Đưa Tuồng vào phục vụ du lịch là một kế hoạch đã có từ lâu của các nhà quản lý văn hóa và du lịch Đà Nẵng. Qua một số lần thử nghiệm, đến nay, ý tưởng này đã nhận được sự hưởng ứng của các đơn vị liên quan. Rồi đây, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đèn sẽ đỏ, trống chầu lại vang, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho người dân Đà Nẵng và du khách gần xa...
Ảnh: ĐINH LƠ |
Góp mặt của nghệ thuật “dân lập”
Lần đầu tiên, một chương trình nghệ thuật được ấn định để phục vụ du khách tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh có nhiều đơn vị tham gia. Ngoài lực lượng nòng cốt là các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà hát Trưng Vương, còn có sự góp mặt của các gương mặt trẻ đến từ Đoàn nghệ thuật dân gian Non Nước và Vũ đoàn Minh Nhật. NSND Trần Đình Sanh, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết, với đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên lớn và có tay nghề cao, nhất định sẽ làm hài lòng du khách thông qua các trích đoạn Tuồng, hòa tấu nhạc cụ dân tộc và trình diễn các làn điệu dân ca các vùng miền trên cả nước.
Theo kế hoạch, buổi biểu diễn đầu tiên sẽ chính thức trình làng vào dịp sau Tết Canh Dần, với 2 buổi/tuần, lúc 20 giờ vào các ngày thứ tư và thứ bảy. Các đơn vị tham gia biểu diễn và các hãng lữ hành, khách sạn, nhà hàng, các điểm du lịch... sẽ nối kết nhau đưa khách đến thưởng thức nghệ thuật. Đây là chương trình không đơn thuần giúp đưa tuồng cổ tiếp cận với khán giả mà còn hướng đến mục tiêu xa hơn là quảng bá hình ảnh và nghệ thuật truyền thống của dân tộc, góp phần bảo tồn nghệ thuật tuồng cổ, đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nhằm giữ chân du khách. Những đêm còn lại trong tuần, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vẫn phục vụ theo yêu cầu khán giả với các vở Tuồng truyền thống...
Còn đó, những khó khăn ban đầu
Với người nghệ sĩ, không gì hạnh phúc bằng việc sân khấu thường xuyên sáng đèn. |
Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đang tu bổ và nâng cấp hệ thống âm thanh, ánh sáng để sẵn sàng phục vụ cho cuộc thử nghiệm mới. Tuy nhiên, theo các đơn vị tham gia, khó khăn lớn nhất bây giờ là vấn đề tài chính. NSND Trần Đình Sanh cho biết, đối với Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và Nhà hát Trưng Vương, diễn viên có thể tự lo về kinh phí, nhưng các đơn vị “dân lập” sẽ gặp khó khăn trong việc dàn dựng chương trình do kinh phí có hạn. Về lâu dài, nếu không có khách thì làm thế nào để các đơn vị duy trì biểu diễn thường xuyên. Đây là vấn đề cần sự quan tâm của các ngành liên quan và lãnh đạo thành phố.
Đèn sẽ đỏ, trống chầu lại vang sẽ là một tín hiệu mừng cho những người làm nghệ thuật được sống với nghề, góp phần bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống. Mong sao đèn sẽ đỏ thường xuyên để người nghệ sĩ có được hạnh phúc nghề nghiệp, luôn có khán giả bên mình.
Bài và ảnh: VĂN NỞ