Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn Trung ương, mặc dù cơn bão số 2 đang tiếp tục di chuyển nhanh về phía đảo Lôi Châu, sau đó đổ bộ vào đất liền thuộc khu vực phía Đông Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), nhưng đêm mai, bão sẽ gây mưa to đến rất to ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta.
Theo bản tin dự báo mới nhất của Trung tâm khí tượng thuỷ văn Trung ương, hồi 10 giờ ngày 21/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,4 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam khoảng 260 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.
Đêm mai (22/7), các tỉnh vùng núi phía Bắc và khu Đông Bắc Bắc Bộ sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to - Ảnh KTTV |
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 22 giờ ngày 21/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 111,5 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 80 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 80 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Đến 10 giờ ngày 22/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, trên khu vực bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cách Móng Cái 280 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 80 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Đến 10 giờ ngày 23/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,6 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Đông Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cách Cao Bằng – Lạng Sơn khoảng 130km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 220 km.
Đến ngày 24/7, bão tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km, đi sâu vào đất liền đến vùng biên giới Việt - Trung và sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Lúc này sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội. Từ đêm ngày 21/7, vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, phía Đông Bắc vịnh Bắc Bộ sau tăng lên cấp 8, giật cấp 9, cấp 10; biển động mạnh.
Theo tính toán của các chuyên gia khí tượng thuỷ văn, ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và khu Đông Bắc Bắc Bộ từ đêm mai (22/7) sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vì vậy cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở vùng trũng.
Theo Vietnamnet