Việc minh bạch thông tin có phần “thật thà” này của Vinacafé lại khiến dư luận dậy sóng, nhiều quan điểm trái chiều, trong đó không ít người thẳng thừng “ném đá” trên mạng.
Thể hiện quan điểm về sự việc này, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng có cách nhìn khá sâu sắc. Ông đi lí giải hiện tượng này thông qua tìm hiểu về tính cách người Việt; qua mối quan hệ giữa nhà làm phim tử tế và doanh nghiệp tử tế.
Ông cho rằng tính cách người Việt mình “lạ lắm”:
Lạ vì mình vừa dễ dãi lại vừa khó tính. Dễ dãi chấp nhận ly cà phê đậu nành suốt chục năm nay, nhưng khi có người đứng lên đòi bỏ cà phê độn đậu nành, trả lại ly cà phê nguyên bản đi thì lại lên cơn phẫn nộ.
Vì tâm lý “kiếm lời” nên nhiều nhà sản xuất sử dụng chất độn, phổ biến nhất là đậu nành vào ly cà phê chúng ta uống mỗi ngày để tăng độ sánh đậm. Đặc biệt người miền Nam vốn dễ dãi, có đậu hay không nhiều khi chẳng quan tâm đến, cứ quen miệng mà uống thôi. Nhưng từ cái sự dễ dãi đó làm cho nhà sản xuất thiếu minh bạch ngày càng đắc ý, dẫn đến cà phê độn đậu nành trở thành chuẩn mực lúc nào không hay.
Cà phê là thức uống đậm đà truyền thống Việt Nam, giờ đây bị chính cái sự dễ dãi, qua loa của chính chúng ta – những người uống làm cho trở nên ngày càng mai một. Chẳng bao lâu nữa, người nước ngoài đến đây hỏi “Việt Nam có cà phê gì ngon”, không lẽ chúng ta trả lời “người Việt tôi toàn uống cà phê độn đậu nành thôi, cho rẻ!”
Vừa qua, cộng đồng mạnh cũng có không ít người giễu cợt lời cam kết sản xuất cà phê nguyên chất của Vinacafé. Đọc thông báo đó, có thể thấy tâm huyết của doanh nghiệp là đúng, tuy nhiên cách diễn đạt của họ vô tình lại gây ra tranh cãi. Cũng dễ hiểu thôi, dân mạng thường chỉ đọc chữ nào trên cùng, to nhất chứ ít ai đọc đến dòng cuối cùng. Khi đọc những dòng đầu tiên trong bản công bố, họ đã vội đi vào kết luận và thế là gạch đá bay vào vô tội vạ.
Doanh nghiệp muốn tồn tại thì phải bán được hàng, phải chiều lòng thị hiếu. Câu chuyện của Vinacafé cũng giống như một nhà làm phim. Ban đầu, khi mới vào nghề, rất tâm huyết với việc phải tạo ra những tác phẩm mang tính hàn lâm, nghệ thuật. Đến khi trực tiếp làm, trải qua khó khăn lên bờ xuống ruộng lại không được đón nhận như dòng phim thị trường, nhà làm phim đó buộc phải chuyển hướng để lấy lòng khán giả, mặc dù bản thân tự nhận thấy điều đó không đúng với bản chất.
Nhưng cái giá trị ban đầu của mỗi đạo diễn tin tưởng vào vẫn luôn ở đâu đó, họ sẽ bằng mọi giá nỗ lực để tác phẩm của chính mình phải là nói tiếng sâu sắc của bản thân. Có lẽ Vinacafé cũng như vậy. Khi chứng kiến tình cảnh thị trường đang lộn xộn thì với tình yêu cà phê tha thiết buộc họ phải đứng lên tìm lại “chính nghĩa”, làm gương cho thị trường. Mà theo lý giải của mình, họ trở về với triết lý "cà phê phải là cà phê" đã được gầy dựng từ trước đó.
Dưới góc độ người tiêu dùng, hành động này của Vinacafé làm không ít người… tổn thương, cho rằng nhãn hàng đã lừa dối người uống. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ trong các thông tin mà Vinacafé cung cấp, rõ ràng họ có nói là tuy trước đây có độn đậu nành trong hai dòng Wake-up và Phinn nhưng họ từ đầu đều đã minh bạch thành phần trên bao bì, họ luôn tôn trọng quyền được biết của người tiêu dùng. Hơn nữa, nếu xét ở một khía cạnh khác tích cực hơn thì đây là một hành động đáng khích lệ. Đó như là một lời cảnh báo rằng: "Dễ dãi chấp nhận cà phê độn chính là giết chết cà phê nguyên bản. "
Hãy đừng dễ dãi để sau này còn cháu chúng ta còn có ly cà phê đúng nghĩa mà uống, và cũng đừng quá khắt khe với những thương hiệu hướng thiện, biểu dương chính nghĩa.