Ngày 16-3, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã xét xử phúc thẩm vụ sai phạm tại Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông – Tây và Môi trường nước TPHCM (viết tắt là BQL Dự án).
Trước đó, tháng 9-2009, trong phiên xét xử sơ thẩm, TAND TPHCM đã tuyên phạt Huỳnh Ngoc Sĩ (SN 1953, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông công chính, nguyên Giám đốc BQL Dự án) mức án 3 năm tù và Lê Quả (SN 1939, nguyên Phó Giám đốc BQL Dự án) 2 năm tù cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Sau phiên xử, hai bị cáo làm đơn kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt; đồng thời Viện trưởng VKSND TPHCM cũng có văn bản kháng nghị, đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo hướng tăng án cho các bị cáo vì cho rằng hậu quả của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng nhưng bản án sơ thẩm lại tuyên quá nhẹ.
Tại phiên xử phúc thẩm, Huỳnh Ngọc Sĩ và Lê Quả vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo, xin được hưởng án treo với các lý do: mục đích cho PCI thuê nhà không phải nhằm tư lợi mà vì muốn có thêm thu nhập cho cán bộ của BQL Dự án; vụ án kết thúc đã 8 năm, không còn gây thiệt hại nghiêm trọng cho xã hội…
Theo Huỳnh Ngọc Sĩ, thực chất chỉ có 600 triệu đồng là tiền PCI trả tiền thuê nhà và số tiền này có được là do cán bộ của BQL Dự án đã phải hy sinh quyền lợi của mình, chấp nhận làm việc trong điều kiện chật chội mới dư được 3 phòng làm việc cho PCI thuê.
Tiền thuê căn nhà số 3 đường Nguyễn Thị Diệu phường 6 quận 3 đã được BQL Dự án thanh toán đầy đủ cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM, vì vậy không thể tính là tiền của ngân sách Nhà nước bị thất thoát, thiệt hại. Riêng 600 triệu đồng còn lại là tiền PCI “bồi dưỡng” cho sự nhiệt tình cung cấp các thông tin về Dự án Đại lộ Đông – Tây TPHCM, tuy là nguồn thu không chính đáng nhưng cũng không thể tính là số tiền thiệt hại của ngân sách Nhà nước.
Lê Quả biện bạch thêm cho việc đem nhà cho thuê: “PCI là đơn vị của Nhật Bản, có trình độ cao. Nếu họ thuê nhà của BQL Dự án để làm văn phòng thì càng tốt. Cùng chung trụ sở thì cán bộ của BQL Dự án dễ học hỏi kinh nghiệm của PCI, được “đào tạo” miễn phí thay vì phải đi học ở nước ngoài”.
Trước sự bao biện này, chủ tọa phiên tòa phân tích: “ Việc dùng tài sản của Nhà nước để kinh doanh kiếm lời, không nộp tiền thu lợi cho Nhà nước là sai phạm. Ngoài ra, BQL Dự án là đơn vị giám sát việc thực hiện công trình, nếu nhận tiền “bồi dưỡng” 600 triệu đồng từ nhà thầu thì liệu sự giám sát có còn khách quan, sáng suốt khi đã bị đồng tiền chi phối? Hơn nữa, nếu cảm thấy mình không đủ năng lực để giám sát đơn vị của nước ngoài thì phải báo cáo với Nhà nước, không thể lấy đó làm lý do cho việc cho thuê nhà bất hợp pháp”.
Cuối phiên xử buổi sáng, đại diện VKSND Tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa đã phát biểu quan điểm luận tội. Theo công tố viên, quy kết của tòa án cấp sơ thẩm và nội dung kháng nghị của Viện trưởng VKSND TPHCM là nhẹ, bởi hành vi của Huỳnh Ngọc Sĩ và Lê Quả có dấu hiệu phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Nhưng do không có kháng nghị về tội danh nên cấp phúc thẩm không có cơ sở để xem xét.
Bản án sơ thẩm tuyên phạt Huỳnh Ngọc Sĩ và Lê Quả theo khoản 1 Điều 281 về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là thiếu căn cứ, vì khoản tiền thiệt hại cho Nhà nước 1,2 tỷ đồng thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, nằm trong khoản 3 với mức khung hình phạt từ 10 – 15 năm tù. Tuy hiên, xét thấy có các tình tiết giảm nhẹ, cần giảm một phần hình phạt cho 2 người này nên công tố viên đề nghị hội đồng xét xử bác kháng cáo của các bị cáo, chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND TPHCM, tuyên phạt Huỳnh Ngọc Sĩ và Lê Quả từ 5 – 7 năm tù giam.
Theo SGGP