Đến với Hà Nội, có nhiều con đường riêng. Xem sách sử mà mường tượng Thăng Long với những cung điện nguy nga tráng lệ thời vua Lê, chúa Trịnh chẳng hạn, ấy cũng là một con đường. Đọc sách địa lý, ghi nhận những địa danh Thăng Long, sông Nhị Hà, Hồ Hoàn Kiếm, gò Đống Đa…
Đường Thanh niên chạy giữa Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch, Hà Nội. Ảnh tư liệu. |
Đi du lịch, sẽ có trong ba lô tấm bản đồ vạn năng, tìm gì thấy nấy và trong túi nhỏ không khó khăn gì để có bộ sưu tập những danh lam, thắng cảnh, chùa đền, miếu mạo: Chùa Một Cột, cầu Thê Húc, Tây Hồ, những nhịp cầu Long Biên… Nếu đến với Hà Nội bằng con đường âm nhạc, bạn sẽ có Hà Nội Mùa Thu, Đêm Trở Gió, Mùa Hoa Sữa, v.v… Mỗi con đường đều có cái thú riêng và Hà Nội bao giờ cũng hiện lên với nét riêng trong tâm thức mỗi người yêu Hà Nội. Ngay cả khi tìm đến những địa danh không thôi, thì chính những địa danh đã đi vào lưu truyền, huyền thoại lịch sử. Một chiếc cầu, một ngôi chùa, một dòng sông…
Anh bạn tôi vốn người Hà Nội, nhưng theo cha mẹ vào Sài Gòn từ ngày mới lọt lòng nên Hà Nội với anh chỉ có trong những câu chuyện kể, những hoài niệm da diết của người cha cựu học sinh trường Bưởi, trong mù mờ khao khát tuổi thơ của anh. Thế rồi một lần ra bến Bạch Đằng, anh tình cờ tầm được cuốn sách nhỏ trong tiệm sách cũ sát vệ đường. Vậy là anh có Hà Nội cho riêng anh từ ngày đó. Cuốn sách trong tay anh có rải rác những câu ca dao ngăn ngắn, tả cảnh, tả tình gắn liền với những địa danh, những di tích Thăng Long-Hà Nội. Cuốn sách nhàu nhĩ ấy từ lâu anh không còn, nhưng những câu ca dao thì đã ở trong lòng với nỗi khát khao một lần về lại “cố hương”. Nỗi khao khát ấy sau ngày giải phóng mấy năm anh đã toại nguyện khi theo đoàn làm phim của chúng tôi thực hiện một cuộc hành trình dài xuyên Việt. Nơi xuất phát của cuốn phim tài liệu ấy là từ bến Nhà Rồng, nơi Bác Hồ mấy mươi năm về trước đã rời nước, ra đi.
Đặt chân đến Hà Nội, những câu ca dao cũ như sống lại trong anh, thành tấm địa đồ Thăng Long- Hà Nội. Anh đi hết một ngày theo mấy câu bất chợt trong trí nhớ. Anh còn nhớ trong cuốn sách của Dương Quảng Hàm:
Rủ nhau chơi khắp Long Thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai
Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Bài, Hàng Khay.
Trên con phố Hàng Khay này, anh thấy thích thú khác thường khi bắt gặp hiệu “Quốc tế ảnh viện”. Trước khi rời Hà Nội vào Nam, gia đình anh đã đến ảnh viện này chụp tấm ảnh kỷ niệm. Dưới bức ảnh có dập chữ nổi “Quốc tế ảnh viện”. Theo bố mẹ anh cho biết, đây là hiệu ảnh nổi tiếng nhất Hà Nội thời bấy giờ, nằm trên phố Hàng Khay này đây.
- Đây rồi.
