Trước băn khoăn về nguyên nhân tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, có nhiều lý do, trong đó có việc dùng điểm thi tốt nghiệp kết hợp với điểm học bạ để xét tuyển đại học, cao đẳng.
Bộ trưởng thừa nhận, điểm học bạ như “phao cứu sinh” của học sinh nhưng ông cũng khẳng định sẽ từng bước tiến tới đánh giá điểm học bạ ở một mức độ nhất định, còn lại phải tăng vai trò của điểm thi để kỳ thi có ý nghĩa cao hơn, thực chất hơn. Bộ trưởng cũng thừa nhận, việc giao kỳ thi cho các địa phương tổ chức khiến bệnh thành tích còn kéo dài, tốt nghiệp gần như 100%.
Về chất lượng đề thi, Bộ trưởng đánh giá, đề thi năm 2018 chưa thật sự phù hợp với kỳ thi THPT quốc gia, trong đó, có một số câu hỏi thi khó hơn đề thi các năm trước, đặc biệt so với yêu cầu của đề thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Vì thế, mức độ khó/dễ của đề thi sẽ tiếp tục được chỉnh sửa. Từ năm 2019 sẽ điều chỉnh theo hướng đề thi của THPT, bám sát vào yêu cầu của THPT. Còn các trường ĐH, CĐ sử dụng điểm để tuyển là việc của họ chứ không phải hiểu thuần túy là “2 trong 1” mà ép học sinh phải học và thi với cả hai mục tiêu...
Ở khâu coi thi, Bộ GD-ĐT cho biết, một số cán bộ coi thi vẫn chưa thực hiện hết chức trách của mình, kiểm tra chưa nghiêm. Đặc biệt, còn để xảy ra tình trạng tiêu cực và gian lận có tổ chức tại một số hội đồng thi, gây tâm lý lo ngại trong học sinh và dư luận xã hội. Năm 2019, Bộ sẽ tăng cường chức năng quản lý nhà nước, vai trò thanh, kiểm tra, giám sát của Bộ GD-ĐT; tăng cường vai trò giám sát của các trường ĐH, CĐ trong tổ chức thi…
Tuy nhiên, trước những thông tin thay đổi này, nhiều quan điểm cho: Rõ ràng sự phân hóa giữa đề thi tốt nghiệp THPT và đề thi ĐH là khác nhau về yêu cầu và kiến thức là rất xa nhau. Vậy tại sao cứ cố gộp lại làm gì cho rối rắm, nảy sinh nhiều tiêu cực và cuối cùng khổ cả các trường, khổ cả học sinh? Nên chăng sớm tách bạch 2 kỳ thi ra để có chất lượng rõ ràng, có như vậy, việc tuyển lựa được chính xác!