Tỷ lệ giao dịch số tăng lên
Sự bùng nổ của công nghệ đã mang đến vô vàn tiện ích cho khách hàng, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính. Ngày càng nhiều dịch vụ và sản phẩm tài chính ra đời, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dùng, mở cơ hội cho khách hàng tiếp cận với nhiều sản phẩm tiện ích, song, điều này cũng đồng thời “tạo cơ hội” cho kẻ gian len lỏi để tấn công hệ thống, đánh cắp tài sản và dữ liệu.
Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng Giám đốc Vietinbank nhận định, hiện nay, mức độ tinh vi, phức tạp của những hành vi tấn công và đánh cắp dữ liệu ngày càng cao, hoạt động có tổ chức, bài bản, thực hiện đánh cắp tài sản và liên tục luân chuyển tài sản qua nhiều tài khoản khác nhau trong một ngân hàng và giữa các tài khoản trong hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM), dẫn đến khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc truy vết và thu hồi tài sản.
Theo ông Lân, công tác ứng phó với tấn công trong hệ thống ngân hàng thời gian qua đã có nhiều mặt khả quan hơn, đặc biệt phải kể đến yếu tố liên minh hợp tác giữa các tổ chức tín dụng (TCTD) trong ngành.
Bà Đoàn Hồng Nhung - Giám đốc Khối bán lẻ Vietcombank cho rằng, việc các TCTD có thể chia sẻ kinh nghiệm ứng phó thực tiễn, học hỏi lẫn nhau, cùng với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các Bộ, ngành như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đã góp phần rút ngắn công tác truy vết tội phạm công nghệ, hỗ trợ thu hồi tài sản bị đánh cắp cho khách hàng, đảm bảo uy tín của các TCTD nói riêng và của ngành Ngân hàng nói chung.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, tại nhiều NHTM, hiện có tới 97% số lượng giao dịch được thực hiện trên kênh số, thể hiện tỷ lệ số hóa cao trong các hoạt động ngân hàng. Tỷ lệ tăng trưởng của giao dịch số ở mức tốt, liên tục và đồng đều cả về số lượng và giá trị thể hiện sự tin tưởng của khách hàng đối với ngành Ngân hàng.
Số liệu từ Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cũng cho thấy, những năm gần đây, trước sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động thanh toán điện tử, hệ thống NAPAS cũng ghi nhận sự tăng trưởng nhanh chóng về số lượng và giao dịch thanh toán. Tính đến 30/9/2024, giao dịch qua NAPAS tăng trưởng khoảng hơn 32% về số lượng và 18% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2023.
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, hiện tại, dữ liệu cho thấy có hàng chục triệu khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. “Thử tưởng tượng, điều gì sẽ xảy ra nếu hệ thống ngân hàng dừng hoạt động 5 phút? Tác động chắc chắn sẽ vô cùng lớn” - Phó Thống đốc Dũng đặt vấn đề và khẳng định, sau khi đã phủ sóng sản phẩm dịch vụ trên diện rộng, hệ thống ngân hàng phải hướng tới đảm bảo an toàn hoạt động và chiều sâu cho sản phẩm dịch vụ.
Cần an toàn cho hệ thống
Ông Lê Văn Tuấn - Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, bình quân mỗi tháng có khoảng 21.000 lượt phản ánh người dân bị lừa đảo, đến tháng 9/2024 giảm xuống còn 15.000 lượt phản ánh. Điều này cho thấy hướng đi đúng đắn của ngành Ngân hàng, những tác động tích cực từ các chính sách của ngành Ngân hàng. Có thể thấy, sau thời gian triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN về sinh trắc học ngân hàng và Thông tư 17/2024/TT-NHNN về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán của tổ chức, cá nhân, số vụ việc lừa đảo đối với khách hàng cá nhân đã giảm rõ rệt.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng khẳng định, không có một biện pháp nào triệt để và hoàn hảo, tình trạng “lách” quy định bằng mở tài khoản doanh nghiệp, “lách” xác thực sinh trắc học để phục vụ mục đích gian lận; việc tăng cường phối hợp, tích hợp với nhiều đơn vị cũng mang đến nhiều nguy cơ liên quan đến an toàn bảo mật và gián đoạn vận hành. Đây là thời điểm, các ngân hàng cần phải quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng tốt nhất cho các sản phẩm dịch vụ của mình.
Đại diện Bộ TT&TT cũng khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng NHNN trong công tác xây dựng cơ chế chính sách, hoàn thiện các hệ thống văn bản để củng cố hành lang pháp lý về thúc đẩy chuyển đổi số, tăng cường an toàn, an ninh bảo mật, thúc đẩy phát triển bền vững chung của ngành Ngân hàng và của nền kinh tế.
Ông Lê Ngọc Tâm - Giám đốc Microsoft Việt Nam thông tin, Microsoft Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp tích cực với NHNN để tăng cường phát triển, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp dưới vai trò đóng góp, tham mưu; phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan khác để hỗ trợ đánh giá rủi ro đảm bảo an toàn an ninh mạng. Trong thời gian tới, Microsoft Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình đào tạo, với mục tiêu hỗ trợ các TCTD tiếp cận những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao liên quan đến an ninh, bảo mật, củng cố kỹ năng ứng phó với rủi ro từ môi trường mạng trong hoạt động ngành Ngân hàng.