Trong khi nhiều người nghĩ ra đủ “chiêu” lách luật để sinh thêm đứa con thứ ba, thì gia đình anh Hiếu (Quảng Bình) phải đành lòng đẻ đứa thứ ba. Để rồi bị phạt trong nỗi ấm ức khôn nguôi...
Hình minh họa |
Bị mắng sai vì làm sai
Bản thân anh Hiếu cũng không nghĩ rằng, từ khi sinh đứa con thứ hai, gia đình anh chị phải “chuyển khẩu” lên sinh sống thường xuyên ở Viện Nhi trung ương. Buồn lắm, nhưng biết làm sao, vì con anh bị ung thư máu, nên cuộc sống của nó bắt buộc phải gắn liền với giường bệnh, dây truyền và khung trời con con ngoài ô cửa sổ phòng bệnh.
Tiên liệu của bác sĩ cho thấy, một cuộc sống khỏe mạnh với đứa trẻ là điều không thể, nếu không muốn nói đến tình huống xấu nhất. Và cũng từ sau buổi nói chuyện với bác sĩ, anh Hiếu nảy ra ý định sinh thêm đứa nữa.
Nhờ khoa học can thiệp để có 3 con – có được phép? Trước sự quy định của pháp luật về số lượng con trong một gia đình, hiện nay có nhiều người “tính toán” cho rằng, họ vẫn có thể đẻ ba đứa con mà không bị luật sờ gáy. Đó là khi cặp vợ chồng đã có một con đẻ và trong lần sinh thứ hai sẽ nhờ y học can thiệp để có thể sinh đôi. Thế nhưng, theo quan điểm của pháp luật kiểu “tính toán” này là không được phép. Theo bà Tô Thị Kim Hoa, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Sở Y tế TP.HCM, thì mỗi công dân đều có trách nhiệm chấp hành chính sách, pháp luật về dân số-kế hoạch hóa gia đình; quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt. Theo khoản 3 Điều 2 Nghị định 20/2010 về những trường hợp không vi phạm chính sách sinh một hoặc hai con thì có trường hợp cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.Như vậy, theo tự nhiên sinh đôi trong lần sinh thứ hai thì không vi phạm. Nhưng nếu nhờ y học can thiệp để sinh nhiều con theo ý muốn trong trường hợp đã có một con thì đó là hành vi cố ý làm trái pháp luật hiện hành. |
Tuy nhiên, chuyện quyết định đẻ đứa thứ ba với anh Hiếu cũng là "chẳng đặng đừng", vì bản thân Hiếu anh là con độc nhất, nên anh rất hiểu và sợ cái cảnh côi cút một mình của con sau này. Kinh tế gia đình anh cũng không khá giả gì, hai vợ chồng đều lớn tuổi, lại là cán bộ nhà nước, nên chắc chắn sẽ phải đối mặt với hình thức kỷ luật.
Bàn với vợ, được chị đồng ý, hai vợ chồng quyết định sinh con trong năm 2012 vừa qua. Đứa trẻ ra đời được 4 tháng thì cũng là lúc cả hai vợ chồng bị cả chính quyền nơi cư trú lẫn cơ quan khiển trách vì phạm luật sinh con thứ ba.
Thấy việc này bỗng dưng trở thành to chuyện, ảnh hưởng nhiều vấn đề khác, anh Hiếu tìm đến trung tâm trợ giúp pháp lý và biết rằng việc anh bị khiển trách là sai, nhưng cái sai ấy lại do… chính anh gây ra.
Không phải do luật chặt
Để đảm bảo sự cân bằng và ổn định dân số, đã từ lâu chính sách của Nhà nước nhất quán về quan điểm, mỗi cặp vợ chồng chỉ có một đến hai con. Cụ thể hơn, Nghị định 20/2010/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số đã cho thấy, có 7 trường hợp không phạm luật nếu sinh con thứ ba.
Đó là: cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân; cặp vợ chồng sinh con lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên; cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên; cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi; cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp trung ương xác nhận; cặp vợ chồng sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ) hoặc sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ); Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.
Theo tư vấn của cán bộ pháp luật tại Trung tâm TGPL thì câu chuyện của gia đình anh Hiếu rơi vào tình huống “cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp trung ương xác nhận”, vì căn bệnh ung thư máu của đứa con thứ hai là bệnh hiểm nghèo, nhưng không có yếu tố di truyền.
Tuy nhiên, cái sai ở đây là do anh Hiếu không nắm được quy định của luật nên đã không xin xác nhận của hội đồng giám định y khoa, trước khi quyết định sinh đứa thứ ba, chứ không phải do luật quá chặt với chuyện sinh đẻ như nhiều người vẫn nghĩ.
Cũng chính từ sự thiếu sót của anh Hiếu mà đã dẫn đến sự hiểu lầm của chính quyền sở tại và cơ quan nơi hai vợ chồng công tác, nên họ mới bị khiển trách vì sinh con thứ ba.
Hà An