Từ hôm nay, 10/6, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm theo tinh thần Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Trước đó, báo cáo kết quả công tác, cũng như đánh giá về phẩm chất lối sống của các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm đã được gửi đến các ĐBQH.
Đây là lần đầu tiên Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm nên sự kiện đặc biệt này nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận xã hội.
Từ hôm nay 10/6, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm |
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, trình bày báo cáo kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cho biết, cử tri hoan nghênh, đồng thời kiến nghị các ĐBQH nêu cao ý thức trách nhiệm để việc lấy phiếu được tiến hành thực chất, không hình thức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của nhà nước thực sự có năng lực, đạo đức tốt, liêm khiết, gương mẫu, có tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Đồng thời kiến nghị Quốc hội cần tăng cường công tác giám sát; yêu cầu bộ trưởng, trưởng ngành và người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường trách nhiệm trong quản lý ngành, lĩnh vực; tăng cường giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ tại các phiên chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Mặc dù Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định Quốc hội "bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn". Tuy nhiên, trên thực tế, việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn chưa được thực hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Nhưng từ 1/2/2013, khi Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có hiệu lực thì công việc này sẽ được tiến hành đồng bộ theo một quy trình chặt chẽ.
Theo Nghị quyết 35 được Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm ngoái, việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành đối với các chức danh lãnh đạo cao cấp, đó là Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.
HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, uỷ viên thường trực HĐND, Trưởng các Ban của HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên của Uỷ ban nhân dân.
Nghị quyết cũng quy định cụ thể ngay phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND. Quốc hội, HĐND sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ; riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016 thì việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiến hành tại kỳ họp đầu năm 2013.
Đến thời điểm hiện nay, báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm đã được gửi đến ĐBQH và các bước chuẩn bị tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đã được hoàn tất theo đúng quy trình của Nghị quyết. Trao đổi với báo giới bên hành lang kỳ họp suốt tuần qua, nhiều ĐBQH khẳng định không có một sự "vận động hành lang" hay lop- by nào từ những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Bản thân ĐBQH cũng không coi báo cáo đánh giá của cá nhân người được lấy phiếu tín nhiệm là kênh thông tin duy nhất để quyết định lá phiếu cho họ. Tuy nhiên, cũng có ĐBQH cho rằng vì đây là lần đầu tiên Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm nên ĐB còn thiếu thông tin về người được lấy phiếu tín nhiệm.
Việc báo cáo kết quả công tác của những người này cũng được thực hiện khác nhau, người chi tiết, người khái quát ... và không có sự xác nhận hay phê chuẩn của cơ quan chức năng nên việc ĐB tự "thẩm định" tính chân thực của báo cáo cũng rất khó.
Tuy nhiên, với trách nhiệm cao trước cử tri cả nước, ĐBQH sẽ cố gắng cao nhất để làm tròn "sứ mệnh" của mình.
Theo Nghị quyết 35 thì Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.
Cũng theo Nghị quyết, người có quá nửa tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người có trên hai phần ba tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc 02 năm liên tiếp có quá nửa tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định.
Thu Hằng