Tại Hội thảo thông tin kết quả thăm dò ý kiến trẻ em sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, ông Trương Xuân Trường, Tạp chí Xã hội học, Viện Xã hội học Việt Nam cho biết, hầu hết trẻ em cả nước (khoảng 90%) ở mọi vùng miền, dân tộc, từ độ tuổi 6-18 tuổi đều mong muốn được tham gia diễn đàn trẻ em để từ đó các em được chia sẻ, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình.
Các em cũng mong được biết những thông tin mới liên quan đến trẻ em ; được người lớn lắng nghe và được tham quan, vui chơi. Đặc biệt, các ý kiến phần lớn mong muốn điều chỉnh độ tuổi của trẻ em từ dưới 16 tuổi lên dưới 18 tuổi.
Hình chỉ mang tính minh họa. |
Bình luận về những kết quả và nội dung của cuộc thăm dò “có một không hai” này, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ, TB & XH nhận xét, Công ước về quyền trẻ em quy định trẻ em dưới 18, trong khi Việt Nam là dưới 16. Vì vậy, trong thực tế chúng ta đã gặp khá nhiều rắc rối khi giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi của trẻ em, trong trường hợp trẻ em các nước khác đến Việt Nam du lịch, học tập…
Tuy nhiên,việc nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18 tuổi vẫn bị nhiều người e ngại là sẽ ảnh hưởng lớn đến ngân sách chăm sóc và giáo dục trẻ em. Nhưng theo ông Diệp, nếu có sự điều chỉnh, sẽ chút ít ảnh hưởng và tạo khó khăn nhất thời cho ngân sách quốc gia, nhưng lợi ích vẫn nhiều hơn.
Thêm vào đó, đầu tư cho trẻ em chính là đầu tư cho tương lai, cho đất nước và nó phù hợp với với quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Còn theo ông Đặng Hoa Nam, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em , Bộ LĐ, TB & XH - vấn đề nâng tuổi trẻ em trong luật rất phức tạp, bởi nó hơi vượt quá kinh nghiệm và tri thức của các em, nhiều em đưa ra quan điểm cảm tính. Vì thế, cần có bằng chứng xác đáng, nghiên cứu thuyết phục hơn về vấn đề này, đồng thời cũng cần phải có các nghiên cứu về nguồn lực, chính sách, pháp luật, trước khi quyết định nâng tuổi trẻ em.
Theo ông Nam, rất nhiều quốc gia ưu tiên tiếp cận theo độ tuổi, nếu nguồn lực của chúng ta ít chúng ta nên tập trung ưu tiên vào nhóm tuổi nào, để góp phần tăng khả năng đáp ứng của xã hội cũng như bảo đảm tính khả thi của điều luật.
Còn theo bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội: Khi đưa vấn đề tăng cường quyền tham gia của trẻ em cũng như nâng độ tuổi trẻ em vào luật, ngành tài chính cần xem xét cơ chế tài chính thế nào khi độ tuổi trẻ em được nâng tuổi. Hệ thống luật pháp cũng vậy, một loạt các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này cũng sẽ phải sửa đổi. Khó, nhưng chúng ta vẫn phải nghiên cứu, tính toán để tìm hướng đi đúng, nhằm đảm bảo thực hiện Luật Bảo vệ, Chăm sóc TE, cũng như những cam kết trong Công ước về quyền trẻ em mà chúng ta đã tham gia và ký kết.
Đoan Trang