Tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để Hải Phòng cơ bản trở thành thành phố công nghiệp văn minh, hiện đại trước năm 2020 như mục tiêu phát triển trong 5 năm tới được xác định trong dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội 14 Đảng bộ thành phố.
Nông dân làng hoa Minh Kha, xã Đồng Thái (An Dương) chăm sóc quất, đào Tết. Ảnh: Trường Giang |
Góp phần tích cực thực hiện mục tiêu chung, Đại hội Đảng bộ huyện An Dương lần thứ 16 xác định, trong giai đoạn 2010-2015 tập trung khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương ven đô, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm xây dựng huyện phát triển nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa với cơ cấu kinh tế công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ, nông nghiệp…Trong đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tiếp tục được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Phấn đấu đến năm 2015, công nghiệp chiếm 43%, dịch vụ-thương mại chiếm 38%, nông nghiệp giảm còn 19%.
Để bảo đảm phát triển ổn định, lâu dài, huyện chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp, quy hoạch sử dụng đất phục vụ xây dựng các khu, cụm công nghiệp; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát huy quyền tự chủ, mở rộng liên doanh, liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, khắc phục khó khăn về vốn và những ảnh hưởng sau cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái nền kinh tế toàn cầu, từng bước ổn định sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập cho người lao động và thực hiện nghĩa vụ đóng thuế theo quy định. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp trên địa bàn để phục vụ xây dựng các dự án phát triển công nghiệp, nhất là giải phóng mặt bằng KCN An Dương, Hải Phòng-Sài Gòn…Xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển các làng nghề, cơ sở sản xuất, thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, sản xuất các sản phẩm hàng tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng mạnh tới xuất khẩu. Duy trì và phát triển mối quan hệ mật thiết giữa các làng nghề, doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài (khu công nghiệp lớn trên địa bàn) để hợp đồng sản xuất một phần hoặc nhiều công đoạn từ sản xuất đến dịch vụ, tiêu thụ. Thực hiện phân công lại lao động nông nghiệp, coi trọng đầu tư cho công tác đào tạo nghề, nhất là những ngành nghề mà các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu sử dụng lao động lớn, tay nghề cao. Từng bước ứng dụng có hiệu quả công nghệ mới, ứng dụng các giải pháp kinh tế tiên tiến trong các ngành công nghiệp.
Phát triển chăn nuôi gia trại, trang trại ở xã Hồng Phong, huyện An Dương. |
Đối với ngành thương mại-dịch vụ, khuyến khích khu vực tư nhân thành lập các tổ chức kinh doanh thương mại dịch vụ, nhất là các hoạt động thương mại-dịch vụ phục vụ các khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh hoạt động thương mại-dịch vụ ở các cụm dân cư, thôn, xóm. Quan tâm bảo đảm quyền tự do kinh doanh theo pháp luật, bảo hộ quyền sở hữu tài sản hợp pháp cho các chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Có cơ chế hỗ trợ nâng cao năng lực đào tạo nghề, trang bị kiến thức pháp luật cho các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ sản xuất và kinh doanh. Đổi mới phương pháp giải quyết các thủ tục hành chính như cấp đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng, giao đất, cho thuê đất…tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại-dịch vụ phát triển. Tổ chức, sắp xếp kiện toàn hệ thống ban quản lý các chợ trong huyện. Phối hợp với các sở, các tổ chức chuyên ngành mở các lớp tập huấn về khởi sự doanh nghiệp và tăng cường khả năng kinh doanh, đồng thời đào tạo đội ngũ kỹ thuật chuyên sâu, người lao động lành nghề. Hướng dẫn kỹ thuật và bồi dưỡng kiến thức cho người lao động khi chuyển đổi phương thức sản xuất.
Trong sản xuất nông nghiệp, trước yêu cầu giảm dần tỷ trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế, đồng thời vẫn phát huy tốt thế mạnh của huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh phát triển theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, công tác khuyến nông, khuyến ngư. Khuyến khích phát triển mạnh kinh tế trang trại, gia trại. Phát triển đô thị nông thôn gắn với phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, tạo động lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động.
Để bảo đảm việc thực hiện chủ trương về chuyển dịch cơ cấu kinh tế đạt kết quả, huyện chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, gắn với bảo vệ môi trường. Tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng về chính trị, trình độ chuyên môn cao, quan tâm đào tạo cán bộ cơ sở, cán bộ trẻ, cán bộ nữ; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động, thực hiện chuyển dịch một bộ phận lao động trong nông nghiệp sang làm ngành nghề công nghiệp, kinh doanh dịch vụ, nhất là địa bàn dân cư đã giao đất nông nghiệp cho các mục đích khác của thành phố. Trong 5 năm tới, huyện phấn đấu đạt tỷ lệ lao động được đào tạo và phổ cập nghề 70%, trong đó thực hiện đào tạo nghề 5000 lao động nông thôn theo đề án 1956 của Chính phủ; tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề 90% trở lên.
Với quyết tâm xây dựng huyện phát triển nhanh, toàn diện, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế cửa ngõ của thành phố, đóng góp xứng đáng cùng thành phố trên con đường phát triển và hội nhập, phấn đấu trở thành vùng kinh tế động lực của các tỉnh phía Bắc, Ban Thường vụ Huyện ủy An Dương mong Thành ủy, HĐND, UBND thành phố có cơ chế, chính sách quan tâm, hỗ trợ kịp thời để huyện tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển; đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố tăng cường phối hợp, giúp đỡ địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là công tác đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội, cải cách thủ tục hành chính và công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực…
Nguyễn Văn Hoàn
Phó bí thư Huyện ủy,
Chủ tịch UBND huyện An Dương