Nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt đã sử dụng để bảo vệ chủ quyền
Báo cáo QH, Phó Thủ tướng CP Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Từ đầu tháng 5/2014 Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan và triển khai lực lượng hộ tống bảo vệ, có cả máy bay, tàu chiến xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trước diễn biến phức tạp trên Biển Đông, quán triệt tinh thần Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) và sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên, liên tục và kịp thời của Bộ Chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung sức chỉ đạo thực hiện quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế để đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu hộ tống bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam. Chúng ta đã tiến hành giao thiệp bằng nhiều hình thức với Trung Quốc, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.
Các lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển và ngư dân ta đã dũng cảm kiên cường bám biển, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Các cơ quan thông tin truyền thông trong nước và nhiều hãng truyền thông quốc tế lớn đã thông tin kịp thời, trung thực về những hành động phi pháp, vô nhân đạo của Trung Quốc.
Nhiều chính phủ, tổ chức, diễn đàn, cá nhân, học giả nước ngoài đã lên tiếng ủng hộ chính nghĩa và những biện pháp đấu tranh của Việt Nam; bày tỏ sự quan ngại sâu sắc và phê phán mạnh mẽ các hành vi sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Chính phủ, nhân dân Việt Nam chân thành cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Cần củng cố nội lực của nền kinh tế, cải tạo môi trường đầu tư
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Bá Thuyền về sự phụ thuộc của kinh tế Việt Nam vào kinh tế Trung Quốc, những biện pháp để xây dựng một nền kinh tế không phụ thuộc, Phó Thủ tướng khẳng định: “Chúng ta không phụ thuộc vào kinh tế của nước nào. Tôi có đầy đủ số liệu để chứng minh. Tuy nhiên, trong trong thế giới phẳng, thế giới hội nhập thì không thể có sự độc lập hoàn toàn.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: "Bối cảnh hiện nay đòi hỏi chúng ta càng phải quyết liệt đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế đi liền với xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, mở rộng và tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hóa thị trường, nguồn vốn đầu tư và đối tác, tránh phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác; tạo nền tảng cho phát triển ổn định, bền vững"
Theo Phó thủ tướng, bối cảnh hiện nay cũng đặt chúng ta phải thế phải đẩy mạnh tái cơ cấu lại nền kinh tế để củng cố nội lực. Sức mạnh nội tại của kinh tế rất quan trọng. Đồng thời có những chiến lược để thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn. Sắp tới đây, chúng ta sẽ ký nhiều hiệp định thương mại hợp tác đa phương, song phương với nhiều thị trường lớn của thế giới. CP chủ trương đa dạng hóa thị trường. Nhưng xin khẳng định một lần nữa là chúng ta không phụ thuộc vào thị trường nào ”.
Trả lời chất vấn ĐB về việc người dân ở một số địa phương đã biểu tình phản đối hành động sai trái của Trung Quốc, ảnh hưởng tới một số nhà đầu tư, Chính phủ đã có chính sách xử lý như thế nào. Phó Thủ tướng cho biết căn cứ vào 4 nguyên nhân đã được xác định rõ, Chình phủ đã có các giải pháp kịp thời. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương kiên quyết ngăn chặn, nhanh chóng ổn định tình hình, xử lý nghiêm những người có hành vi vi phạm và bảo đảm vững chắc an ninh trật tự. Đồng thời thực hiện nhiều giải pháp thiết thực để giúp đỡ, hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp bị thiệt hại.
Phó Thủ tướng cho biết, cho đến thời điểm hiện hại, tất cả các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính phủ cũng đã yêu cầu các Bộ, ngành, các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, kiên quyết không để tình trạng này tái diễn, bảo đảm an ninh an toàn cho các cơ quan, doanh nghiệp, người nước ngoài tại Việt Nam và bảo đảm tốt môi trường đầu tư kinh doanh.
Sẽ nghiên cứu, thay đổi để thuận thiện nhất cho người dân
Thay mặt cử tri là ngư dân, ĐB Nguyễn Thái Học bày tỏ sự cảm kích đối với quyết định đầu tư 16.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân của Chính phủ, và đặt câu hỏi khi nào ngư dân sẽ nhận được nguồn vốn này, Phó thủ tướng cho biết: Vấn đề này Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. Dự kiến đến đầu tháng 7 này sẽ có Nghị Định hướng dẫn, để nguồn vốn nhanh chóng đến với ngư dân. Chính phủ đảm bảo sẽ thực hiện cải cách hành chính, giảm thủ tục một cách tối đa để người dân nhận được hỗ trợ một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất.
ĐB Lê Đình Khanh đưa ra một kiến nghị đối với Chính phủ về việc thay đổi chính sách cho vay ưu đãi đối với sinh viên. ĐB Huỳnh Nghĩa đề nghị bên cạnh việc Cổ phần hóa DNNN, cần có có kế hoạch sử dụng nguồn vốn thun lại được từ việc cố phần hóa đó. Theo ĐB, cần đưa ra QH để bàn xem nguồn vốn thu được đó sẽ được sử dụng như thế nào? Đế đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn hay ngư dân, hay để trả nợ công...
Tất cả những kiến nghị này của ĐB QH đều đã được Phó thủ tướng lắng nghe, cho rằng đây là những kiến nghị rất tâm huyết, hứa sẽ tiếp thu và báo cáo với Chính phủ./.