Mặc dù đầu vào thấp nhưng sinh viên cử tuyển lại lựa chọn vào những ngành “hot” như y dược, kinh tế… khiến các em không theo nổi chương trình, có em học tới 8-10 năm vẫn chưa thể ra trường…
Hệ lụy chọn ngành… quá sức
Thực tế, hệ cử tuyển được Bộ GD-ĐT tiến hành từ năm 1990 cùng với việc xây dựng hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú. Thế nhưng tới năm 2006, Nghị định 134 chính thức ra đời mới thực sự tạo hành lang pháp lý cho hoạt động cử tuyển. Đến nay, sau 6 năm, cả nước có 12.805 HS được cử tuyển vào các trường ĐH-CĐ, đạt 88% chỉ tiêu. Bên cạnh đó, còn có 2.000 HS được cử tuyển vào các trường TCCN.
Hình minh họa (Internet) |
Ông Hoàng Đức Minh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lai Châu cho biết: Trong 6 năm qua toàn tỉnh Lai Châu đã cử đi học được 460 em. Tuy nhiên, vấn đề phối hợp giữa nhà trường và địa phương thực tế chưa tốt, điển hình như nhiều học sinh bỏ học một thời gian dài nhưng do trường không thông báo nên tỉnh cũng không nắm được con số này. Theo quy định, nếu học sinh bỏ học phải hoàn tiền nhưng do trường không báo nên không biết các em đã đi đâu, về đâu.
Ngoài ra, theo ông Minh một vấn đề khó khăn của riêng tỉnh Lai Châu là hiện nay nhiều trường ĐH đào tạo theo tín chỉ, do vậy số sinh viên tốt nghiệp rất rải rác. Trong khi đó theo Nghị định 134 tỉnh phải xuống trường rút hồ sơ khi sinh viên tốt nghiệp. “Từ Lai Châu xuống dưới Hà Nội cũng khoảng 500 km, trong khi sinh viên tốt nghiệp rải rác như vậy tỉnh rất khó khăn trong vấn đề đi lại, kinh phí cũng không nằm trong kế hoạch nên rất khó cho tỉnh”, ông Minh cho biết.
Ông Hoàng Minh Thạch-Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD- ĐT tỉnh Hà Giang) cũng nêu vấn đề: trong Nghị định 134 có nói nếu các tỉnh chưa nộp tiền đào tạo cho các trường kịp thì cơ sở đào tạo tạm thời “ứng” trước cho tỉnh, nhưng vấn đề nay đối với tỉnh Hà Giang chưa làm được.
Thế nên, khi nhiều sinh viên cử tuyển không có tiền đóng học do đến hạn nộp cho trường nên nhiều em đã điện thẳng lên cho Bí thử tỉnh để kêu. Do đó, Bộ Tài chính nên cấp kinh phí đào tạo về trường, tỉnh chỉ cấp học bổng cho học sinh đi học, lúc đó người học sẽ có điều kiện ăn ở tốt hơn chứ không như hiện nay.
Ông Bùi Anh Tuấn Phó trưởng phòng Đào tạo ĐH Y Hải Phòng kiến nghị, để khắc phục thực trạng không ít SV đào tạo theo cử tuyển đã tự ý bỏ học hoặc không tuân theo sự phân công công tác. Địa phương không thu hồi được khoản tài chính đã trợ cấp, nên chuyển hình thức hỗ trợ học phí và kinh phí sang hình thức cho vay. Sau khi hoàn thành khóa học ra trường, nếu theo sự phân công thì khoản vay được xóa. Nếu không thì phải trả lại khoản cho vay để tránh lãng phí cho kinh phí nhà nước, đảm bảo sự công bằng- ông Tuấn nhấn mạnh.
