Chưa tổ chức thanh tra, kiểm tra đã trả lời cử tri
Báo cáo về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, QH khóa XIII do Trưởng ban Ban Dân nguyện của UBTVQH Nguyễn Thanh Hải trình bày tại phiên họp chiều qua, 5/10, cho thấy trong thời gian qua, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã nhận được tổng số 856 kiến nghị của cử tri. Toàn bộ 856/856 kiến nghị này đều đã được các cơ quan trả lời bằng văn bản tới cử tri, đạt 100%.
Tuy nhiên, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ vẫn còn hiện tượng quá chú trọng tới việc trả lời cử tri mà chưa chú trọng, quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, vẫn còn 142 kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm.
Đặc biệt, Báo cáo cho biết trong các cơ quan trên vẫn còn hiện tượng né tránh những kiến nghị của cử tri cần phải tiếp thu để xử lý, giải quyết; có những loại ý kiến để ban hành, bổ sung, sửa đổi thay thế chính sách pháp luật có liên quan thì lại được phân loại giải quyết ở dạng nội dung thông tin giải trình cho cử tri. Có những kiến nghị thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ cần phải tổ chức thanh tra, kiểm tra để đi đến kết luận, xử lý trách nhiệm, từ đó mới có căn cứ để trả lời cử tri nhưng trên thực tế một số bộ, ngành chưa tổ chức thanh tra, kiểm tra để kết luận đã ban hành văn bản trả lời cử tri.
Theo Ban Dân nguyện, nhiều kiến nghị của cử tri yêu cầu các cơ quan nhà nước phải giải quyết các vấn đề dân sinh, bức xúc, nhưng nội dung trả lời các kiến nghị này lại chưa thật sự rõ ràng, thiếu lộ trình cụ thể hoặc chỉ viện dẫn văn bản quy phạm pháp luật đã cũ, không còn phù hợp nên không giải quyết được vấn đề, chưa đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng của cử tri. Điển hình của tình trạng này, theo bà Hải, là một số văn bản trả lời của các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ…
Hỏi một đường, trả lời một nẻo
Cũng theo Trưởng ban Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, có những văn bản không trả lời thẳng vào nội dung kiến nghị của cử tri mà lại trả lời chung chung, trả lời không đúng kiến nghị cần giải quyết, không đưa ra lộ trình và biện pháp giải quyết khiến cử tri tiếp tục có kiến nghị, như: nội dung trả lời của Bộ Công Thương về quản lý thị trường, phòng chống hàng nhái, hàng giả, gian lận thương mại; trả lời của Bộ Y tế về nội dung quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xử lý vi phạm về phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng; trả lời của Bộ Tài nguyên và Môi trường về xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm gây ô nhiễm môi trường, khai thác khoáng sản, khai thác cát, đá, sỏi…
Báo cáo cho rằng, việc ban hành văn bản trả lời kiến nghị cử tri là trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành. “Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng ở một số bộ, ngành, bộ trưởng, trưởng ngành không trực tiếp trả lời kiến nghị cử tri mà lại giao cho cấp phó trả lời. Như vậy là chưa thể hiện hết trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành đối với cử tri và nhân dân cả nước” – bà Hải nhấn mạnh.
Cho rằng giải quyết kiến nghị của cử tri là một trong những nhiệm vụ của các bộ trưởng và trưởng ngành nhưng vẫn còn một số trường hợp “hỏi một đường nhưng trả lời kiến nghị một nẻo”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga đề nghị QH và Chính phủ coi tiêu chí các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời có chất lượng và đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri là một trong các tiêu chí đưa vào để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ khi lấy phiếu tín nhiệm ở QH.
Về đánh giá “vẫn còn nể nang, châm chước trong xử lý một số dự án luật, trình chậm, chất lượng chưa được như mong muốn…,” bà Nga cho rằng hiện tượng này “không phải đôi khi mà là rất nhiều khi” nên để giảm thiểu tình trạng này, bà Nga đề nghị UBTVQH yêu cầu các bộ trưởng nghiêm túc, “từ nay trở đi cứ trình dự án luật ra đến giai đoạn cuối thì bộ trưởng phải đứng ra giải trình”.