Với nhận định chung về tính tiến bộ, phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tại Hội nghị góp ý do Trung Ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức sáng qua (20/3), các nhân sỹ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo đã đánh giá cao và bày tỏ sự trân trọng các quy định về quyền con người, quyền công dân, hội đồng hiến pháp, vấn đề tôn giáo, dân tộc, vai trò lãnh đạo của Đảng… trong dự thảo.
GS Nguyễn Đăng Dung (đứng): “Phải để người dân “tìm thấy mình” trong từng điều khoản của Hiến pháp”. |
Cần rõ hơn cơ chế trưng cầu ý dân
Hòa thượng Thích Gia Quang cho rằng, vai trò lãnh đạo của Đảng là không thể phủ nhận và cần được khẳng định trong Hiến pháp. Tuy nhiên, “phải có cơ chế” để qui định về sự lãnh đạo của Đảng được qui định tại Điều 4 dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có hiệu quả cao. Trong đó, qui định chức danh Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước là cần thiết để thống nhất quyền lực của Đảng cầm quyền và phù hợp thông lệ quốc tế về nguyên thủ quốc gia, tạo thuận lợi cho công tác đối ngoại, ngoại giao.
Cùng quan điểm, TS.Trần Đình Long cho rằng, “hợp nhất chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước là tăng cường vai trò của Đảng”. Luật gia Nguyễn Thị Lệ kiến nghị qui định về khuôn khổ hoạt động của Đảng “theo Hiến pháp và pháp luật” như Điều lệ Đảng để “hoạt động của Đảng được rõ ràng”.
Nhiều ý kiến tập trung vào qui định về dân chủ và trưng cầu dân ý, nhất là trong quá trình xây dựng Hiến pháp và quyết định những vấn đề trọng đại của quốc gia. Một số ý kiến đề nghị qui định trong dự thảo cần tạo theo hướng “những gì dân làm được thì để dân làm” nhưng vẫn cần nâng cao tính dân chủ đại diện. Ông Lù Văn Que -Ủy viên Ban Chấp hành TƯ MTTQ Việt Nam - nhận thấy, việc Điều 30 của dự thảo “chưa qui định rõ việc nào bắt buộc phải tổ chức trưng cầu ý dân” là “thiếu cơ chế để việc trưng cầu ý dân được thực hiện”.
Chủ tịch nước là Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp
GS.Nguyễn Đăng Dung - ĐH Quốc gia Hà Nội - đề nghị, dự thảo phải “thể hiện rõ quyền của người dân trong việc được trưng cầu ý dân, chứ không phải phụ thuộc vào việc Quốc hội cho phép”. Bên cạnh đó, sự tham gia của MTTQ hay sự tín nhiệm của người dân đối với Đảng qua việc bỏ phiếu bầu các chức danh lãnh đạo của Nhà nước để tạo sự chính danh của Nhà nước theo GS.Dung cũng chính là “tăng cường tính dân chủ và sự tham gia của người dân vào các công việc quan trọng của đất nước”. Đặc biệt, GS.Nguyễn Đăng Dung cho rằng, mỗi người cần phải “tìm thấy mình” trong các điều khoản của Hiến pháp thì đó mới thực sự là Hiến pháp của dân.
Đau đáu với những biểu hiện xuống cấp trong đời sống văn hóa xã hội, nhà sử học Lê Văn Lan đề nghị, phải qui định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 việc “xây dựng nền văn hóa XHCN, vì mình, vì người, có bản lĩnh Việt Nam, nhân văn, nhân tính, nhân ái, có tuệ tính” thay vì qui định “nhợt nhạt” về văn hóa thời kỳ hội nhập như Điều 64 dự thảo. Ngoài ra, Luật gia Nguyễn Thị Lệ đánh giá, qui định như Điều 23 dự thảo là hạn chế quyền giám sát của nhân dân, nên kiến nghị giữ nguyên Điều 73 Hiến pháp năm 1992 về quyền của công dân đối với chỗ ở, thư tín, điện thoại, điện tín.
Đối với qui định về Hội đồng Hiến pháp, TS.Trần Đình Long cho rằng, qui định này là “chưa đủ” vì Hội đồng thì chỉ mang vai trò tư vấn nên để thực hiện đúng nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp thì thiết chế này cần phải được tổ chức theo mô hình ủy ban hoặc Tòa án Hiến pháp do Chủ tịch nước đứng đầu. Hòa thượng Thích Gia Quang cũng tán thành qui định Chủ tịch nước là Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp vì sẽ “thuận lợi cho việc giám sát các công việc của Nhà nước”…
Huy Anh