Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra 53 quốc gia và vùng lãnh thổ ở hầu hết châu lục với 558 dự án đầu tư. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), tính đến hết ngày 31-10-2010, tổng vốn đầu tư đăng ký của 300/558 dự án thực hiện chế độ báo cáo là 7,562 tỷ USD trong đó số vốn thực hiện đạt trên 1,79 tỷ USD.
Vươn ra đầu tư trên thị trường thế giới, doanh nghiệp cũng nhờ thế khẳng định được vị thế của mình, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí, đồng thời học hỏi thêm công nghệ, kinh nghiệm. Tuy nhiên, hầu hết vốn đầu tư ra nước ngoài tập trung vào các thị trường quen thuộc như Lào, Campuchia, Nga và bắt đầu mở ra một số thị trường mới như châu Âu, Mỹ, Ôxtrâylia, châu Phi và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác.
Doanh nghiệp Việt Nam trồng cao su tại Lào. |
Được dự báo sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là việc đẩy nhanh thực hiện dự án đầu tư có quy mô lớn sẽ dẫn tới sự dịch chuyển lượng vốn tương đối lớn của Việt Nam ra nước ngoài trong thời gian tới. Tuy nhiên, “điều này ảnh hưởng nhất định đến nguồn vốn đầu tư trong nước cũng như tạo thêm gánh nặng cho cán cân thanh toán của Việt Nam, nhất là trong điều kiện cán cân thanh toán của Việt Nam đang có nguy cơ thâm hụt lớn” - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra nhận định. Vấn đề này cần được đánh giá để có giải pháp phù hợp. Đáng lưu ý, tỷ suất lợi nhuận và khả năng thu hồi vốn ĐTRNN không cao. Mặc dù tốc độ chuyển vốn ra nước ngoài năm sau cao hơn năm trước, song tỷ suất lợi nhuận (so sánh lợi nhuận chuyển về nước với vốn chuyển ra ngoài nước) đạt tỷ lệ thấp. Trong giai đoạn 1989 - 2010, tỷ lệ này chỉ đạt 0,46%. Hiện tượng này cho thấy, về ngắn hạn đang tạo nên sự mất cân đối giữa dòng tiền đầu tư ra và dòng tiền chuyển về nước của các dự án đầu tư ra nước ngoài. “Về lâu dài, hiệu quả vốn đầu tư có thể khả quan hơn sau khi các dự án đi vào hoạt động” - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Nhìn vào các dự án ĐTRNN có thể thấy, hầu hết dự án quy mô lớn mang tính dài hạn, tập trung vào các lĩnh vực có thời gian thu hồi vốn dài, hiệu quả đầu tư chưa được lượng hóa rõ như khai khoáng, dầu khí, trồng cao su, điện. Các dự án này chiếm tới 71% vốn đầu tư đã chuyển ra nước ngoài.
Qua phân tích số liệu ĐTRNN của 5 tập đoàn Nhà nước có lượng vốn đầu tư lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông quân đội và Tổng công ty Sông Đà cho thấy, số vốn chuyển ra nước ngoài của các doanh nghiệp này đến nay ước khoảng 1,24 tỷ USD, chiếm 69% tổng số vốn đã chuyển ra nước ngoài của các thành phần kinh tế, nhưng hầu hết chưa có lợi nhuận.
Số vốn đã chuyển ra nước ngoài của các tập đoàn được thực hiện chủ yếu bằng nguồn vốn chủ sở hữu, nhưng đến nay chưa có cơ chế giám sát riêng về khâu đầu tư xây dựng cơ bản và chi phí quản lý doanh nghiệp của dự án đầu tư tại nước ngoài. Trong khi việc chấp hành chế độ báo cáo của doanh nghiệp chưa được thực hiện nghiêm túc nên còn khó khăn trong đánh giá hiệu quả vốn đầu tư của doanh nghiệp tại nước ngoài. Phần lớn chủ đầu tư không kịp thời báo cáo về tình hình sử dụng lợi nhuận sau thuế hoặc không chuyển lợi nhuận về nước theo đúng quy định. Hiện có 300/558 dự án ĐTRNN thực hiện báo cáo tình hình thực hiện và hoạt động tại nước ngoài. MPI cũng cho biết đã xuất hiện trường hợp dự án được cấp phép đã chuyển vốn ĐTRNN, song sau đó dự án không hoạt động nhưng lại không có báo cáo lại về việc xử lý nguồn vốn. Đây là vấn đề cần được giải quyết, bởi vì nếu không có cơ chế giám sát và chế tài xử lý khả thi sẽ dẫn tới không kiểm soát được ngoại tệ chảy ra nước ngoài qua kênh đầu tư.
Lĩnh vực khai khoáng, trong đó đặc biệt là lĩnh vực khảo sát, thăm dò, khai thác dầu khí có vốn đầu tư lớn nhất với 87 dự án, tổng vốn đầu tư 4,05 tỷ USD, chiếm 15% số dự án và 48% tổng vốn ĐTRNN; lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản, trong đó đặc biệt là trồng cây công nghiệp có 58 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,16 tỷ USD, chiếm 10% số dự án và 13% tổng vốn ĐTRNN; lĩnh vực nghệ thuật, giải trí chiếm 12,9% tổng vốn đầu tư của dự án; tiếp đến là các lĩnh vực khác như sản xuất, phân phối điện; công nghiệp chế biến, chế tạo; thông tin và truyền thông; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm cũng chiếm tỷ lệ vốn đầu tư lớn trong tổng vốn ĐTRNN. |
Nguyễn Huyền