Cần quan tâm đến chất lượng của chiếc đĩa mỗi khi mua về. Hạn chế đọc các loại đĩa chất lượng kém, lệch chuẩn giữ được đầu máy hoạt động ổn định và lâu bền Người tiêu dùng thường gặp trường hợp mua đĩa về thì không đọc được trên đầu máy ở nhà nhưng khi đem lại nơi bán thì cửa hàng vẫn đọc ngon ơ trên máy của họ. Từ đó phát sinh quan niệm đầu máy “kén đĩa”, tồn tại như một tiêu chí quan trọng về chất lượng đầu DVD. Tuy nhiên, về kỹ thuật, khái niệm đầu DVD “kén đĩa” lại rất mơ hồ do khó định lượng chính xác vì nó không chỉ phụ thuộc vào chất lượng đầu máy mà còn phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng dữ liệu được lưu trên đĩa. Một đầu máy đọc tốt các loại đĩa chuẩn, chất lượng tốt, nhiều khi lại đọc sai hay thậm chí không đọc các loại đĩa lệch chuẩn chất lượng kém, đĩa lậu hoặc đĩa lỗi hiện tràn ngập trên thị trường băng đĩa. Đa số đĩa phim, ca nhạc... lưu hành trên thị trường đều có xuất xứ từ các nhà máy dập đĩa trôi nổi. Sản phẩm chỉ cốt làm sao cho rẻ chứ không màng tuân thủ đầy đủ các bộ tiêu chuẩn về cấu tạo và chất lượng đĩa quang (CD/DVD) vốn được áp dụng rất nghiêm ngặt tại các thị trường phát triển ở Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu.
Việc có quá nhiều định dạng nén và giải mã (codec) trên nhiều định dạng đĩa khác nhau: EVD/DVD9/DVD5/DVD/SVCD/VCD/CD/MP3/MP4/DivX/... cũng gây rắc rối. Đây cũng là điểm để các nhà sản xuất đĩa trôi nổi có thể lập lờ gian dối về chất lượng với người dùng: Đĩa VCD dán nhãn DVD, đĩa MP4 thì rao là EVD/DVD9, giảm nhỏ chất lượng hình/nhạc (bitrate) để nhồi nhét nhiều nội dung lên một đĩa... Do cắt giảm tối đa chất lượng và vật liệu sản xuất để bán giá rẻ, khiến cho thị trường mặc nhiên chấp nhận sự tồn tại áp đảo của dòng đĩa lệch chuẩn này. Ngoài các kiểu giảm chất lượng nội dung trên, đĩa lệch còn bị rất nhiều kiểu lỗi vật lý khác: Mỏng, loang keo, cong vênh, lệch tâm, trầy xước, bong tróc, hư hỏng phân vùng dữ liệu... Xuất phát từ đó, các nhà chế tạo đầu DVD đành phải tìm cách đọc cho được các loại đĩa lệch này nhằm chiều lòng người tiêu dùng và để bán được máy. Các giải pháp kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp được áp dụng trên cả phần cứng và phần mềm (firmware). Những hãng nghiêm túc thì nghiên cứu, áp dụng các giải pháp tốt, được xem là bí quyết công nghệ riêng như: Bổ sung nhiều bộ codec giải mã các loại định dạng đĩa khác nhau, nâng cấp phần mềm điều khiển mắt đọc, tăng bộ đệm khi mất dữ liệu, phát triển các thuật toán sửa lỗi dữ liệu... Nhưng cũng không ít hãng chỉ áp dụng các giải pháp đối phó kiểu như: Tăng dòng mắt đọc để ép đọc đĩa trầy xước nhưng về lâu dài sẽ làm giảm tuổi thọ mắt thậm chí gây hư hỏng đầu máy; bỏ qua (không xử lý) dữ liệu lỗi làm giảm chất lượng hình/nhạc, gây giật hình, đứng đĩa thậm chí treo máy... Các chiêu tiếp thị “không kén đĩa” cũng rất đa dạng, từ việc dùng bộ đĩa lệch chuẩn đặc biệt là các đĩa lỗi nặng, dễ thấy bằng mắt: Trầy xước, méo, cong... để biễu diễn cho đọc trên máy của mình mà máy hãng khác không đọc được cho đến kiểu “Sơn Đông mãi võ”: Cắt lõm rìa đĩa thành hình ngôi sao... vẫn đọc tốt vì nguyên tắc đọc dữ liệu từ tâm đĩa ra rìa. Các loại đĩa kiểu này chỉ đọc chừng vài chục phút rồi ngưng, nếu sử dụng thường xuyên sẽ gây hư hỏng nặng cho mắt đọc trong máy. Không nên quá tin tưởng vào khả năng “không lén đĩa” của đầu DVD vốn được quảng cáo tràn lan. Ngoài việc chú ý đến chất lượng tổng thể của đầu DVD, người tiêu dùng thông minh cũng cần quan tâm đến chất lượng của chiếc đĩa mỗi khi mua về. Hạn chế cưỡng ép đọc các loại đĩa chất lượng kém, lệch chuẩn thì sẽ giữ được đầu máy hoạt động ổn định và lâu bền.
Theo Song Khánh
NLĐ
NLĐ