Bủn rủn vì “49 chưa qua, 53 đã đến”
Càng năm mới, những trò mê tín, dị đoan lại càng dễ bùng nổ. Thế mới có chuyện, người người đi chùa, nhà nhà đi phủ, đền, miếu. Những chốn tâm linh thanh tịnh bị phá vỡ, thay vào đó là sự “trình diễn” lễ vật, sự lộn xộn, tranh cướp, chửi bới nhau, thi nhau đốt vàng mã hòng mong Phật, Thánh, Thần chú ý tới mình. Nhiều người vẫn mê muội tin vào cầu cúng, bói toán, giải hạn, cầu an, xin quẻ, dâng sao, cầu hồn…
Những ngày đầu Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, người dân Hà Nội đổ xô đi cúng lễ giải hạn. Tại rất nhiều đền, phủ, chùa vào tháng Giêng, những bàn đăng ký “dâng sao, giải hạn” mọc lên khắp nơi ở các khu vực hành lễ. Những cuốn sách tử vi, bản tra cứu sao chiếu mạng, giấy đăng ký, hướng dẫn cách “dâng sao, giải hạn” bày la liệt phục vụ các “thượng đế”. Lễ cúng giải hạn cũng có đủ loại hình thức, thủ tục và... giá cả khác nhau từ vài trăm nghìn tới vài triệu đồng.
Tại chùa P. K, một chị bán vàng hương cho hay: “Ngay từ mùng 1, rất nhiều người tới lễ và hỏi han về thủ tục, ngày giờ để đăng ký giải hạn”. Chị Thu Hoa, một khách đi lễ ưu phiền: “Năm Bính Thân, tôi bị sao Kế đô còn chồng sao La hầu chiếu vào. Thấy bảo, đây là những sao xấu nên tôi lo quá. Ăn Tết cũng không ngon, cứ nhấp nhổm lo lắng, chỉ sợ chưa kịp giải hạn, sao “quả tạ” lại rơi trúng vào đầu. Tôi đăng ký giải hạn sớm ngày nào, yên tâm ngày đó”.
Một số bà cùng đi lễ ngồi kể những câu chuyện của thế giới thần linh “hù dọa” người nghe liên quan tới “sao Thái bạch, sạch cửa nhà”, “nam La hầu, nữ Kế đô”, “49 chưa qua, 53 đã đến”… khiến mọi người sợ hãi và lo âu. Có bà còn kể chuyện, chỉ vì sao Thái bạch, không chịu đi giải hạn, có gia đình đã chết mấy mạng người làm ai nấy bủn rủn chân tay “quyết chí” giải hạn bằng mọi giá. Nhiều người mang danh sách thành viên trong gia đình đến chùa để giải hạn. Tính cả triệu đồng cho một khóa lễ. Cũng theo Thu Hoa, chị và vài người bạn phải giải hạn khắp mọi nơi: Đền, chùa, miếu, phủ kéo dài đến hết tháng Giêng, dù có phải dẹp việc chúc Tết và nghỉ việc cơ quan đầu xuân.
“Ông đồng, bà cốt”… đại náo!
Không chỉ giải hạn ở chùa, có không ít người còn tìm tới các điện thờ do các “ông đồng”, “bà cốt” lập nên, mức giá cũng dao động từ vài triệu tới hàng chục triệu đồng. Điện thờ ông đồng Lê Quang (Ba Vì), đoàn người khệ nệ bê đồ vàng mã. Ngoài sân, hàng chục con ngựa giấy, tiền vàng nằm ngổn ngang. “Ông đồng” vừa nhảy múa, làm lễ theo tiếng cheng cheng. Vợ ông đồng hỉ hả, từ tháng Giêng cho tới hết tháng ba, chồng bà làm không hết việc. Mỗi khóa lễ trung bình khoảng chục triệu đồng, tính sơ sơ, 3 tháng “vụ mùa”, gia đình bà kiếm tiền tỉ như chơi.
Có “con nhang, đệ tử” bỏ tiền hàng chục triệu, hàng trăm triệu để “thỉnh” “pháp sư” về nhà cúng sao giải hạn cho “độc quyền”. Hầu hết họ là dân làm ăn, kinh doanh, số ít là quan chức. Nghĩ giải được hạn và lộc càng phát, họ sẵn sàng sắm các đồ tế lễ đắt tiền. Có cầu, ắt có cung, các thầy bùa, “pháp sư” tha hồ “sang chảnh” hét giá. Có người kinh doanh bất động sản đặt hẳn 100 hình nhân, 100 ngựa giấy, 100 thuyền rồng chưa kể rất nhiều vàng, mã, hoa quả khác. Tính sơ sơ, chỉ riêng chỗ ấy cũng “ngốn” của ông 200 triệu đồng, chưa kể tiền “catxe” của “pháp sư” 40 triệu đồng.
