Sáng ngày 23/4, MSB tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ 32 tại Hội sở Hà Nội. Bên cạnh việc điểm lại kết quả hoạt động năm 2023, Đại hội sẽ biểu quyết thông qua kế hoạch kinh doanh của ngân hàng trong năm 2024 và phương án tăng vốn điều lệ.
Theo đó, dựa trên bối cảnh kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro, MSB đặt mục tiêu thận trọng với chỉ tiêu tổng tài sản đạt 280.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023; vốn huy động tại thị trường I và trái phiếu huy động vốn đạt 178.900 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước.
Tăng trưởng tín dụng được ngân hàng kỳ vọng ở mức 18%(*). Lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 17% so với năm 2023, đạt 6.800 tỷ đồng. Song song với mục tiêu về tăng trưởng, MSB cũng bám sát việc kiểm soát tốt nợ xấu dưới 3%.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế về vốn điều lệ đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vốn ở mức tốt, MSB sẽ trình Đại hội đồng cổ đông phương án tăng vốn điều lệ lên 26.000 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30% từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối.
Theo thông tin từ tài liệu Đại hội được Ngân hàng công bố, số lượng cổ phiếu tối đa phát hành thêm là 600 triệu, kế hoạch và thời gian triển khai cụ thể sẽ xin ý kiến cổ đông giao MSB thực hiện, tùy theo diễn biến thị trường và tình hình kinh doanh của MSB.
Đại diện MSB chia sẻ thêm: “Bên cạnh nâng cao bộ đệm rủi ro, việc tăng vốn còn tạo thêm nguồn lực thúc đẩy mạnh hơn tiến trình số hóa cũng như các dự án phục vụ chiến lược phát triển bền vững trong hành trình xanh hóa ngân hàng”.
Về định hướng năm 2024, ngân hàng chú trọng hoạt động quản lý và đa dạng hóa nguồn vốn, đặc biệt là các nguồn vốn chi phí thấp thông qua việc thu hút tiền gửi không kỳ hạn và các nguồn tài chính xanh từ thị trường quốc tế.
Về CASA, trong 05 năm gần đây, tỷ trọng CASA/tổng tiền gửi luôn là điểm nhấn của MSB trên thị trường khi luôn nằm trong top 5 ngân hàng sở hữu chỉ số này cao nhất, dù lãi suất huy động biến động trong một thời gian dài. Để đạt kết quả này, ngân hàng dựa trên ba yếu tố chính.
Đầu tiên là sản phẩm và dịch vụ “thuận ích” được “may đo” dựa trên nhu cầu thực của khách hàng và phân chia theo phân khúc, hướng tới phục vụ toàn diện và giải quyết những bất cập trong giao dịch tài chính hàng ngày của các cá nhân và doanh nghiệp.
Thứ hai, MSB đưa giá trị tăng thêm khi khách hàng sử dụng một sản phẩm, mang đến những gói ưu đãi hấp dẫn, tăng mức sinh lời trên chính dòng tiền sẵn có của khách hàng, đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận hạn mức tín dụng phê duyệt trước.
Thứ ba, ngân hàng nâng cao trải nghiệm khách hàng qua nền tảng số hóa, mang tới hành trình tiếp cận, sử dụng sản phẩm - dịch vụ nhanh chóng và tiện ích hơn. Tiêu biểu, trong năm 2023, khách hàng doanh nghiệp của MSB có thể đăng ký vay vốn online với hạn mức lên tới 15 tỷ và phê duyệt nhanh trong 03 ngày làm việc. Điểm số hài lòng của khách hàng với sản phẩm này đạt hơn 80/100 điểm.
Về phát triển bền vững, MSB định hướng tiên phong phát triển đa dạng sản phẩm và danh mục khách hàng, dự án tài chính xanh, tài chính bền vững cho cả hai cấu phần tài sản nợ - tài sản có, phù hợp với các chuẩn mực, nguyên tắc, thông lệ quốc tế tốt nhất.
Ngân hàng đang trong quá trình nghiên cứu và xây dựng khung khoản vay bền vững để cung cấp các sản phẩm khoản vay xanh, xã hội, liên kết bền vững cho các khách hàng doanh nghiệp trong nước, trong đó chú trọng tài trợ cho khách hàng lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp, doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu, các ngành sản xuất và tiêu dùng phát thải carbon thấp. Đây là cơ sở quan trọng để MSB thu hút nguồn tài chính xanh từ thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đa dạng hóa nguồn thu nhập, tiếp tục đẩy mạnh tăng thu nhập từ phí dịch vụ thông qua các giải pháp bán chéo, tận dụng hệ sinh thái của đối tác tài chính…đồng thời tối ưu vị thế dẫn đầu của MSB về các hoạt động kinh doanh ngoại hối.
Những kế hoạch và định hướng được MSB trình Đại hội đồng cổ đông phê duyệt được kỳ vọng tạo cơ sở để MSB tiếp tục nỗ lực để tăng trưởng bền vững, hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng thấu hiểu khách hàng và có lợi nhuận cao tại Việt Nam.
(*) Tùy thuộc vào sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước từng thời kỳ