Tới năm 2015, Hà Nội sẽ có 35 trường công chất lượng cao với mức học phí cao là những thông tin gây nhiều tranh luận gần đây. Tuy nhiên, đại diện Sở GD&ĐT khẳng định, cái đích cuối cùng là sự bứt phá chất lượng giáo dục trong sự cạnh tranh lành mạnh, cùng phát triển…
Bỏ ngỏ… sân nhà
Những năm gần đây, trên địa bàn Tp. Hà Nội xuất hiện một số trường ngoài công lập tự khoác cho mình cái tên “quốc tế” hay “chất lượng cao”, “VIP” nhằm thu hút sự lựa chọn của các bậc phụ huynh học sinh khá giả….
Dạo quanh một vòng thành phố, đặc biệt là ở các khu đô thị mới mọc lên vô số trường “chất lượng cao” (CLC) thực tế là các trường tư hoặc các trường liên kết có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, cùng với những lời giới thiệu hoành tráng nhưng không phải cơ sở giáo dục “tự phong” nào cũng được như mong muốn.
Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam - một trong những cái nôi đào tạo nhân tài. |
Trong khi đó, hiện nay một số trường mới chỉ dừng ở dạng cung ứng dịch vụ “chất lượng cao” trong điều kiện hiện có. Điều này đang dẫn đến sự ngộ nhận hay tự nhận đó là mô hình trường CLC dù những cơ sở này chưa được cơ quan nào công nhận. Cá biệt, có những cơ sở hoạt động vì lợi nhuận thay vì giáo dục thực chất, gây nghi ngờ cho người dân về dịch vụ CLC của ngành Giáo dục.
Chưa kể tới, hàng năm có hàng trăm học sinh tại Hà Nội chi phí hàng triệu USD để du học nước ngoài do dịch vụ giáo dục trong nước chưa đáp ứng yêu cầu của người học. Một con số không nhỏ các bậc phụ huynh cho con đi du học nước ngoài ở bậc học THPT, thậm chí từ bậc THCS.
Nắm bắt nhu cầu đó một số nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư xây dựng trường theo mô hình các nước tiên tiến để thu hút học sinh nước ngoài đang sinh sống tại Hà Nội và một bộ phận học sinh Việt Nam.
Nhìn chung các trường này đều có cơ sở vật chất hiện đại, chương trình giảng dạy tiên tiến, đội ngũ giáo viên nước ngoài có phẩm chất tốt. Bởi vậy họ đã dễ dàng đã thu hút học sinh Việt Nam, dù học phí tại những trường này cao khoảng từ 200 tới 300 triệu VNĐ cho một năm học. Và phụ huynh gặp không ít lo ngại khi con em họ sẽ bị mất gốc Việt hoặc nửa Tây, nửa Ta.
Thực tế, ở nhiều nước, những trường học có danh tiếng, có uy tín đối với phụ huynh hầu hết là trường tư thục. Thế nhưng, các trường không tự phong từ đầu là “trường CLC”. Chất lượng giáo dục của các trường này được xây dựng lên dần trong nhiều năm (có khi vài ba chục năm) và được phụ huynh biết đến, tín nhiệm. Như vậy, muốn trở thành trường danh tiếng, ngoài nỗ lực của nhà trường còn được sự công nhận của phụ huynh.
Được biết, từ 8 năm lại đây, Hà Nội đã thực hiện thí điểm 18 trường công lập chất lượng cao (CLC) như: Mầm non 20/10, Tiểu học Tràng An, THCS Cầu Giấy, THPT Phan Huy Chú, Tiểu học và THPT Nguyễn Siêu… Tất cả các trường này đều đã khẳng định được thương hiệu của mình.
Và trong số 18 trường đã có 13 trường CLC toàn phần và 5 trường CLC từng phần. Tuy nhiên, sau nhiều năm qua, do không có chính sách tài chính cụ thể đi kèm nên hoạt động rất khó khăn, kìm hãm sự phát triển của mô hình này.
