Đồng loạt tổ chức nhiều chương trình kích cầu
Trong tháng 9, dịch COVID-19 bước đầu được kiểm soát ở một số địa phương, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ được phép hoạt động trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 tăng 6,5% so với tháng trước nhưng lại giảm 28,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân giảm mạnh được Bộ Công Thương lý giải là do tác động của dịch COVID-19 phức tạp và kéo dài tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhất là các địa phương lớn và có tổng mức tiêu thụ hàng hóa cao như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa…
Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Công Thương, hiện các địa phương đang dần tiến hành mở cửa, dự báo nhu cầu mua sắm cuối năm sẽ tăng cao. Điều này thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa, tạo ra động lực tăng trưởng cho các tháng cuối năm. Cùng với đó là việc triển khai các chương trình bình ổn, kích cầu như chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia” (được tổ chức từ ngày 1/12/2021).
Mới đây, hàng loạt các hệ thống bán lẻ cũng đã công bố các chương trình khuyến mại kích cầu ngay sau khi các địa phương dần mở cửa. Cụ thể, Tập đoàn Central Retail (đơn vị vận hành Big C, Go và Tops Maket) đã bắt đầu đổi tên hệ thống Big C tại Hà Nội thành Tops Maket. Trước mắt, Central Retail đã hoàn tất chuyển đổi 2 Big C tại Hà Đông và Nguyễn Xiển, các hệ thống Big C còn lại ở Hà Nội sẽ được chuyển đổi trong thời gian sớm nhất.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, việc đổi tên này vừa nhằm đón đầu xu hướng mua sắm mới và phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19, vừa tiếp tục thực hiện quá trình tái cơ cấu hệ thống siêu thị đã được thực hiện từ tháng 3/2021. Điều này sẽ mang lại cho người tiêu dùng những trải nghiệm mua sắm mới mẻ, hiện đại; qua đó đóng góp vào sự phát triển chung của ngành bán lẻ Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.
Saigon Co.op cũng đã công bố chương trình kích cầu khuyến mãi ngay trong tháng 10/2021 đối với ngành hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa phẩm, may mặc thời trang và nhóm đồ dùng nhà bếp.
Đặc biệt, trong đợt này, nhóm thực phẩm tươi sống có tỉ lệ giảm giá lên đến 50%, cao nhất trong những tháng qua, nhất là đối với các mặt hàng thường xuyên tăng giá trên thị trường. Riêng nhóm hàng thực phẩm đóng gói, bánh, kẹo, nước giải khát, tăng lực… ngoài thực hiện giảm giá từ 30 - 50%, còn có chương trình “Mua hàng tặng kèm quà” hấp dẫn.
Đại diện Bộ Công Thương khẳng định những chương trình kích cầu tiêu dùng sẽ được thực hiện thường xuyên trong 3 tháng cuối năm. Đặc biệt, vào tháng cuối cùng của năm 2021, chương trình khuyến mại lớn nhất năm sẽ được đồng thời tổ chức trên toàn quốc và tỷ lệ giảm giá có thể lên đến 100%. Đây là động lực thúc đẩy mạnh mẽ việc tăng trưởng tổng mức hàng hóa bán lẻ, để có thể kết thúc năm 2021 ở mức tăng khoảng 3-4% so với năm 2020 (chỉ tiêu của ngành tăng 8%).
Nhiều giải pháp thúc đẩy tiêu dùng
Để có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương đặt ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển thị trường trong nước.
Theo đó, từng bước mở lại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, các cơ sở, hộ kinh doanh trên cơ sở đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch nhằm tạo môi trường cho kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất. Song song với đó là triển khai các chương trình bình ổn, kích cầu.
Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt vùng có dịch, ổn định cung cầu - giá cả; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa thông suốt trên địa bàn cả nước.
Ngoài ra sẽ tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường, kế hoạch cao điểm trong những tháng cuối năm… tạo môi trường thuận lợi cho hàng Việt Nam phát triển. Bên cạnh đó vẫn sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương; Chủ động phối hợp, hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương đối với hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường số (nếu có giãn cách xã hội).
Hỗ trợ và đôn đốc các Hiệp hội, ngành hàng, các DN nhằm tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, ngành hàng, tìm kiếm mở rộng thị trường trong nước, để nhanh chóng đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn đã vào vụ hoặc sắp thu hoạch ở các địa phương.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"