Đường vào khu du lịch sinh thái cộng đồng Suối Gôi, xã Xuân Đám trên đảo Cát Bà uốn lượn theo sườn núi, bao bọc, điểm xuyết màu xanh những hàng cây hai bên vừa thơ mộng, vừa hoang sơ.
Khách du lịch đến thăm xã Việt Hải (Cát Hải). Ảnh: Duy Lân |
Đặt chân đến khu nhà sàn lưng chừng đồi, một không gian tĩnh lặng hiện ra trước mắt làm cho du khách như hòa mình, gần gũi và thân thiện với môi trường. Anh Nguyễn Quang Tuyến quản lý nhà sàn cho biết, đa số tua du lịch đến Cát Bà đưa khách đi các tuyến du lịch sinh thái. Rất đông khách, trong đó chủ yếu là khách nước ngoài, tự tìm đến khu du lịch sinh thái Suối Gôi này. Ngay sau lời giới thiệu ấy, 6 thanh niên ngoại quốc đi trên 3 xe mô tô vào khu du lịch này, xuất hiện. Trên nét mặt họ hiện rõ cảm giác ngạc nhiên và thích thú. Anh Jonh Lason, đến từ thành phố Bermingham (Anh) cho biết: “Lần thứ hai đến Cát Bà nhưng tôi chưa thể đi hết khu dự trữ sinh quyển thế giới này và tiếc rằng chưa được nhìn thấy voọc. Chúng tôi sẽ quay trở lại để có thể khám phá những điều thú vị khác của thiên nhiên nơi đây. Một điều khác biệt tôi cảm nhận được ở Cát Bà là cảnh quan thiên nhiên là giá trị lớn nhất và giữ được gần như nguyên vẹn. Càng tìm hiểu, càng thấy còn những bí ẩn, kỳ thú phía trước mà một, hai ngày ở đây khó có thể khám phá hết”.
Nắm bắt được ý thích và giá trị của du lịch sinh thái Cát Bà đối với du khách, huyện Cát Hải có những điều chỉnh về cách làm du lịch. Trưởng Phòng văn hóa- du lịch huyện Cát Hải Vũ Tiến Bảy cho biết: Trong dịp lễ hội 1-4 Cát Bà năm nay, huyện đẩy mạnh khai thác 4 tuyến du lịch cộng đồng, sinh thái ở xã Hiền Hào, Việt Hải, Xuân Đám và thôn Liên Minh (xã Trân Châu). Trong đó, Việt Hải đang dần trở thành địa chỉ hấp dẫn, bởi từ khi có điện, người Việt Hải hăng say làm du lịch, có điều kiện đáp ứng dịch vụ khi du khách đến chiêm ngưỡng “thế giới thiên nhiên” thu nhỏ ở một nơi biệt lập, đảo trong đảo. Nhất là tới đây, huyện Cát Hải đưa vào khai thác điểm du lịch hang Quả Vàng và mở tuyến du lịch Cát Bà- hang Quả Vàng- Gia Luận sẽ tạo điều kiện để Việt Hải trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn bậc nhất Cát Bà. Rõ ràng, đó là điều giúp thương hiệu du lịch Cát Bà được quảng bá nhiều hơn bên cạnh giá trị của Vườn quốc gia Cát Bà nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà, nơi có khu rừng nguyên sinh với hàng trăm ha cây gỗ quý như kim giao, chò đãi..., hàng trăm nghìn loại thảo mộc và hàng trăm loài động vật quý hiếm, trong đó có loài voọc đầu trắng nổi tiếng được ghi trong sách đỏ thế giới và chỉ có ở Cát Bà. Mặt khác, một hệ thống hang động kỳ thú và lạ mắt, hình thù khác nhau như động Thiên Long, Đá Hoa, Quân Y, Trung Trang, Hang Luồn, Áng Vả...
Nhiều người cho rằng, để khám phá, tận hưởng cảnh quan của đảo Cát Bà cần khoảng 10 ngày. Chỉ quan sát cũng mất một ngày để đi một lượt len lỏi trong vịnh Lan Hạ. Dường như ai đến đảo Ngọc lần đầu cũng ngạc nhiên trước vẻ đẹp vừa kỳ thú, vừa bí ẩn của thiên nhiên quần đảo Cát Bà. Do vậy, điều mà khách du lịch, nhất là các vị khách quốc tế đến Cát Bà, không bao giờ bỏ qua là khám phá đảo theo các tuyến du lịch sinh thái. Không khó để chúng ta có thể gặp từng tốp người, hay đơn lẻ 1, 2 người đi xe đạp, xe máy, thậm chí đi bộ trên tuyến đường qua Vườn quốc gia để bắt đầu một chặng đường khám phá thiên nhiên sâu thẳm của núi rừng Cát Bà.
Thể hiện trách nhiệm của mình với cảnh quan thiên nhiên, môi trường để giữ được sự điển hình và cái thần của thiên nhiên Cát Bà là điều cần thiết khi khai thác các tuyến du lịch sinh thái. Do vậy, việc xây dựng đề án phát triển tổng thể du lịch sinh thái kết hợp quy hoạch các tuyến đường du lịch sinh thái theo hướng bền vững là để vẻ đẹp thiên nhiên Cát Bà trường tồn và giá trị tăng lên theo thời gian. Mặt khác, cần tiếp tục đầu tư, cải tạo các điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển các tuyến du lịch sinh thái, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách và phục vụ công tác bảo tồn và nghiên cứu khoa học trong nước cũng như quốc tế. Phát triển du lịch sinh thái là cách quảng bá giá trị của Cát Bà tự nhiên nhất, không chỉ đem lại lợi nhuận cho địa phương mà còn tạo ra việc làm cho hàng trăm, hàng nghìn người dân các nơi có rừng, giúp họ thấy được giá trị và lợi ích từ rừng mà gìn giữ, bảo vệ tài nguyên vô giá của huyện đảo.
Văn Lượng