Với 467/479 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, tương đương 93,59% tổng số đại biểu Quốc hội, cuối giờ sáng nay, 13/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Công tác xây dựng pháp luật, triển khai thi hành Hiến pháp, luật chuyển biến tích cực
Nghị quyết nêu rõ, công tác xây dựng pháp luật, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, toàn diện hơn; công tác tổ chức thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng.
Tuy nhiên, việc triển khai thi hành luật, pháp lệnh vẫn là khâu yếu, có lúc chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao, còn chậm ban hành một số văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TANDTC, VKSNDTC, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, gắn với việc tổ chức thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật; thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Không để bị tác động, chi phối bởi các hành vi không lành mạnh hoặc lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của tổ chức, cá nhân vào các văn bản quy phạm pháp luật.
Xử lý dứt điểm tình trạng chậm, nợ văn bản quy định chi tiết, nhất là văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực từ năm 2019 và 2020, phấn đấu không để xảy ra chậm, nợ văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành trong năm 2022.
Đẩy nhanh hơn nữa việc giải quyết các vụ án tham nhũng nghiêm trọng
Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, công tác xét xử, thi hành án tiếp tục được đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả tích cực; chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên rõ rệt, một số chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về ma túy diễn biến rất phức tạp; một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng; vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19 vẫn diễn ra ở nhiều nơi; việc lợi dụng mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội gây mất an ninh trật tự, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, tín dụng đen,… diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi; công tác quản lý nhà nước về đấu thầu, chỉ định thầu, định giá, cổ phần hóa, thoái vốn trong doanh nghiệp nhà nước, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều bất cập; tình trạng vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC phát huy kết quả đạt được, có giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại; tiếp tục triển khai có hiệu quả nhằm đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 96/2019/QH14 về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án; đẩy nhanh hơn nữa việc giải quyết các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.
Nghiên cứu xây dựng cơ chế tiếp công dân trực tuyến
Quốc hội đề nghị, các cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và Nhân dân; nghiêm túc thực hiện chế độ tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu; nghiên cứu xây dựng cơ chế thực hiện tiếp công dân trực tuyến phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
Cùng với đó, tập trung giải quyết và có lộ trình giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, tồn đọng, kéo dài; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, nhất là các vụ việc mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; tổ chức thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90%.
Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, các Bộ, ngành trung ương tập trung giải quyết các tồn tại, thực hiện các kiến nghị đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận trong quá trình giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và giám sát việc thực hiện công tác tiếp công dân, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; báo cáo kết quả tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2022).
Cải thiện khả năng tiếp cận, nâng cao tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ
Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp chính quyền địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã theo các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm việc thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng, đúng thời hạn.
Khẩn trương đánh giá hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 một cách tổng thể, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ các nhóm đối tượng bảo đảm hiệu quả, phù hợp với thực tiễn cũng như các biện pháp tổ chức thực hiện nhằm cải thiện khả năng tiếp cận, nâng cao tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ.
Tiếp tục rà soát, tổng kết các quy định có liên quan đến công tác phòng, chống dịch, công tác khám bệnh, chữa bệnh để xác định đầy đủ lộ trình, kế hoạch sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết, các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, phù hợp với thực tiễn, hiệu lực, hiệu quả; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng, chống dịch; đẩy mạnh việc xã hội hóa, kết hợp công - tư trong công tác phòng, chống dịch và có cơ chế huy động hiệu quả các tổ chức y tế tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ y tế trong phòng, chống dịch.
Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống y tế; nâng cao năng lực dự báo, giám sát, phát hiện bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả dịch COVID-19 và các bệnh dịch mới nổi; củng cố, hoàn thiện và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; thực hiện khen thưởng kịp thời tổ chức, cá nhân có thành tích và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch COVID-19.
Tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, bám sát mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” gắn với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết cũng quyết nghị: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam được sử dụng lợi nhuận sau thuế, sau trích các quỹ để xử lý số tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn và thực hiện dự toán, quyết toán theo quy định; giao Chính phủ tổ chức thực hiện nội dung này đồng bộ với các cam kết khác theo đúng Thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ; Chính phủ báo cáo Quốc hội số tiền xử lý bù giá nêu trên khi lập và thực hiện dự toán, quyết toán hằng năm; số liệu xử lý bù giá phải được Kiểm toán nhà nước kiểm toán.