Cuộc triển lãm Cây cảnh nghệ thuật và Hoa vào những ngày đầu năm mới và mùa xuân Quý Tỵ tại Di tích Đoan Môn- Hoàng Thành Thăng Long tạo ra một mảng không gian xanh đa sắc màu để đón nhân dân Hà Nội và du khách đến thăm quan các di tích và dấu tích của Thành Thăng Long xưa, đồng thời còn thưởng ngoạn các tác phẩm Cây cảnh nghệ thuật và hoa Xuân.
Những tuyệt phẩm khoe dáng tại Hoàng thành |
1500 tuyệt phẩm khoe dáng
“Cây cảnh nghệ thuật và Hoa- mừng Đảng, mừng Xuân” - là cuộc triển lãm khá lớn về quy mô và đa dạng về thể loại. Cây cảnh nghệ thuật cùng điểm những bồn hoa, cây hoa, làm sắc màu khu trưng bày thêm đẹp và hấp dẫn. Triển lãm Cây cảnh nghệ thuật và Hoa có sự tham gia của Hội sinh vật cảnh, Hội Cây cảnh nghệ thuật, Cây lạc bộ Cây cảnh, Nhà vườn, Nghệ nhân Cây cảnh của 20 tỉnh, thành phố như: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Tp Hồ Chí Minh…
Cuộc triển lãm với sự tham gia của 1500 tuyệt phẩm cây cảnh trải dài trên diện tích trưng bày khoảng 4.000m2. Trước cổng Đoan Môn liền kề gồm 4 vị trí trang trọng có xen kẽ hoa với diện tích 1000m2. Khu vực này là các cây cảnh nghệ thuật loại nhỏ.
Phía đầu sân cỏ lớn được bài trí cây mini nghệ thuật cao, xen kẽ có cả hoa. Khu vực này hình thành các mảng cây và hoa hình tròn, hình bình hành và hình vuông… có diện tích khoảng 500 m2. Hai bên sân cỏ lớn, mỗi bên khoảng 1000 m2 là những cây cảnh cỡ trung và đại có giá trị nghệ thuật cao, tạo ra một không gian thoáng đẹp như muốn chào đón mời khách vào tham quan chiêm ngưỡng.
Ngoài ra, phía gần cổng đựoc dành riêng cho khu trưng bày hoa xuân và cây cảnh ăn quả đặc sản Tết, nhất là Đào, Quất, Mai, cây cam Canh…
Và biểu đạt ước mơ Chân- Thiện- Mỹ
Chủng loại cây cảnh nghệ thuật được trưng bày khá phong phú như Sanh, Si, Tùng Cối, La Hán, Đa, Phi lao, Nguyệt quế, Lộc, Trà, hoa Giấy….Nhiều thế cây chuyển tải nội dung mang tính giáo dục, chuẩn mực làm người, thể hiện giá trị của văn hóa truyền thống của người Việt, biểu đạt ước mơ của con người vươn tới Chân- Thiện- Mĩ, cầu mong những điều tốt lành như: Tam đa, Ngũ phúc.
Các nghệ nhân đã thể hiện ý tưởng của mình qua tác phẩm: “Cây Sanh song thu”, “Cây Tùng cối trực”, “Sanh mẫu tử”, “Tùng phụ tử”, “Sanh Phượng Vũ”, “Hồn quê”, “Cây đa bến nước”…Đặc biệt, có một số cây cảnh nhiều quả chín xum xuê như cây Trứng gà với những quả vàng óng hay những cây Cam, Bưởi trĩu cảnh càng làm cho khu trưng bày thêm sinh động.
Qua 1500 tác phẩm trưng bày, các nghệ nhân đã biết kết hợp hài hòa giữa lối chơi truyền thống và lối chơi hiện đại, tiếp thu tinh hoa nghệ thuật cây cảnh của một số nước như Trung Quốc, Nhật bản, Indonexia…và có sự giao thoa giữa các vùng miền trong cả nước.
Để có cây cảnh đạt trình độ nghệ thuật, người làm vườn, ngoài việc vun tưới, xới, chăm bón, còn phải nắn nót, cắt tỉa rất tỉ mỉ, cầu kỳ. Thông thường, cây cảnh được chia làm 3 nhóm: Nhóm trồng ươm chuẩn bị cho công việc ghép, nén, uốn; Nhóm cây cảnh phối hợp với non bộ. Cuối cùng là nhóm cây thể có dáng đứng, điệu vươn, hình hài toát lên một chủ đề, một ý niệm tư tưởng, một nỗi niềm. Một chậu cây thể có thể ghép với một hoặc hai loại cây khách nhau để có những cành, lá khác nhau hòa vào một tổng thể, nhằm thể hiện một ý tưởng, một tâm trạng. Thời gian để tạo ra tác phẩm ít nhất là 5 năm.
Không chỉ thưởng lãm cây cảnh, tại đây, du khách còn được giới thiệu Thư pháp và gặp gỡ một số Thầy Hán Nôm; Trao đổi về kỹ thuật tạo thể cây cảnh; cùng tọa đàm với chủ đề: “Cây cảnh nghệ thuật- truyền thống, di sản và phát triển” và thưởng thức văn nghệ dân gian như: Ca trù, hát Văn, hải Xẩm…
Triển lãm Cây cảnh nghệ thuật và Hoa- mừng Đảng, mừng Xuân, được kéo dài tới hết ngày 25/2/2013.
Bảo Châu