Đầu tư nâng cấp sân bay: Cần "liệu cơm gắp mắm"?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, đối với công tác đầu tư cải tạo, mở rộng, xây mới các sân bay, vấn đề không phải là đầu tư bao nhiêu tiền, mà là đầu tư sao cho hiệu quả, cởi bỏ được đúng và trúng các nút thắt cố hữu để mang lại lợi ích tối đa cho tất cả các thành phần kinh tế.

Có thể nói, giai đoạn 2022 - 2023 là thời điểm tương đối bận rộn đối với công tác đầu tư, mở rộng các sân bay trên cả nước. Theo kế hoạch ban đầu, chỉ tính riêng trong năm 2022, đã có ít nhất 5 sân bay được đầu tư xây mới, nâng cấp và mở rộng.

Mới đây nhất, Cục Hàng không đã đệ trình lên Bộ GTVT phương án đóng cửa sân bay Côn Đảo từ tháng 4-12/2023 và sân bay Điện Biên từ tháng 2-8/2023 để phục vụ công tác nâng cấp, mở rộng.

Trong đó, tổng mức đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Côn Đảo ước tính là gần 4.000 tỷ đồng. Một phần sử dụng vốn ngân sách (kéo dài đường băng, mở rộng sân đỗ, hệ thống đèn), một phần sử dụng vốn doanh nghiệp (nhà ga hành khách, công trình quản lý bay). Dự án có thể khởi công đầu năm 2023 và hoàn thành trong 8 tháng thi công.

Sân bay Côn Đảo dự kiến đóng cửa từ tháng 4/2022 để đầu tư xây mới, nâng cấp

Sân bay Côn Đảo dự kiến đóng cửa từ tháng 4/2022 để đầu tư xây mới, nâng cấp

Tránh lãng phí nguồn lực

Trước thông tin này, một số ý kiến chuyên môn nhận định phương án phân bổ chi phí cải tạo, nâng cấp các sân bay từ ngân sách nhà nước tiếp tục cần được xem xét thấu đáo, để đảm bảo sử dụng hiệu quả đầu tư công, cũng như duy trì hoạt động thông suốt cho các cửa ngõ hàng không trên cả nước. Yêu cầu này càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh nhiều dự án nâng cấp hạ tầng sân bay diễn ra đồng thời, cùng lúc cả ngành hàng không và du lịch đang tìm hướng đẩy nhanh phục hồi hậu Covid.

Theo đánh giá của một chuyên gia ngành hàng không, 4.000 tỷ đồng là mức đầu tư công không hề nhỏ, đặc biệt khi rót vào một sân bay ngách như Côn Đảo.

"Việc phân bổ ngân sách cho các dự án nâng cấp, cải tạo hạ tầng hàng không rất cần 'liệu cơm gắp mắm'. Thay vì đầu tư dàn trải, nên phát triển hệ thống cảng hàng không theo hướng đầu tư có trọng điểm, tập trung vào các sân bay đủ tốt, có khả năng tạo hiệu ứng dẫn dắt, có thể cân đối được thu chi để vận hành", vị này nêu quan điểm.

Đối với các sân bay ngách, trước khi đầu tư quy mô và toàn diện, cần tiến hành thống kê, nghiên cứu về lưu lượng khách thực tế và lưu lượng tiềm năng, từ đó tính toán khả năng hoạt động lời hay lỗ sau khi đi vào khai thác.

"Thực tế cho thấy, có không ít, nếu không muốn nói là đa phần các sân bay nhỏ ở nước ta đang hoạt động không có lãi. Khi đó, dù là sử dụng nguồn vốn nhà nước hay tư nhân, thì đều là lãng phí nguồn lực", ông nói.

Trước đây, tình trạng bí bách vốn giải ngân cho các dự án cải tạo sân bay không phải là trường hợp hiếm thấy. Điển hình vào giai đoạn năm 2020, việc tìm nguồn hợp lý cho 4.000 tỷ đồng để cải tạo hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã khiến nhiều cơ quan quản lý lúng túng, mặc dù đường cất hạ cánh và đường lăn đã xuống cấp trầm trọng do hoạt động quá công suất.

