Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 31 dài 39,1 km có tổng mức đầu tư 863,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Trong đó, chi phí xây dựng 613,2 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án 3, Tổng cục Đường bộ Việt Nam được giao thực hiện công tác quản lý dự án.
Công trình do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, có chiều dài 39,1 km. Dự án có điểm đầu tại nút giao với quốc lộ 1, TP. Bắc Giang; điểm cuối tại nút giao với đường tỉnh 290, huyện Lục Ngạn, được đầu tư theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe cơ giới, tốc độ thiết kế 80 km/h. Đoạn qua khu đông dân cư và đô thị, tốc độ thiết kế 60 km/h. Nền đường rộng 12 m, mặt đường rộng 7 m, gia cố lề mỗi bên 2 m.
Công trình được đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Đồng thời, từng bước hoàn thiện tuyến đường theo quy hoạch, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang và khu vực.
Để bảo đảm tiến độ chung của dự án, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Ban Quản lý dự án 3 thực hiện và tổ chức thực hiện các công việc quản lý dự án và một số công việc thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư theo phân cấp ủy quyền. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Bắc Giang và chính quyền địa phương nơi có tuyến đường đi qua thông tin về dự án đến người dân nhằm tuyên truyền, giải thích, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương của Nhà nước. Chủ động phối hợp với chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng xây dựng phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư theo đúng chính sách, pháp luật hiện hành…
Quốc lộ 31 có ý nghĩa quan trọng giúp tiêu thụ nông, lâm sản của huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động. Tuy nhiên, nhiều năm nay, quốc lộ 31 chưa được đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa lớn. Mà hằng năm chỉ được duy tu, sửa chữa định kỳ, nhỏ lẻ. Với mật độ giao thông dày đặc, mặt đường hẹp chỉ rộng 6m. Tuyến đường này hàng ngày “oằn mình” cõng hàng nghìn lượt phương tiện. Nhiều đoạn bị phá hủy trầm trọng, bong tróc lớp nhựa bề mặt, tạo thành những điểm trồi sụt, rãnh sâu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Đặc biệt, vào mùa thu hoạch vải thiều, tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông do lưu lượng xe tải lớn hoạt động với tần suất cao.