Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các nước Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam cùng đại diện khoảng 160 doanh nghiệp thành viên của WEF và khu vực, các đối tác phát triển.
Phát biểu tại phiên khai mạc có chủ đề “Tăng cường hợp lực: Các nhà lãnh đạo chia sẻ tầm nhìn về khu vực Mekong”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khu vực Mekong là một trung tâm phát triển năng động ở châu Á với nhiều nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhờ đẩy mạnh cải cách và hội nhập quốc tế. Mekong cũng là điểm kết nối quan trọng ở châu Á và là một thị trường giàu tiềm năng với dân số 240 triệu người và quy mô GDP trên 660 tỷ USD.
Theo Thủ tướng, sự ra đời của Cộng đồng ASEAN cuối năm 2015 cùng với sự phát triển của các hành lang giao thông trong tiểu vùng và các liên kết kinh tế trong khu vực đang mở ra không gian phát triển rộng lớn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tuy nhiên, khu vực Mekong cũng đang gặp không ít thách thức. Đó là khoảng cách phát triển với các nền kinh tế khác trong ASEAN còn lớn, lợi thế lao động chi phí thấp đang giảm dần, biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn dự báo...
Thủ tướng nhấn mạnh, thông qua Hội nghị WEF về khu vực Mekong lần này, Việt Nam mong muốn các nước, các doanh nghiệp Mekong đối thoại với các doanh nghiệp WEF về các ý tưởng, biện pháp tăng cường đối tác công-tư, phát triển hợp tác kinh doanh, đầu tư mang lại lợi ích cho các bên.
Cũng trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng đã giới thiệu về các thành tựu phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam cũng như các tiềm năng phát triển của nước ta trong thời gian tới. “Việt Nam đã ký 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định FTA với EU. Đây là những cơ sở quan trọng để Việt Nam mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho sự phát triển và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu WEF và Mekong tiến hành thảo luận về các biện pháp huy động nguồn lực tài chính cho cơ sở hạ tầng khu vực Mekong; mô hình mới cho công nghiệp hóa ở các nước Mekong; dỡ bỏ rào cản đối với thương mại trong khu vực Mekong. Hội nghị khép lại với phiên họp toàn thể về Tăng trưởng bao trùm đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc điều hành WEF Richard Saman đánh giá cao việc hình thành cộng đồng ASEAN. “Có thể nói đây một trong những bước phát triển rất quan trọng trong quá trình hội nhập liên kết các nền kinh tế trên thế giới. Giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực Mekong đang tăng hàng năm và đây là một minh chứng cho thấy các nhà đầu tư trong khu vực đang được hoan nghênh, đón tiếp nông hậu. Thông qua các nỗ lực cải cách, chúng ta hy vọng FDI vào khu vực sẽ tăng hơn nữa”, ông cho hay.
Tuy nhiên, ông cho rằng các bên không nên tự mãn, cần phải có những cải cách để nâng cao chỉ số cạnh tranh các nước. Một vấn đề quan trọng khác là tìm ra các biện pháp để các quốc gia trong khu vực có thể tăng cường liên kết và hội nhập nội khối. “Các nước Mekong hiện nay đã thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới thông qua cải cách luật pháp, cải thiện đầu tư , thu hút đầu tư nước ngoài… Đây là một trong những cách thức hiệu quả để phát huy tiềm năng”, ông nhận định. Theo Giám đốc điều hành WEF, khi thúc đẩy quá trình liên kết và cải cách, các nước ASEAN có thể cùng hợp lực tạo nên một nền kinh tế đứng thứ 7 trên thế giới, với GDP hàng năm khoảng 2,4 ngàn tỉ USD, 600 triệu dân.
Được tổ chức lần đầu tiên cùng dịp với các Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) lần thứ 7, Hội nghị Cấp cao hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV) lần thứ 8, Hội nghị WEF – Mekong được tiến hành theo sáng kiến của Việt Nam nhằm quảng bá tiềm năng của khu vực Mekong tới cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, mang đến những những ý tưởng sáng tạo và cơ hội hợp tác mới giữa các tập đoàn hàng đầu thế giới và các doanh nghiệp uy tín của khu vực, góp phần thu hút luồng vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và tăng cường kết nối tại khu vực Mekong.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng kim ngạch thương mại song phương hiện nay vẫn ở mức khiêm tốn, do đó, hai nước cần thảo luận, tìm nguyên nhân và đề ra các giải pháp thúc đẩy kim ngạch. Về phần mình, Thủ tướng Lào Thoonglun Sisulith thông báo Chính phủ Lào nhất trí với đề xuất của Việt Nam về hướng tuyến của đường cao tốc Vientiane – Hà Nội, đồng thời đề nghị Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện để Lào có thể sử dụng có hiệu quả cảng Vũng Áng.