Ảnh minh họa nguồn Internet
“Con chim trúng đạn sợ cành cây cong”
Không hồ hởi, nhiệt thành như lần đầu kết hôn, kẻ đã qua một lần đò thường mang trong mình rất nhiều suy tư, trăn trở trước khi bước vào cánh cửa hôn nhân lần nữa.
Dù là cay đắng, mất mát khi quyết định chia tay có khi vì những lý do không đâu của hai vợ chồng trẻ, trước một cuộc sống chung mới, người đã ly hôn thấy mình “già” hẳn, với những do dự, toan tính mông lung. Nỗi đau của những đổ vỡ trong quá khứ khiến cho người ta như thể con chim đã một lần trúng tên, hễ thấy cành cong là hoảng sợ, run rẩy.
Người ta mặc cảm về hoàn cảnh của mình, nghi ngại về thực tại của đối tượng, ám ảnh với quá khứ, lo sợ cho tương lai hay không tin vào chính quyết định của bản thân mình nữa. Nếu như chỉ hai hay ba năm trước, thậm chí là ít hơn số thời gian ấy, họ chẳng cần nghe người khác khuyên bảo, sẵn sàng từ bỏ cả gia đình để đi theo tiếng gọi của tình yêu, bất chấp rào cản để cưới cho bằng được người mình thích thì bây giờ, họ thậm chí phải viện đến cả lời khuyên của những người không quen biết mà vẫn không thể đi đến quyết định cuối cùng có nên cưới “người đến sau” này hay không.
Một phụ nữ bị chồng bỏ, có một con gái, đang băn khoăn đứng trước quyết định kết hôn với một người đàn ông đã ly dị vợ và cũng có một con. Chị tìm lời khuyên từ bạn đọc trên mục tâm sự của một tờ báo điện tử. Người phản đối thì đưa ra khá nhiều lý do như “con chồng không phải con mình đẻ ra, phức tạp lắm và có cố gắng đến mấy cũng chỉ làm dì ghẻ”, quan hệ “rổ rá cặp lại” phức tạp hay một lần đổ vỡ chưa đủ khổ đau hay sao mà phải nhúng thân vào chốn nhiều nước mắt nữa? Còn những người ủng hộ thì lấy chính dẫn chứng về sự hạnh phúc hôn nhân lần hai của mình để ủng hộ việc đi bước nữa. Trăm người nghìn ý, bước tiếp hay dừng lại đây?.
Câu hỏi đó không dễ trả lời với rất nhiều người người từng ly dị. Và vì thế, không ít trong số họ trì hoãn cơ hội tìm kiếm hạnh phúc mới và thậm chí lảng tránh tái hôn bằng các giải pháp “tạm thời” khác như cặp bồ, ngoại tình… Đi bước nữa, liệu mình hoặc các con có hạnh phúc hơn?.
Hay dở luôn song hành
Lần kết hôn đầu, người ta thường đến với nhau khi ở độ tuổi còn rất trẻ, khi suy nghĩ thừa sự bồng bột mà kinh nghiệm sống thì nghèo nàn, cộng với sự vỡ mộng về hôn nhân khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ ngày nay tan vỡ khi vừa mới sống chung chưa đầy năm. Còn khi đã một lần “rút kinh nghiệm” thì đương nhiên, trong cuộc hôn nhân lần hai, những sai lầm cũ ít khi bị lặp lại do người trong cuộc đã thực sự trưởng thành hơn trong suy nghĩ, hành động, chín chắn hơn trong việc chọn bạn đời và ít nhiều họ cũng “trải đời” hơn trước. Đã mất mát, đã thất bại nên họ biết giữ gìn và trân trọng hạnh phúc hơn. Họ biết điều gì nên làm và đâu là giới hạn cần phải tránh. Hạnh phúc gia đình cũng nhờ đó được duy trì bền lâu và vững chắc hơn.
Vấn đề kinh tế, cái “thực” quan trọng trong đời sống gia đình, ở những cặp vợ chồng tái hôn dù sao cũng vững chắc hơn nhiều bởi một trong hai người đã có một quãng thời gian trước đó để dành dụm, hoặc họ cũng tỉnh táo hơn trước những vấn đề cơm áo gạo tiền. Cái này thì những cặp vợ chồng kết hôn lần đầu phải tích lũy khá lâu mới có được. Kết hôn lần nữa cũng đem đến cho những người đang một mình lẻ bóng vì hôn nhân tan vỡ có được sự ổn định về sinh lý, công việc, và cả những đứa con ngoan ngoãn không phải mất công sinh thành mà có, nếu họ là những người khéo léo.
