Lập di chúc, ai làm chứng mới hợp pháp?
* Chị Lương Thanh Tâm (Hải Phòng) hỏi: Cha mẹ tôi đã già yếu nên dự định lập di chúc để lại tài sản cho các con. Vậy ai là người làm chứng mới hợp lệ?
- Theo Điều 646, 654 Bộ luật Dân sự: Di chúc là thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây: Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; người có quyền lợi, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; người chưa đủ 18 tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.
Di chúc miệng có hiệu lực không?
* Anh Cao Văn Dân (Đam Rông - Lâm Đồng) hỏi: Cha tôi trong lúc hấp hối có nói với tôi là để lại toàn bộ căn nhà và mảnh vườn cho tôi. Vậy tôi có được hưởng số tài sản theo lời dặn của cha tôi không?
- Căn cứ Điều 652, 654 Bộ luật Dân sự: Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực. Người làm chứng không phải là những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; người có quyền lợi, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; người chưa đủ 18 tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.
Việc anh có được hưởng số tài sản trên hay không, ngoài điều kiện về di chúc miệng nêu trên còn phụ thuộc cha anh có toàn quyền sở hữu/quyền sử dụng số tài sản đó (hay sở hữu chung với mẹ anh...).
PLVN