Anh bất ngờ reo to lên như một đứa trẻ khiến tôi giật mình. Nhìn lên biển hiệu, vẫn còn nguyên đó hiệu ảnh Quốc Tế. Anh rủ tôi vào chụp một tấm hình kỷ niệm ngày đầu tiên trở lại Hà Nội. Sau khi nhận được tấm hình, anh gửi ngay cho bố mẹ trong đó. Vậy là anh có thêm một kỷ niệm. Những ngày sau tôi để anh đi một mình. Hà Nội đi kiểu gì cũng không thể nào lạc được, hơn nữa anh đã có “dư địa chí” trong tay. Buổi chiều cuối ngày tôi gặp anh ven Hồ Tây. Anh bạn vốn tính thực thà. Nhưng lần này trông anh có vẻ hóm, đọc cho tôi mấy câu ca dao thay cho trả lời:
Hỏi cô thắt lưng bao xanh
Có về kẻ Bưởi với anh thì về
Nhà anh có ruộng tứ bề
Có hồ tắm mát, có nghề quay tơ…
Sau tiếng cười rất trẻ thơ của cậu sinh viên văn khoa Sài Gòn, anh như trầm lắng hồi lâu:
- Hà Nội khác trước nhiều quá. Tôi vẫn biết ao ruộng khó mà tồn tại trong một thành phố cả mấy triệu dân. Mấy câu ca dao ấy là từ xửa từ xưa, khi Thăng Long chỉ có mấy chiếc xe ngựa, xe kéo đưa đón mấy ông quan đến công sở. Nhưng Hà Nội mất đi sông Tô Lịch thì thật đáng tiếc. Anh nhỉ.Tiếc thật đấy.
Nước sông Tô vừa trong vừa mát
Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh
Dừng chèo muốn tỏ tấm tình
Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu…
Sông Tô nước chảy quanh co
Cầu Đông sương sớm, quán Giò trăng khuya…
Tôi đã lượn một vòng quanh con sông mà ngày xửa ngày xưa thuyền lên thuyền xuống, áo dài mớ bảy mớ ba dập dìu lên xuống, cố mường tượng ra một Thăng Long đô hội ngày nào. Nhưng cũng may có những câu ca dao trữ tình ấy mà Hà Nội còn giữ lại được trong trí tưởng ngày nay một Thăng Long duyên dáng, nên thơ.
Nhưng những ngày hôm sau, hôm sau nữa lang thang quanh Hồ Tây, tôi có cảm giác như anh tìm lại được một vật quý ngỡ như đã mất.
- Tôi khó mà mường tượng ra một Hà Nội nên thơ mà lại không có một Hồ Tây mênh mang, xanh biếc ấy
Khen ai khéo họa dư đồ
Giữa nơi thành thị có hồ xanh trong
Ngựa xe vắng khách bụi hồng
Một tòa cổ miếu, đôi dòng thanh lưu.
Vừa ngồi hóng gió dưới bụi liễu rũ, vừa nhớ lại mấy câu ca dao thuở nhỏ, chợt có cảm giác Bà Huyện Thanh Quan đâu đây. Ngựa xe vắng khách bụi hồng… hình như Bà Huyện quê cũng gần Hồ Tây. Là tôi nhớ thoang thoáng vậy thôi. Còn bụi xe thì đúng là cảm giác nhớ bà. Bà chỉ để lại ít bài thơ thôi, nhưng bài nào cũng đầy cảm giác Thăng Long mỗi khi chợt nhớ… Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo… Ngồi bên quán nước dừa sát dốc Yên Phụ, tôi đưa mắt nhìn sang bên kia tít tắp sương mù để lắng nghe tiếng gà, tiếng chày Yên Thái. Đương nhiên, những âm thanh dân dã ấy chỉ có ở trong mấy câu ca dao cổ. Nhưng biết đâu, thảng hoặc đâu đó rơi xuống một tiếng gà… tuyệt đấy chứ.
Chia tay người bạn trên sân ga ồn ã, tôi mới nhận ra một điều: Con người cũng cần có mơ mộng. Đôi khi cái mơ mộng cũng khiến người ta nhuốm chút ít thất vọng không đâu. Nhưng thiếu nó, đời hình như cũng nghèo nàn đi ít nhiều. Anh bạn tôi có Thăng Long-Hà Nội từ thuở thiếu thời và cảm giác ấy thật tuyệt vời khi đến với nơi mình mộng mơ từ thuở nhỏ.
Bài và ảnh: Như Nguyễn