Tuy nhiên, chẳng có gì hoàn hảo cả. Nếu cuộc hôn nhân đầu tiên rắc rối một thì ở cuộc sống của những gia đình “rổ rá cạp lại” sự phức tạp tăng gấp nhiều lần. Nan giải nhất là những rắc rối phát sinh từ sự xuất hiện của những đứa con khác cha hay khác mẹ. Với phụ nữ, vấn đề này quả là đau đầu.
Chuyện con chung, con riêng, chuyện bênh đứa này, hắt hủi đứa kia, sợ con mình tủi hổ, mặc cảm khiến họ “chùn bước” hoặc nản lòng trước cuộc hôn nhân mới. Bản thân những đứa trẻ "con anh, con tôi và con chúng ta" cũng là lý do dẫn đến những va chạm bất hòa và đe doạ sự tồn tại của gia đình mới. Bọn trẻ không dễ dàng chấp nhận một người mới trong gia đình chúng, cũng rất khó khăn để có thể hòa nhập hoặc gọi một người chẳng chung huyết thống, cũng không sinh thành ra chúng là mẹ, là cha.
Đổ vỡ của cha mẹ trước đó đã hình thành một vết đau trong trái tim con trẻ, thêm một cú shock thay đổi này, có những đứa trẻ đã tự hình thành một lối sống, một cách nghĩ thiên lệch và khó có thể gọi là bình thường. Rào cản con cái khiến không ít cuộc hôn nhân lần hai trở thành địa ngục.
Có một điều, dù muốn hay không muốn nghĩ đến chăng nữa, thì khi xây dựng gia đình lần thứ hai ít nhiều người ta cũng có chút ảnh hưởng của người trước đó. Tâm lý so sánh cũ mới không thể tránh khỏi. Rồi sự xuất hiện của người cũ trong những lần thăm con, trong những câu nói ngây thơ của trẻ có thể để làm chạnh lòng người mới.
Nếu một trong hai vợ chồng không thật sự thông cảm hay đụng đến nỗi đau của nhau, hoặc kể lể, so sánh đối chiếu các chi tiết sinh hoạt, phẩm chất của đời sống hiện tại với cuộc sống, con người trước đó thì tình cảm, nếp sống mới được xác lập sẽ ngay lập tức rạn nứt. Khó lắm, khi quá khứ và hiện tại vẫn cứ sống chung.
Hạnh phúc trong tay mình
Dù gập ghềnh, chông gai nhưng theo nhiều chuyên gia tâm lý thì tái hôn vẫn thực sự là thiên đường hạnh phúc cho những người đã một lần lỡ dở nếu biết cách sống. Theo bà Nguyễn Vân Anh, sáng lập viên của trung tâm tư vấn Linh Tâm, để có được hạnh phúc ở lần tái hôn, điều quan trọng nhất là phải có một cái nhìn tích cực: “Đừng bao giờ mang tư tưởng bi quan, hằn học, quan niệm không tốt về mối quan hệ “rổ rá cạp lại” hay vấn đề con chung con riêng, soi xét quá khứ.... vào cuộc hôn nhân mới vì người chịu đau khổ trước hết là chính người có thái độ đó.
Cuộc sống luôn phát triển tích cực nếu ta có cái nhìn tích cực và sự vận động tích cực. Đồng thời, nên rút kinh nghiệm từ những sai lầm của cuộc hôn nhân lần trước và chính những kinh nghiệm quý báu đó sẽ mở đường cho con thuyền hạnh phúc lần hai.”
Bà Vân Anh cũng khuyên những người đang muốn đi bước nữa, nếu muốn xử lý tốt những tình huống nan giải ở cuộc tái hôn thì nhất thiết phải học hỏi: học từ những người xung quanh, từ sách vở và từ chính sự đổ vỡ trước đó của mình. Nếu con cái được xem như vấn đề nan giải nhất trong cuộc hôn nhân lần này thì đó là vấn đề cần quan tâm ngay từ đầu để tránh phải sửa sai và chịu những hậu quả to lớn từ sự lơ đễnh của mình.
Tái hôn dễ đem đến những tốt đẹp cho cha mẹ nhưng lại hay làm tổn thương đến đến con cái. Liệu bạn có thể hạnh phúc khi con mình bất hạnh? Cuối cùng, nên nhìn quá khứ như một điều đã qua và quan tâm đến hạnh phúc hiện tại bởi đó mới chính là điều sống còn của cuộc “hôn nhân đến sau” này.