Chọn ngành “hot”
Về phía các trường ĐH đều nhận định, sinh viên cử tuyển đầu vào thấp lại hạn chế bởi vốn từ tiếng Việt, nên học sinh hệ cử tuyển khó khăn để hoàn thành khóa học. Đại diện ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, lý do các em học “chơi vơi” là bởi các em đều đăng kí vào những ngành học “hot” đòi hỏi người học phải thực sự có năng lực. Vì thế, lĩnh vực sinh viên cử tuyển tập trung đăng ký học không đồng đều, chủ yếu là y tế (trên 25%), kinh tế (gần 17%), sư phạm (23%). Trong khi đó, lĩnh vực xã hội nhân văn chỉ có trên 5%, nông lâm gần 13%, kỹ thuật 15% và nghệ thuật - thể dục thể thao chỉ 0,6%.
Đồng quan điểm trên, PGS-TS Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết, các trường hoàn toàn bị động trong vấn đề tuyển sinh khi không được tham gia xét tuyển đầu vào. Trong khi đó, các em tập trung nhiều vào Y dược, các ngành cần như nông lâm, CNTT thì chỉ tiêu rất ít.
Tại ĐH Kinh tế TP.HCM, năm 2010 chỉ có 75% SV cử tuyển tốt nghiệp. Năm 2011, con số tốt nghiệp chỉ còn 45% và tiếp tục giảm xuống còn 28% năm 2012. Đợt 1 năm 2013, mới chỉ có 2 trong 44 SV tốt nghiệp đúng hạn. Cũng tại trường, 3 SV từng bị thôi học vì quá kém. Tại các trường khác như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Nẵng, nhiều SV phải dừng tiến độ để bổ sung kiến thức. Đại diện Sở Sơn La cũng cho biết, qua kiểm tra, có nhiều em học tới 8-10 năm vẫn chưa thể tốt nghiệp. Và cả nước cũng chỉ có 3% đến 5% HS, SV đạt loại khá.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga thừa nhận, có tình trạng nhiều SV học tập khó khăn hoặc lưu ban do đăng ký những ngành đang thu hút hiện nay nhưng điều kiện đầu vào không đáp ứng.
Vì vậy, việc chọn ngành cho HS cần có sự tham gia của nhà trường. Bản thân HS nên chọn những ngành vừa sức để theo nổi chương trình, đảm bảo thời gian đào tạo.
Còn 40% đào tạo rồi, để đó
Mặc dù đài tạo cử tuyển là tạo nguồn nhân lực có trình độ cho địa phương. Thế nhưng, hiện mới chỉ có trên 60% sinh viên được bố trí công việc. Cơ chế tuyển dụng tại địa phương là một trong những rào cản được Thứ trưởng Bùi Văn Ga đề cập.
Ông Đoàn Quốc Tuấn - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD- ĐT tỉnh Hòa Bình) chia sẻ, là tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống và 6 năm qua một số nơi ở địa phương làm chưa tốt công tác phân công việc làm cho người học. Thực tế tại Hòa Bình mới chỉ phân công việc làm cho khoảng 28% số sinh viên hệ cử tuyển khi ra trường.
Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Hòa Bình đưa ra phương án sinh viên tốt nghiệp ở cơ sở nào về đúng cơ sở đó làm việc, ở xã nào về xã đó và theo đúng nghề mà địa phương đó đang thiếu vì địa phương đã đăng kí chỉ tiêu lúc đi học thì tốt nghiệp phải sử dụng.
Có một thực tế, đây là chương trình đào tạo dành cho đối tượng đồng bào thiểu số là chính, tuy nhiên, một số tỉnh đã xét tuyển tỷ lệ học sinh người Kinh cao hơn quy định như Lâm Đồng, Đăk Nông, thậm chí một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vì không có người đồng bào dân tộc đã cử hoàn toàn người Kinh đi học như Bình Phước. Do đó, lãnh đạo Bộ cũng gợi mở , nếu mở rộng vùng tuyển, tỷ lệ sinh viên người kinh thày vì 15% như hiện nay nên chăng là 30%?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, để chủ động trong việc quản lí sinh viên giữa trường và các tỉnh, nếu có thời gian các trường nên tiến hành xét tuyển hệ này sớm hơn. Lãnh đạo Bộ GD- ĐT cũng nêu vấn đề, để người học hệ cử tuyển có việc làm sau khi tốt nghiệp nên có chính sách bố trí việc làm mà không cần qua thi tuyển.
Uyên Na