Theo BS CK2 Phan Ngọc Duy Cần – Trưởng Khoa Khám và Điều Trị Trong Ngày, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), hẹp bao quy đầu là tình trạng da quy đầu không thể tuột ra khỏi quy đầu (chít hẹp bao quy đầu), một bệnh lý thường gặp ở bé trai.
Hẹp bao quy đầu có thể là hẹp sinh lý hoặc hẹp bệnh lý. Trong đó, hẹp da quy đầu sinh lý là hẹp do dính, bao quy đầu dính với quy đầu để bảo vệ quy đầu và lỗ tiểu lúc trẻ mới sinh ra. Gần như tất cả các trẻ sơ sinh (96%) đều có hẹp bao quy đầu sinh lý. Theo thời gian, khả năng tuột ra được của quy đầu ngày càng tăng lên. Đến 16 tuổi chỉ có 1% không tuột da quy đầu ra được.
Hẹp bệnh lý là hẹp thực sự khi có sự xuất hiện của sẹo xơ, hình thành từ những đợt viêm nhiễm ở bao quy đầu bình thường trước đó. "Những trường hợp này không thể điều trị nội khoa được", BS CK2 Phan Ngọc Duy Cần cho biết.
Triệu chứng của hẹp da quy đầu: Bao quy đầu không thể tuột lên được khi tắm rửa hoặc khi tiểu bao quy đầu phồng như bong bóng. Một số trường hợp có thể gây nên tình trạng quấy khóc khi đi tiểu hay tiểu đau.
Cũng theo Trưởng Khoa Khám và Điều Trị Trong Ngày, Bệnh viện Nhi đồng 1, trẻ dưới 2 tuổi, bao quy đầu có hiện tượng hẹp sinh lý không cần nong tại bệnh viện, nhưng người nhà phải đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa tham vấn và hướng dẫn vệ sinh bao quy đầu tại nhà.
Những trường hợp hẹp quá khít khiến bé tiểu phải rặn mạnh, la khóc khi đi tiểu thì cần thiết phải nong tại bệnh viện để lỗ tiểu rộng ra hơn giúp bé đi tiểu dễ dàng hơn. Quá trình này làm tại bệnh viện, có thể có sử dụng thuốc tê tại chỗ trước khi nong để bé bớt đau.
Trường hợp trẻ lớn hơn (thường trên 3 tuổi) có da quy đầu xơ chai hoặc hẹp khít quá không thể nong thì cần cắt bao quy đầu.
"Tuy nhiên, chỉ định cắt bao quy đầu cũng cần cân nhắc và cần được bác sĩ tư vấn. Những biến chứng có thể gặp phải bao gồm: chảy máu da quy đầu, nhiễm trùng vết mổ, sẹo xấu...", BS CK2 Phan Ngọc Duy Cần khuyến cáo. "Tùy theo kết quả sau khi khám bao quy đầu của bé mà bác sĩ sẽ lựa chọn biện pháp can thiệp phù hợp".