Ông Nguyễn Trọng Vĩnh - Chủ tịch HĐQT trường Tiểu học và THPT Nguyễn Siêu, một trong những trường thí điểm đầu tiên cho rằng, nhiều người vẫn nhầm lẫn mô hình trường chất lượng cao phải là những trường quốc tế hoặc có yếu tố nước ngoài.
Thực chất, để khẳng định chất lượng giáo dục và gây dựng “thương hiệu”, nhiều trường tư thục của Hà Nội không gắn mác chất lượng cao hay trường quốc tế vẫn có thể cung cấp dịch vụ chất lượng cao, có thể học văn hóa bằng tiếng Anh nhưng vẫn là chương trình của người Việt.
Bứt phá và phi lợi nhuận
Một thực tế rất dễ nhận ra đó là, nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô rất đa dạng. Người dân không chỉ được thụ hưởng các chế độ, chính sách ưu tiên về giáo dục cho con em họ, mà còn có mong muốn con em mình được học tập, rèn luyện trong một môi trường giáo dục tiên tiến, hiện đại, được thụ hưởng các điều kiện về CSVC và giáo dục chất lượng cao giống như những cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài nhưng có chi phí thấp hơn.
Tuy nhiên, để được học tập trong môi trường và điều kiện như vậy cần phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ theo cách “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Mới đây, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Tiêu chí về trường CLC và Nghị quyết quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập CLC. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định đây là sáng tạo của thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân...
Trong năm học 2013-2014, mức trần học phí đối với trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Hà Nội được quy định là 2.900.000 đồng, trường THCS và PTTH là 3.000.000 đồng. Tiếp đó, năm học 2014-2015, mức trần học phí đối với trường mầm non, tiểu học được quy định là 3.200.000 đồng, trường THCS và PTTH là 3.400.000 đồng.
Đây là nội dung của Nghị quyết quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội được HĐND TP Hà Nội thông qua mới đây.
Nghị quyết cũng quy định rõ, ngân sách Nhà nước hỗ trợ bảo đảm hoạt động thường xuyên với cơ sở giáo dục công lập CLC trong các trường hợp cơ chế tài chính đối với một số cơ sở giáo dục công lập đang thực hiện thí điểm mô hình CLC và cơ chế hỗ trợ tài chính đối với cơ sở giáo dục công lập được chuyển sang công nhận là cơ sở giáo dục công lập CLC.
Tuy nhiên, trước những quyết định đột phá này của Hà Nội, dư luận đang lo ngại rằng, việc chọn trường công lập để chuyển sang trường CLC sẽ đẩy một bộ phận học sinh, trong đó có cả học sinh giỏi, ra khỏi trường đang học do gia đình không có khả năng đóng góp.
Bộ tiêu chí (theo QĐ số 20) bao gồm 5 tiêu chí sau: CSVC, đội ngũ CBQL-GV, chương trình, phương pháp giảng dạy, dịch vụ trong giáo dục; xây dựng quy định về việc bổ sung chương trình giảng dạy nâng cao của các trường (theo QĐ số 21), trong đó nói rõ về việc xây dựng và thẩm định chương trình giáo dục bổ sung. Nhân dân tham gia đóng góp kinh phí để chi các hoạt động thường xuyên; tham gia quản lý nhà trường như trong điều 16 mục 2 nêu: “PHHS và các tổ chức đoàn thể cơ sở giám sát và đánh giá các nội dung công khai theo Khoản 3 điều 15”; cử đại diện cha mẹ học sinh tham gia hội động trường để xây dựng các chiến lược phát triển, quản lý vận hành nhà trường. |
Điều này làm mất đi sự công bằng trong giáo dục công. Đồng thời, không ít ý kiến cũng cho rằng “Hà Nội xây dựng một số trường công dành cho con em các gia đình giàu có” là do thông tin chưa được truyền thông thấu đáo.
Thực tế từ lâu Hà Nội đã có 4 trường THPT chuyên, đó là các trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (2.700 HS); THPT chuyên Nguyễn Huệ (1584 HS); trường THPT chất lượng cao Chu Văn An (1742 HS, trong đó có 937 HS chuyên và 805 HS hệ không chuyên); THPT chuyên Sơn Tây (1756 HS, trong đó có 954 HS chuyên và 802 HS hệ không chuyên).
