa hướng dẫn: “các đương sự có thể tự đặt câu hỏi cho nhau để làm rõ nội dung vụ án”. Câu nói chưa dứt, cả người em gái và anh cả đã chen ngang giành nói. Nguyên đơn được hỏi trước, bà gồng người, chống mạnh hai tay xuống bàn hỏi anh:
- Ông có thừa nhận với tôi trước khi bố mẹ mất có minh mẫn không?
- Đúng.
- Ông nhận tiền đền bù 150 triệu, về đưa cho mẹ tôi 47 triệu đúng không?
- Đúng.
- Trước khi mẹ mất để lại 60 triệu và bảo ông lo ma chay đúng không?
- Đúng
Đến lượt mình, bị đơn hỏi lại:
- Tại sao khi bố cho tôi đất năm 1992, sau đó tôi làm nhà, cô không kiện hay có ý kiến gì?
- Lúc đó anh lấy vợ sinh con và sống trên đất nhưng bố mẹ tôi còn sống, còn quyền sử dụng đất nên tôi chưa ý kiến. Nhưng vì cuộc sống thay đổi, bố mẹ tôi mất, tôi không có chỗ thờ cúng nên tôi kiện?
- Cô có biết tục lệ ở làng con trai được ở đất tổ tiên không?
- Tục lệ tổ tiên ngày xưa cho con trai hưởng nhưng ra pháp luật thì con gái và con trai như nhau.
- Cô có biết ở Vĩnh Thanh có bao nhiêu con gái mất đất khi đi lấy chồng không? Tại sao khi tôi làm sổ đỏ, bố còn sống mà cô không kiện?
Vị chủ tọa phải can thiệp chấm dứt phần hỏi đáp khi hai đương sự có dấu hiệu mất bình tĩnh.
HĐXX sau nửa ngày xét hỏi, thông báo vụ án còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ nên tiếp tục dời lại, sẽ tiếp tục phiên tòa sau./.