Sáng mồng 4 Tết, trời trở lạnh, suốt tuyến đường Yết Kiêu dẫn đến Cảng Tiên Sa, cờ hoa rực rỡ. Gió mùa từ phía eo biển vịnh Đà Nẵng thổi ngược về mạn nam bán đảo Sơn Trà làm cả tuyến đường dài hơn 4km sạch trơn đến lạ.
Tàu container Horai Bridge đang giao nhận hàng tại Cảng Tiên Sa sáng 17-2-2010 (mồng 4 Tết). |
Được thông tin từ Phòng Điều độ Cảng Tiên Sa, chưa đến 7 giờ sáng, tôi đã đến cầu cảng số 3 - cầu cảng lớn nhất của Xí nghiệp Cảng Tiên Sa, với ý định kịp ghi vài hình ảnh đầu năm khi tàu container mang tên Horai Bridge (quốc tịch Panama) trọng tải đến 17.000 teu (tương đương trên 20.000 tấn) sẽ cập bến giao nhận hàng sáng nay. Nhưng thật bất ngờ, tàu Horai Bridge đã áp mạn cầu từ 6 giờ sáng, lúc tôi đến thì 40/230 container loại 20 feet đã được bốc dỡ, bởi thời gian chỉ cho phép con tàu này đến 14 giờ chiều phải kết thúc việc giao nhận hàng để nhường cầu cảng cho tàu container thứ ba mang tên Hansa - Centaur (quốc tịch Amtigua - một đảo quốc ở Nam Mỹ) vào giao nhận hàng.
Giữa không gian khu vực cầu-bãi container rộng cả ngàn mét vuông nổi lên những âm thanh phức hợp: tiếng ro ro liên hồi phát ra từ hai giàn cẩu Gantry cao hơn 25m mang số No.1 và No.2 thương hiệu Danang Port đang nhịp nhàng thao tác, tiếng máy rì rầm của 6 xe sơ-mi-rơ-mooc hạng nặng thoăn thoắt ra vào, lui tới dưới giàn cẩu Gantry để đón nhận những thùng container mang nhiều nhãn hiệu khác nhau: Vanhai, Maersk, K.Line và những thùng container mang tên nhiều hãng quốc tế mới như Safmarines, Nedlloyd... Những container mang các thương hiệu mới đã nói lên hướng giao lưu của Cảng Đà Nẵng ngày càng mở rộng. Các xe cẩu tự hành K.Kamar, cẩu khung RTG có cùng công suất 36-42 tấn cần mẫn bốc xếp các thùng hàng từ xe này xuống bãi, rồi lại từ bãi đưa các thùng hàng xuất ra xe kia, lên tàu...
Chẳng ai nói với ai lời nào, trừ những thông tin qua lại bằng máy bộ đàm, những cụm từ chuyên môn bằng tiếng Anh trao đổi giữa nhân viên điều hành trên bờ với các sĩ quan, thủy thủ của tàu để phối hợp công việc. Giờ đây, không những năng suất, hiệu quả tăng cao, thời gian bốc xếp giảm nhiều, mà cường độ lao động và sự an toàn cho người và thiết bị được cải thiện hơn bao giờ hết. Đó là kết quả to lớn của nhiều năm Cảng Đà Nẵng liên tục triển khai hàng loạt các biện pháp đồng bộ, từ tổ chức quản lý, điều hành, cải tiến thủ tục... tạo thuận tiện tối đa cho khách hàng, đến việc cải tiến, trang bị mới hàng chục máy móc, công cụ có tính năng hiện đại phục vụ cho việc tiếp nhận, xếp dỡ, giải phóng tàu.
Đó là yếu tố quan trọng có tính quyết định để Cảng Đà Nẵng trụ vững và vượt qua khó khăn do suy thoái kinh tế thế giới và sự ảnh hưởng của nó đến môi trường sản xuất kinh doanh trong nước, để năm 2009 thực hiện được 3.250.000 tấn hàng qua cảng, chưa kể đón tiếp an toàn gần 30.000 lượt khách du lịch bằng đường biển, đạt 111,8% kế hoạch năm 2009 và cao hơn năm 2008 đến 14,8%, vượt qua một cách ngoạn mục cột mốc 3.000.000 tấn/năm cho Cảng Đà Nẵng trước năm 2010.
Với lòng tin mạnh mẽ về sự đồng tâm hiệp lực, sức sáng tạo không ngừng của đơn vị, trong buổi gặp mặt đầu năm của khối cảng Đà Nẵng tại Xí nghiệp cảng Tiên Sa, ông Nguyễn Thu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng Đà Nẵng nhấn mạnh: “Năm 2010 chưa phải là năm mà chúng ta đã thoát khỏi những khó khăn thách thức như năm trước, cùng với sự cạnh tranh lâu dài, tất yếu của các cảng bạn trong vùng, nhưng Cảng Đà Nẵng sẽ quyết tâm phát huy thắng lợi của kế hoạch năm 2009, hoàn thành toàn diện chỉ tiêu kế hoạch 2010: 3,35-3,40 triệu tấn hàng qua cảng, tăng khối lượng phục vụ 8-10% lượng tàu và khách du lịch đường biển đến Đà Nẵng và miền Trung so với năm 2009, lập thành tích chào mừng 35 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng, cùng với ngành hàng hải cả nước dâng thành tích chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội”.
Ngô Văn Trấn