Bốn trường chuyên này được Nhà nước cấp ngân sách và đầu tư xây dựng CSVC khang trang, hiện đại, được đánh giá là những trường đứng hàng đầu của Hà Nội về chất lượng giáo dục. Cơ chế tuyển sinh vào các trường chuyên được thực hiện công khai, dân chủ, bình đẳng và được thông qua các kỳ thi tuyển sinh. Mức học phí là 35.000 đồng/tháng/HS.
Bên cạnh đó là hệ thống các trường chuẩn quốc gia. Như vậy, hiện nay Hà Nội có một hệ thống các trường THPT CLC hàng đầu không phân biệt giàu nghèo nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô.
Về chủ trương 35 trường CLC vào năm 2015 (cả chuyển đổi từ trường công và xây mới), ông Phạm Văn Đại, Phó GĐ Sở GD&ĐT khẳng định: Chủ trương xây dựng các trường CLC theo quy định của Luật Thủ đô là hoàn toàn đúng đắn.
Tuy nhiên, việc phát triển trường CLC ( Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất ban đầu theo tiêu chí trường CLC chuẩn quốc tế, chi phí cho các hoạt động giáo dục của trường CLC do người học đóng góp, học sinh vào học hoàn toàn tự nguyện) vẫn con là điều quá mới mẻ.
Do đó trong xã hội nhiều người chưa hiểu vì vẫn cho rằng các trường công lập thì phải giống nhau về mức học phí (trong khi yêu cầu về trường CLC đều hướng tới chuẩn quốc tế, chương trình tiên tiến nhưng do chính thầy cô Việt Nam làm).
Về giáo viên, Sở sẽ tuyển dụng đội ngũ giáo viên mới, đạt chuẩn và trên chuẩn, có tác phong nhanh nhẹn, hiệu quả và sáng tạo. Chế độ lương của giáo viên được xác định để tạo điều kiện khai thác hết khả năng cống hiến của giáo viên cho học sinh, cho nhà trường.
Hơn nữa, khi một lượng lớn con em có điều kiện học ở các trường CLC sẽ giảm tải các trường công lập, tạo điều kiện cho nhân dân có nhiều lựa chọn và nhiều chỗ học cho các em đúng tuyến được học ở những trường chuẩn quốc gia.
Ngân sách Nhà nước sẽ tập trung vào các trường công lập nhiều hơn ở những năm sau. Bởi lẽ, sau ba năm đầu, nhà nước sẽ không cấp kinh phí thường xuyên cho trường CLC, nguồn kinh phí đó sẽ dồn về các trường công và sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy chất lượng giáo dục đồng bộ phát triển- ông Đại chia sẻ.
Bên cạnh đó, Sở sẽ chỉ đạo các trường đang thí điểm mô hình trường CLC thực hiện thật tốt 3 công khai trong xã hội để tất cả cha mẹ học sinh đều hiểu đầy đủ về mô hình trường, tạo niềm tin về sự công bằng trong hưởng thụ giáo dục. Do đó, cùng với sự giám sát của nhà nước và phụ huynh, các cơ sở sẽ bị tuýt còi nếu không thực hiện đúng cam kết.
Tới đây, từ năm học 2013-2014, tất cả các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, các trường ngoài công lập, các trường công lập được gọi là trường CLC khi có đầy đủ 5 yếu tố. Các trường công lập đang thí điểm xây dựng các mô hình này chỉ được thu học phí trong khuôn khổ của Nghị quyết số 15/2013/-HĐND và không được thu thêm bất cứ khoản thu nào khác.
Có thể nói, là một trong những thành phố dẫn đầu trong cả nước về kinh tế, xã hội, đã đến lúc, Hà Nội không thể bỏ ngỏ sân nhà và “chảy máu” ngoại tệ. Chính vì thế, câu chuyện bứt phá về chất lượng giáo dục là điều không thể chậm hơn được nữa…
Hà My