Trước khi bước vào phiên thảo luận, Uỷ ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự án. UBKT cho biết, qua thảo luận, nhiều ý kiến băn khoăn về việc nguồn vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cũng như việc bố trí vốn để thực hiện thu hồi đất một lần cho toàn bộ Dự án (5.000 ha) theo Nghị quyết 94 của Quốc hội.
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự kiến kinh phí để hoàn thành công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần khoảng 23.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho Dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 mới chỉ bố trí được 5.000 tỷ đồng, tương ứng 21,7% yêu cầu.
UBKT thấy rằng, như đã báo cáo Quốc hội trước đây, việc thu hồi đất một lần cho toàn bộ Dự án là để thực hiện đồng bộ, hạn chế việc tăng chi phí thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những lần thu hồi sau, tránh tình trạng lấn chiếm đất Dự án, khiếu kiện liên quan đền bù đất đai; phần diện tích chưa sử dụng của Dự án thì giao Chính phủ có kế hoạch quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả, tránh tình trạng để đất hoang hóa.
Qua khảo sát và tiếp xúc trực tiếp với người dân vùng Dự án của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIII, ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cũng như ý kiến của đại diện lãnh đạo Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam cho thấy, người dân cũng mong muốn thu hồi một lần để yên tâm đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống tại nơi ở mới vì hiện nay việc sử dụng đất của người dân bị hạn chế, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng kéo dài trên 12 năm bởi quy hoạch của Dự án.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách còn rất khó khăn, công tác giải phóng mặt bằng rất quan trọng, phải thực hiện trước và cần nguồn kinh phí rất lớn, UBKT đề nghị Chính phủ cần tiếp tục làm rõ hơn các phương án huy động nguồn lực để thực hiện, trong đó, lưu ý tính khả thi của các nguồn thu từ việc đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng các công trình thương mại và dịch vụ, khấu trừ tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư, phương án khai thác, tạo nguồn thu từ quỹ đất chưa sử dụng của Dự án; rà soát các nguồn lực cho đầu tư công, kể cả từ nguồn dự phòng đầu tư trung hạn 2016-2020.
Phiên họp QH chiều 8/6 |
“Hiến kế” cho Chính phủ, ĐB Phạm Minh Chính (Quảng Ninh) nói: Chính phủ phải trình QH xin cơ chế đặc biệt cho việc giải phóng mặt bằng. Theo ông, biện pháp để có nguồn ngân sách cho việt này là tiết kiệm chi thường xuyên. “Hiện biên chế của chúng ta không giảm mà tăng. Chi thường cuyên cũng tăng.” – ông nhận định.
Dẫn những con số thực tế, ông cho biết những con số chi thường xuyên đang tăng rất lớn. Cà chỉ cần tiết kiệm là chúng ta sẽ có. Ông khẳng định: Muốn làm được, là giảm đầu mối, giảm biên chế: “Tôi nghĩ chỉ cần 2 năm là ta đủ nguồn vốn này”.
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) đồng tình với quan điểm tách dự án. Nhưng ông không đồng ý với việc sử dụng ngân sách dự phòng. Bởi theo ông ngân sách dự phòng chỉ dùng vào việc cấp bách. Việc thực hiện dự án này không phải cấp bách.
ĐB tỉnh Cà Mau lo lắng nếu phương án vốn ta không giải quyết được, thì không biết Chính phủ giải quyết như thế nào? Và ông đồng tình với ý kiến của ĐB Phạm Minh Chính.
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) lại có một ý kiến khác. Ông cho rằng nếu ta tư duy như hiện tại thì chúng ta đang tự mình bó buộc mình, mà bỏ đi nguồn lực to lớn - đó là khu đô thị phụ cận đi cùng với sân bay này. Tình hình thế giới đã cho thấy phát triển sân bay sẽ phát triển trung tâm thương mại, những đô thị rất phát triển. Sân bay Long Thành bố trí gần với những trọng điểm kinh tế Đông Nam Bộ - chắc chắn sẽ là trung tâm đô thị lớn. Đặc biệt, tỷ lệ đô thị ở Việt Nam đang còn thấp. Nên chắc chắn đô thị vệ tinh sẽ còn phát triển.
“Nếu không nhận thức sớm thì đô thị sẽ phát triển tự phát nên ngay từ bây giờ, cần có kế hoạch quy hoạch khu đô thị này luôn, để không chỉ có khu độ thị hiện đại, đồng bộ, mà còn khai thác được tiềm năng ở khu đô thị này.”ĐB nói.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (Tp HCM) |
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (Tp HCM) thể hiện sự không hài lòng khi Chính phủ triển khai dự án quá chậm. “Tôi thấy Chính phủ chậm. Nếu Chính phủ chủ động, tích cực hơn thì việc sẽ tốt hơn” – bà nói. Điều ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm lo lắng nhất cũng là chuyện nguồn vốn. Tuy không đưa ra giải pháp về nguồn vốn, nhưng ĐB đề nghị Chính phủ cần có phương án giải trình rõ về vấn đề này.
Bà cho rằng, việc giải phóng mặt bằng trước là rất cần thiết, một là để ổn định cuộc sống cho người dân, hai là có “đất sạch” để thực hiện dự án. Xong thực tế, vấn đề quan trọng nhất là nguồn lực.
“Tôi rất băn khoăn, ý chí là một lẽ, nguồn lực là chuyện khác. Điều kiện kinh tế xã hội những năm tới còn nhiều thay đổi. Chính phủ phải có phương án tương đối rõ về nguồn kinh phí để ổn định cuộc sống cho người dân’ – bà đề nghị.
Dẫn thực tế từ dự án ĐHQG tp Hồ Chí Minh, bà cho biết, dự án được sự đồng tình cao của người dân. Nhiều hộ dân muốn nhận tiền đền bù mà không được. Địa phương đề nghị Chính phủ nhiều lần, nhưng không có nguồn lực. “Dự án đó chỉ còn hơn ngàn tỷ mà không xong, ở đây là mấy chục ngàn tỷ, Chính phủ cần giải trình rõ trước khi các ĐB bấm nút” ĐB nói.
Cũng rất trăn trở về câu chuyện nguồn vốn, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) phản bác lại đề nghị của một số ĐB phát biểu trước đó, cũng như giải trình của Chính phủ.
Ông nói: "Một số ĐB nói khai thác quỹ đất sân bay, giải trình cũng nói về việc xây dựng đô thị sân bay. Tôi sợ nói như vậy, bà con sẽ nghĩ mình mâu thuẫn. Báo cáo trước kia nói là không thể xây dựng sân bay ở nơi đô thị. Vậy mà bây giờ lại nói quy hoạch khu đô thị ở sân bay? Như thế là mâu thuẫn."
Còn việc lấy ở nguồn ngân sách dự phòng, theo ĐB cũng là không được. Giống ý kiến của ĐB Lê Thanh Vân, ông cho rằng dự án này "Nó không cấp bách, không đột xuất."
"Trước đó, nói là cảng hàng không Tân Sơn Nhất quá tải. Giờ thì nói cải tạo được, như vậy là tính cấp thiết là chưa phải." - ĐB chứng minh.
Và điều ĐB lo ngại nhất là khi xây dựng phương án, có nói đến nguồn vốn từ các doanh nghiệp. ĐB lo ngại: Nếu doanh nghiệp rút, thì chỉ có ngân sách, nợ công sẽ đến đâu?