“Anh ham mê cờ bạc nên thường đánh đập, bắt con phải đưa tiền. Khi không đưa, anh hoạnh họe đủ điều rồi đuổi con đi. Con muốn về Việt Nam lắm rồi, nhưng tiền đâu con mua vé về, mạ ơi!”. Nước mắt chực trào, bà Nguyễn Thị Điền kể về cuộc điện thoại cuối cùng của cô con gái Huỳnh Thị Vui lấy chồng Đài Loan bị mất liên lạc bốn năm trời.
Ảnh chỉ mang tính minh họa |
Mộng đẹp rể ngoại
Thấy chúng tôi hỏi thăm nhà của bà Nguyễn Thị Điền và ông Huỳnh Hai trú tại thôn Thanh Mỹ, xã Phú Diên, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) bà con lối xóm ở đây khấp khởi mừng: “Thế có tin tức của con Vui hả chị?”, “Cái Vui gửi thư và tiền về phải không?” rồi nhiệt tình dẫn đường tới tận ngõ của gia đình. Chòm xóm biết ông bà mong ngóng con đêm ngày đến gầy rạc đi, nên cũng ngóng trông theo.
Đến đây, chúng tôi mới thực sự hiểu được hoàn cảnh của gia đình xóm chài vùng ven biển này. Bà Điền có bảy người con, Vui (SN 12/12/1987) là con thứ tư trong nhà. Học hết lớp 9 ở quê, Vui bắt đầu cuộc đời thân gái ly hương vào Bình Thuận giúp việc mong kiếm tiền phụ giúp cha mẹ nuôi các em ăn học. Ít lâu sau khi làm việc vất vả nơi xứ người, Vui được gia chủ - một phụ nữ có chồng Đài Loan “mai mối” cho Vui tìm chồng ngoại.
Theo lời kể của ông Hai, Vui vốn hiền lành, thật thà, chịu khó vào Bình Thuận là đi theo người em họ tên là Hoa. Đang yên đang lành, một ngày vào năm 2005, Vui (khi đó 18 tuổi) gọi điện thông báo bố mẹ chuyển hộ khẩu cho con vào Bình Thuận, để con lấy chồng ngoại. “Lúc ấy, nghe con nói thế nào bố mẹ chiều theo ý con đến đó, nên chúng tôi cũng không có thắc mắc gì. Vả lại, thú thực nghĩ vậy cũng mừng cho con”, ông Hai xót xa nhớ lại.
Bởi không có ý kiến gì về việc con kết hôn, ông bà đôn đáo vay tiền chạy vạy cho Vui có được cái hộ khẩu Bình Thuận để sớm hoàn thành thủ tục. Một tuần khi thủ tục hoàn tất cũng là khi đám cưới được tổ chức vào ngày 1/4/2005 tại công viên nước Đầm Sen một cách vội vã.
Giở cuốn abum ảnh cưới, mới thấy Vui là một cô gái mặn mà, xinh xắn khuôn mặt phúc hậu. Kèm theo cuốn abum là một cuốn băng và một đĩa VCD có in tên chồng là Cung Trung Tiến. Thông gia là ông Cung Tùng Hai, bà Vương Thoại Ngọc nhưng không hề có một dòng địa chỉ.
Đau đớn mỗi khi nghĩ đến con
Tại đám cưới gồm chín cô gái lấy chồng Đài Loan này, ông bà Điền đã bắt đầu ngờ ngợ về một thứ hạnh phúc không bền vững của Vui. Theo lời Vui tâm sự với mẹ ngày đó, các cô không chỉ là người có nhan sắc mà nhất thiết phải là người vùng sâu vùng xa. Bên nhà chồng lo toàn bộ chi phí đám cưới, nhưng “nội quy” là mỗi cô dâu chỉ được mời 10 người thân tham dự.
Riêng gia đình Vui có tới 20 người ngoài quê vào thì phải bỏ một triệu để đặt thêm một mâm cơm. Bẽ bàng vì ngày “song hỉ” cả đời của con chỉ có một lần, dù nhà nghèo nhưng cũng muốn có anh có em nâng chén chúc hạnh phúc trăm năm, ông bà chấp thuận để có một chỗ ngồi “khiêm tốn” nếu không muốn bị đuổi về hay đứng như “trời trồng”.
Bố mẹ nghèo chữ nên cái tên của con rể giới thiệu rồi nhưng tiếng Tàu nên cũng quên. Địa chỉ của con gái cũng không hỏi rõ. Ngày xuất ngoại theo chồng, Vui không muốn ba mẹ theo chân tiễn biệt với lý do “sợ thêm nhớ mà không đi nổi”. Và tất cả mối liên hệ của cô với gia đình từ đây chỉ bằng số điện thoại di động.
Bẩy tháng theo chồng sang Đài Loan bặt vô âm tín, một hôm Vui gọi điện về kể cho bố mẹ đôi nét cơ cực khi làm dâu xứ người. Vui bảo năm chỉ vàng nhà chồng trao cho ngày cưới sang tới bên đó là họ bắt lột ra trả lại. Năm 2006, Vui học may rồi làm cho một xưởng may mặc với đồng lương bèo bọt. Còn ông chồng làm thợ nề suốt ngày bài bạc, rượu chè bê tha. Tiền lương ít ỏi của Vui đều “cống nộp” hết cho thói hư của chồng.
Lời than thở của con còn văng vẳng bên tai, bà Điền lúc đó bấm lòng bảo ban con nhẫn nhục, có tiền không giấu được thì gửi ngân hàng, nhưng Vui bảo mình không có quốc tịch Đài Loan nên không được. Thế rồi, cứ nửa tháng một lần Vui đều đặn gọi điện về khóc lóc vì bị chồng hành hạ để lấy tiền sát phạt.
Chị cả Huỳnh Thị Bê vô vọng kể: "Thời gian 1 năm đầu nó có gọi về. Vui cười là cười thế, nhưng tôi đoán vì nó sợ cả nhà lo thôi. Nó có nói: “Ông chồng em nó khốn nạn lắm chị ơi. Em bị hành hạ rồi chị dâu, anh chồng của hắn nghiện bài bạc nên họ mượn tiền em không được là đánh tới”. Tôi chỉ sợ nó mà giết em tôi rồi thì làm sao mà tìm ra?", chị Bê nghẹn ngào nói.
Năm 2007, một lần Vui gọi về mếu máo kể: “Con muốn về Việt Nam lắm rồi, nhưng tiền đâu con mua vé về, mạ ơi!”. Một tháng, hai tháng, rồi 1 năm, 2 năm… 4 năm trôi qua Vui còn sống hay chết, gia đình không nhận được một chút tin tức nào.
Con không gọi về, ông bà chủ động gọi vào số điện thoại con thường liên lạc nhưng chỉ có tiếng tút dài mà không người bắt máy. Lâu dần, đến cả tiếng tút dài não ruột ấy cũng chẳng còn nghe thấy.
Giờ không biết đến đâu hỏi con, hai ông bà già chỉ còn biết víu vào tay áo chúng tôi lúc ra về : “Trót dại cho con đi, chỉ mong đưa được con về. Anh chị là phóng viên, đăng lên báo, lên đài giúp chúng tôi tìm con với. Tôi gõ cửa nhiều nơi nhờ giúp đỡ, nhưng họ bảo hồ sơ nhiều thế biết đâu mà tìm”, nói rồi ông Hai bật khóc trong tiết trời mùa đông lạnh se sắt lòng.
Bảo Hòa