Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện hai "bong bóng" tia gamma khổng lồ với độ rộng tổng cộng 50.000 năm ánh sáng trong dải Ngân hà của chúng ta. Sự bí ẩn của chúng đang gây đau đầu cho các nhà thiên văn học.
Tổng cộng hai "bong bóng không gian" có độ rộng 50.000 năm ánh sáng |
Báo Telegraph đưa tin, hai cấu trúc khổng lồ chưa từng nhìn thấy trước đó nằm trải dài về phía bắc và phía nam của trung tâm dải Ngân hà. Chúng sở hữu kích thước lớn đến mức một chùm ánh sáng có vận tốc hơn 1 triệu km/h cũng sẽ phải mất tới 50.000 năm để có thể di chuyển từ gờ "bong bóng" tia gamma này tới gờ "bong bóng" tia gamma còn lại. Nhà thiên văn học Doug Finkbeiner thuộc Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian tại Cambridge, bang Massachusetts (Mỹ) cùng các cộng sự đã khám phá ra các "bong bóng không gian" nhờ dùng Kính viễn vọng tia gamma Fermi của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA). Kính viễn vọng không gian Fermi, vốn bắt đầu được đưa vào sử dụng từ năm 2008, hiện là thiết bị dò tia gamma mạnh nhất. Hôm 11/11, chuyên gia Finkbeiner thừa nhận: "Chúng tôi vẫn không hoàn toàn hiểu được bản chất hay nguồn gốc của chúng (hai ’bong bóng’ khổng lồ)".
Một bản đồ vũ trụ cho thấy hai dải tia gamma nằm phía trên và dưới dải Ngân hà của chúng ta. (Ảnh: NASA) |
Theo tờ Daily Mail, hai "bong bóng không gian" nằm choán nửa bầu trời, từ chòm sao Virgo đến chòm sao Grus. Chúng được cho là hàng triệu năm tuổi và trước đây không bị phát hiện do "mất dạng" trong một màn sương mù bức xạ gamma che phủ trên bầu trời. Dự đoán khả dĩ nhất của các nhà thiên văn học là, các "bong bóng không gian" này được tạo ra từ sự phun trào của một hố đen siêu kích cỡ ở trung tâm Thiên hà của chúng ta. Nhà khoa học David Spergel thuộc Đại học Princeton, New Jersey, nhận định: "Trong các thiên hà khác, những vụ nổ hình thành sao có thể giải phỏng các luồng khí lớn. Dù nguồn năng lượng đứng sau các bong bóng khổng lồ này là gì, nó cũng mang tới những câu hỏi hóc búa trong lĩnh vực vật lý thiên văn".
Theo Thanh Bình
VNN
VNN