Đây là kết quả vừa được nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cùng Oxfam công bố tại Hội thảo “Đánh giá tác động của việc tăng thuế VAT lên tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình” tổ chức sáng qua, 28/5.
Tăng hơn 200.000 người nghèo
Đại diện nhóm nghiên cứu, TS Nguyễn Việt Cường (Đại học Kinh tế Quốc dân) nêu lên 2 phương án tăng thuế VAT để so sánh.
Phương án 1, tăng thuế ở mức 1,2%. Phương án này giống với đề xuất của Bộ Tài chính trước đó, tức là mặt hàng có thuế 5% tăng lên 6%, mặt hàng thuế 10% tăng lên 12% và mặt hàng thuế 0% giữ nguyên.
Phương án 2 được nhóm nghiên cứu đề xuất thêm là mặt hàng thuế 5% tăng lên 10% trong khi mặt hàng thuế 0% và 10% không điều chỉnh.
Với 2 phương án trên, nhóm nghiên cứu sử dụng số liệu khảo sát Mức sống hộ gia đình Việt Nam (VHLSS) của Tổng cục Thống kê năm 2016 để tính toán.
Kết quả cho thấy, nếu tăng thuế như phương án 1, tỷ lệ nghèo tăng lên 0,26%, tương ứng với khoảng 240.000 người nghèo tăng lên. Với phương án 2, tăng thuế VAT lên mức chung 10% thì tác động nhỏ hơn một chút. Tỷ lệ nghèo tăng lên 0,22%, tương ứng với khoảng 202.000 người nghèo tăng lên.
Tuy nhiên, phương án 2 gặp phải vấn đề là việc điều chỉnh theo hướng áp thuế tất cả 10% thay vì có mặt hàng 5% như hiện tại sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến các nhóm nghèo, đặc biệt các hộ tiêu dùng nhiều thực phẩm như rau, thịt sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Nguyên nhân được chỉ ra là do thuế suất 5% hiện được áp dụng cho các hàng hoá, dịch vụ thiết yếu như nước sạch, sản xuất phân bón, dạy học, thức ăn chăn nuôi, các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa qua chế biến,…
“Tăng thuế VAT đồng nghĩa với việc tăng giá bán và người tiêu dùng là người chịu thuế chính. Xét về tác động lên nghèo đói thì VAT chỉ có tác động lên nhóm thu nhập thấp ở cận chuẩn nghèo. Các hộ gia đình có mức sống cao cũng bị giảm mức chi tiêu nhưng mức giảm này không làm họ rơi vào nghèo như nhóm cận nghèo…”, ông Cường nhận định.
Phương án nào?
Với 2 phương án tăng thuế VAT, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra các con số tác động đến kinh tế vĩ mô. Cụ thể, với phương án 1, thu ngân sách nhà nước (NSNN) sẽ tăng thêm 4,9%. Nếu Chính phủ dùng tiền thuế tăng thêm để đầu tư phát triển sẽ làm tổng đầu tư toàn xã hội tăng thêm 1,7%. Tuy nhiên, tổng thu nhập và tổng chi tiêu của hộ gia đình sẽ giảm bớt đi hơn 0,9% (giống như kết quả với mô hình sử dụng số liệu VHLSS). Do đó, sản lượng thực của nền kinh tế không tăng lên, có thể làm giảm 0,01% GDP.
Với phương án 2, thu NSNN sẽ tăng thêm 2% (thấp hơn phương án 1). Nếu Chính phủ dùng tiền này để đầu tư phát triển sẽ làm tổng đầu tư toàn xã hội tăng thêm gần 1,8%. Tuy nhiên, tổng thu nhập và tổng chi tiêu của hộ gia đình sẽ giảm bớt đi 1%. Do đó, sản lượng của của nền kinh tế không tăng giống như phương án 1, GDP có thể tăng 0,03%.
Nếu tăng thuế theo phương án 1 nhưng Chính phủ lại dùng tiền này để chi thường xuyên thay vì đầu tư như 2 phương án trên, thu NSNN sẽ tăng thêm 4,5% nhưng chi tiêu Chính phủ sẽ tăng thêm gần 7%. Tổng đầu tư toàn xã hội chỉ tăng thêm 0,5%. Tổng thu nhập và tổng chi tiêu của hộ gia đình sẽ giảm bớt đi hơn 0,9% (giống như kết quả của phương án 1). Do đó, sản lượng thực của nền kinh tế bị giảm bớt đi 0,13%.
Không bày tỏ việc nghiêng về phương án nào, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VERP cho rằng, Nhà nước cần cân nhắc việc điều chỉnh thuế VAT trong thời gian tới, vì đây là việc đánh đổi giữa tăng ngân sách với tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo của Việt Nam.
Ông Thành cũng lưu ý, vấn đề lớn hơn là chi như thế nào với nguồn tăng thuế. “Nguồn thu từ tăng thuế phải sử dụng sinh lời cho nền kinh tế, cho đầu tư hạ tầng, làm người dân phát triển tốt hơn thì tăng thuế mới ý nghĩa…”, ông Thành nhấn mạnh.
Trong báo cáo công bố, nhóm nghiên cứu bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính đã đưa ra, nhất là tiền thuế tăng thêm lại được Chính phủ đưa vào chi thường xuyên mà không chi đầu tư phát triển, điều này sẽ làm cho sản lượng thực của nền kinh tế giảm.
Trong trường hợp Chính phủ vẫn cần phải tăng thuế để bù đắp cho thâm hụt và giảm nợ công, nhóm nghiên cứu đề xuất, Chính phủ nên nghĩ đến việc cải cách lại các loại thuế tài sản. Vì hiện nay, tỷ trọng của loại thuế này trong tổng số thu thuế còn quá khiêm tốn. Thêm vào đó, tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng số thu thuế đã ở mức trên 60%, tăng thêm suất bất cứ một loại thuế tiêu dùng nào cũng sẽ làm gánh nặng thuế của nhóm người có thu nhập thấp đã nặng thì càng thêm nặng.
Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý, các đề xuất tăng thuế gần đây luôn bị công luận phản đối rất mạnh. Do đó, trước khi tăng thuế Chính phủ phải thuyết phục được người dân về tính hợp lý của các khoản chi tiêu Chính phủ. Minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thu - chi ngân sách cần phải được nâng cao hơn và theo kịp với chuẩn mực quốc tế trước khi đưa ra các đề xuất tăng thuế.