Gần đây có những dấu hiệu cởi mở từ phía ngành giáo dục về việc sử dụng sách giáo khoa (SGK). Một vài tổ chức, cá nhân cũng đã giới thiệu những bộ sách của riêng mình.
Chiếc cặp đầu năm học mới của một học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM. Ảnh: Minh Quyên |
Một sự chuyển động mạnh mẽ trong lĩnh vực soạn sách, báo hiệu tính đa dạng của mặt hàng đặc biệt này, đồng thời cũng đòi hỏi người sử dụng phải thực sự sự sáng suốt khi lựa chọn.
Hồi đầu năm, Sở GD-ĐT TP.HCM quyết định viết SGK ở một số môn bậc THCS dựa theo chuẩn kiến thực kỹ năng của Bộ GD-ĐT.
Việc này được loan báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin hẳn đã có sự nhất trí từ phía Bộ GD-ĐT. Theo kế hoạch, đến thời điểm này, công việc đã hoàn tất.
Bộ sách tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục của Trung tâm Công nghệ Giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đã được 10 tỉnh tham gia thí điểm trong năm học này.
Một hội nghị đánh giá công tác thí điểm sách tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục cũng vừa được tổ chức cách đây vài tháng với sự có mặt của lãnh đạo Bộ GD-ĐT. Những đánh giá ban đầu của các tỉnh thí điểm cho thấy, việc dạy và học sách tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục có nhiều ưu điểm.
Bộ SGK lớp 1 của nhóm Cánh Buồm |
Nhóm Cánh buồm, do ông Phạm Toàn chủ trì, tiếp tục khiến dư luận quan tâm khi mới đây giới thiệu bộ sách lớp 1, gồm các cuốn: tiếng Việt, tiếng Anh, Văn, Lối sống và Tin học. Hiện một vài trường đang dạy bộ sách này với tư cách tài liệu tham khảo. Khi được hỏi về sự kiện nhóm Cánh buồm vừa ra mắt bộ sách nói trên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, nhóm này cũng mời ông đến tham dự buổi giới thiệu bộ sách, nhưng ông không đi được. Ông Hiển không bình luận gì về bộ sách nói trên, đồng thời ông cho biết: “Bộ GD-ĐT chỉ làm theo luật". Trong khi đó, cách đây không lâu, tại hội nghị triển khai thí điểm dạy tiếng Anh từ lớp 3, Bộ GD-ĐT đã có một quyết định táo bạo, mang tính cách mạng, được nhiều người đồng tình. Đó là việc cho phép các trường tự chọn giáo trình tiếng Anh để dạy cho học sinh mà không nhất thiết phải dạy bằng SGK của Bộ. Môn tiếng Anh, giáo viên có thể tự chọn SGK. Vậy hà cớ gì tiếng Việt lại không? Song, với việc lãnh đạo Bộ nhấn mạnh tới “làm theo Luật”, hình như Bộ đang lúng túng, nhất là khi Luật GD yêu cầu sử dụng SGK “ổn định và thống nhất”. Năm 2015 sẽ tiếp tục thay đổi chương trình SGK. Những sự việc đã diễn ra có thể coi như những động thái đầu tiên tiến tới việc có những thay đổi cơ bản trong việc biên soạn, sử dụng SGK thời gian tới. Điều này tất yếu xảy ra khi mà cả xã hội đã nhận ra những thiếu sót, hạn chế, bất cập không thể sửa chữa, nhưng đã tiêu tốn một lượng kinh phí rất lớn trong đợt xây dựng chương trình, biên soạn SGK vừa rồi. Tuy nhiên, (giả sử nếu có) nhiều bộ SGK thì cũng không phải là “vị cứu tinh” cho nền giáo dục vốn dĩ còn nhiều khiếm khuyết. Trách nhiệm sẽ vô cùng nặng nề đặt lên vai thầy cô giáo và nhà quản lý.
Theo Vietnamnet