Ông nêu quan điểm cho rằng ở thời điểm hiện tại, một trong những dự án nên được chú trọng nguồn lực bậc nhất là Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây là dự án nằm trong top 16 sân bay được mong chờ nhất thế giới, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Long Thành được xây dựng theo chuẩn hàng không dân dụng quốc tế, hướng đến trở thành trung tâm trung chuyển hàng không của quốc tế và khu vực. Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn I là khoảng 5 tỷ USD, cũng là mức đầu tư lớn nhất vào một dự án hạ tầng từ trước đến nay tại Việt Nam.

Tuy nhiên đến nay, nhiều hạng mục được thi công khá chậm, công tác giải phóng mặt bằng chưa được thực hiện hoàn tất. Thủ tướng Chính phủ đã có chuyến thị sát và làm việc với các đơn vị thực hiện dự án, phê bình việc chậm tiến độ của dự án, đồng thời chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải cùng đơn vị liên quan phối hợp thực hiện đẩy mạnh nhiều công tác triển khai.

Chú trọng tính bền vững

Đối với sân bay Côn Đảo, theo quy hoạch, sân bay sẽ được mở rộng trong giai đoạn trước năm 2030, thêm 6 vị trí đỗ mới, nâng tổng số vị trí đỗ lên 8, nâng công suất khách lên 2 triệu lượt/năm, gấp 5 lần hiện nay.

"Không thể phủ nhận hiệu quả dài hạn và sự cần thiết của việc nâng cấp sân bay Côn Đảo, tuy nhiên cần phải tính đến tính bền vững để hoạch định lộ trình cho phù hợp", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Cụ thể, dự kiến thời gian hoàn thành dự án nâng cấp là trong khoảng 8 tháng, đến cuối năm 2023. Câu hỏi đặt ra là sau khi dự án hoàn thành, cơ sở hạ tầng lưu trú, môi trường du lịch sinh thái tại Côn Đảo… có đủ khả năng tiếp nhận một lượng khách tăng cấp đột biến theo số nhân như vậy hay không?

Việc nâng cấp sân bay Côn Đảo cần tính đến tính bền vững

Việc nâng cấp sân bay Côn Đảo cần tính đến tính bền vững

Nếu không có sự chuẩn bị đón đầu, thì việc du lịch tăng trưởng lệch nhịp so với giao thông, có khả năng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cả về môi trường, xã hội và an ninh an toàn. Việc một điểm nghẽn được giải quyết nhưng lại làm nảy sinh các nút thắt khác, sẽ làm giảm tác động tích cực nói chung lên cả nền kinh tế địa phương. Thậm chí, nó có thể xóa sổ các giá trị gia tăng được kiến tạo từ một dự án hạ tầng vốn nhận nhiều kỳ vọng.

Do đó, thay vì chọn phương án đầu tư "tất tay" cho sân bay Côn Đảo trong vòng 8 tháng, ông cho rằng nên vạch ra lộ trình với các giai đoạn phù hợp. Ở giai đoạn I, có thể xem xét giải quyết các vấn đề hạ tầng nóng bỏng nhất tại sân bay Côn Đảo, trong bối cảnh Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam chưa có điều kiện sẵn sàng để lập kế hoạch đầu tư lớn tại sân bay Côn Đảo trong những năm sắp tới.

Ví dụ, thứ nhất, có thể xem xét đầu tư vào nâng cấp mặt đường cất, hạ cánh để tăng sức chịu tải, lắp đặt hệ thống đèn hàng không cho phép bay đêm. Thứ hai là đầu tư xây dựng bổ sung thêm một đường lăn nối để tăng cường hiệu quả và linh hoạt trong hoạt động khai thác. Thứ ba là gia tăng số chỗ đỗ trước mắt lên 5 hoặc 6 chỗ, trong đó có 1 chỗ đậu máy bay trực thăng. Thứ tư, nên đầu tư xây dựng cơ sở cung cấp xăng dầu hàng không để tăng tải trọng thương mại tàu bay, giúp máy bay không phải “cõng” thêm nhiên liệu để bay đến và quay về như hiện tại. Với mức độ nâng cấp thận trọng này, lưu lượng chuyến bay sẽ tăng, nhưng vẫn phù hợp với công suất của nhà ga.

"Riêng hệ thống đèn đêm và hạng mục kho chứa xăng dầu, sau khi được cải thiện, sẽ gia tăng đáng kể hiệu quả khai thác của các dòng máy bay hiện tại đang hoạt động tại đây như ATR72 và Embraer 190, đáp ứng được yêu cầu gia tăng công suất vận chuyển đặt ra, mà chưa cần huy động tới các tàu bay có tải thương mại lớn hơn như A320/21.” chuyên gia chỉ ra.

Thay vì đóng cửa 8 tháng, lộ trình mới này có thể chỉ yêu cầu 3 -4 tháng thi công. Có thể linh động chọn thời điểm đóng cửa vào giai đoạn mùa khô, lượng khách du lịch giảm để hạn chế thiệt hại cho ngành du lịch – lữ hành của địa phương, cũng như hoạt động của các hãng hàng không tại đây.

Với phương án đầu tư theo giai đoạn kể trên, các cơ quan quản lý vừa có thêm phương án để phân phối nguồn vốn cho các dự án cần được ưu tiên, Côn Đảo vừa có thêm thời gian để thích nghi, làm quen với lưu lượng khách lưu trú tăng.

"Tôi cho rằng vấn đề ở đây không phải là đầu tư bao nhiêu tiền, mà là đầu tư sao cho hiệu quả, cởi bỏ được đúng và trúng các nút thắt cố hữu để mang lại lợi ích tối đa cho tất cả các thành phần kinh tế", ông kết luận./.

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh Hội nghị

Lai Châu đề xuất xây dựng cảng hàng không

(PLVN) -   Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6, 6 tháng năm 2022 và triển khai các Nghị quyết của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng đã đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải sớm đề xuất đầu tư cảng hàng không Lai Châu trình Thủ tướng Chính phủ.

Đọc thêm

Hà Giang: Khởi sắc trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội

Hà Giang: Khởi sắc trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội
(PLVN) - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát, triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, hiệu quả của UBND tỉnh Hà Giang. Kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc trên các lĩnh vực.

Lạng Giang (Bắc Giang): Điểm sáng trong “bức tranh” kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang

Hệ thống cơ sở hạ tầng huyện Lạng Giang được đầu tư đồng bộ
(PLVN) -  Bằng sự quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo cùng với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, 6 tháng đầu năm 2022, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) đã đoàn kết, đồng lòng thực hiện tốt “mục tiêu kép”; vừa triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho bà con nhân dân.

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ra mắt Phòng họp không giấy E-cabinet

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ra mắt Phòng họp không giấy E-cabinet
(PLVN) - Chuyển đổi số là một xu thế và yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay, tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, mở ra nhiều cơ hội, tạo điều kiện để các địa phương nắm bắt, bứt phá vươn lên.

Hoàn thành mô hình 3D Vườn Quốc gia Cúc Phương

Hoàn thành mô hình 3D Vườn Quốc gia Cúc Phương
(PLVN) - Ngày 5/7, tại Ninh Bình, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp cùng Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương tổ chức Hội thảo Báo cáo kết quả tham vấn "Xây dựng mô hình 3D có sự tham gia của cộng đồng tại VQG Cúc Phương".

Khảo sát, thống nhất phương án hướng tuyến giao thông kết nối huyện Ba Bể sang huyện Na Hang

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác tỉnh Bắc Kạn tại tỉnh Tuyên Quang
(PLVN) -  Ngày 3/7, đoàn công tác của tỉnh Tuyên Quang do ông Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Bắc Kạn để thống nhất phương án hướng tuyến giao thông kết nối huyện Na Hang (Tuyên Quang) sang huyện Ba Bể (Bắc Kạn).

Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu khen thưởng cho cá nhân đạt thành tích trong Hội thao PCCC

Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu khen thưởng cho cá nhân đạt thành tích trong Hội thao PCCC
(PLVN) -  Chiều ngày 4/7, Công an tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ công bố Quyết định khen thưởng đột xuất cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong Hội thi thể thao nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ toàn quốc lần thứ II, vòng loại năm 2022 tổ chức tại thành phố Cần Thơ. Đại tá Lê Thanh Hùng - Phó Giám đốc Công an tỉnh dự và chủ trì lễ trao thưởng.