Không ít thầy bói, tướng số lợi dụng cơ hội này đã bày ra đủ trò, từ mang “sao sát chủ” ra hù dọa đến cúng sao tốt để tăng phúc để moi tiền. Có người còn “đặt hàng” các thầy cúng giải hạn vào những ngày mùng 8, 15, 18 hàng tháng. Mỗi tháng giải hạn tiêu tốn không dưới 80 triệu đồng (tiền công, vàng mã, hoa quả cúng lễ…).
Một số kẻ đã “đục nước béo cò” tung đồn thổi “một đồn mười, mười đồn trăm”, đưa lên mạng xã hội biến lời đồn trở nên “nổi tiếng” gấp bội. Không ít người dân sẵn có tâm lý mê tín dị đoan, thiếu tư duy khoa học, dễ dàng tin vào những chuyện ma quỷ nhảm nhí. Hơn nữa, mặt trái của cơ chế thị trường cũng dẫn đến sự lầm tưởng về giá trị của chức quyền, của tiền tài và khiến nhiều người chạy theo những giá trị ảo. Ðáng lo ngại là hiện tượng này ngày càng có chiều hướng gia tăng, không chỉ tập trung ở các địa bàn dân cư kém phát triển, người dân còn nhiều hạn chế về học vấn và mức sống, mà còn cả ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển hay tầng lớp dân cư có trình độ cao, mức sống khá giả.
Ðã có một số thầy bói, tự nhận mình là “cứu nhân, độ thế”, “pháp sư” tùy tiện “phán” lung tung hòng kiếm tiền gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, thậm chí gây nên những cái chết đau lòng cho “con nhang, đệ tử” và người thân của họ. Một số kẻ xấu đã lợi dụng những tình trạng này để trộm cắp đồ đạc của đệ tử thập phương, khấn thuê, phao tin, đồn nhảm, tuyên truyền những thông tin thiếu lành mạnh nhằm gây hoang mang trong dân.
Theo các nhà nghiên cứu, gốc rễ của mê tín dị đoan là sự thiếu kiểm soát của con người trong khi họ luôn muốn được kiểm soát tốt hơn trong hoàn cảnh bị coi là bất an. Khi gặp điều gì đó quan trọng nhưng không chắc chắn, không giải thích được, mê tín dị đoan sẽ được dùng để lấp vào khoảng trống sợ hãi và làm con người cảm thấy an tâm hơn. Hệ lụy của tâm lý mê tín, dị đoan này rất nặng nề, gây lãng phí thời gian, tiền của, dẫn con người biến mình thành kẻ lạc hậu với những suy nghĩ, hành vi tiêu cực, đi ngược lại với tiến bộ. Họ bị mê muội, vô cảm thậm chí phạm pháp.
Tiến sĩ Lê Tâm Đắc (Viện Nghiên cứu Tôn giáo) khẳng định dâng sao giải hạn không phải là một nghi lễ của Phật giáo. Từ xưa, các phật tử thường có tục hành hương đầu năm tới chùa chiền để chiêm bái Phật, tu dưỡng tinh thần và cầu cho một năm an lành sức khỏe. Thế nhưng, cùng với sự biến đổi của lịch sử, nghi lễ này đã bị biến tướng thành lễ dâng sao giải hạn như mọi người thường nói. Về bản chất, nó vẫn là một lễ cầu an mà thôi. Không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa và cũng không có một nghi lễ nào gọi là cúng sao giải hạn cho phật tử cả. Bởi vì tất cả họa và phước mà con người có được đều là do nhân quả của chính người ấy làm nên.
Không nên hiểu việc đi giải hạn, giải sao sẽ có thể tránh được cái hạn, cái không may. Dù người ta có dâng sao giải hạn, có đi chùa cầu cúng mà khi tham gia giao thông không tuân thủ luật, rồi làm những điều xấu thì cũng không có Thần, Thánh nào cứu được. Vì vậy không phải cứ kéo đến chùa linh thiêng làm là tốt, quan trọng là do sự thành tâm của con người.
Các vị chân tu khuyên nhủ, những người sẵn sàng bỏ ra mấy chục triệu đồng để làm lễ dâng sao là hoàn toàn lãng phí tiền của và công sức. Cứ thà rằng, họ mang số tiền đó đi hành thiện thì phúc sẽ đến cửa. Việc gì phải cưỡng cầu vào điều không có thực như vậy. Nhà Phật hoàn toàn không có và không ủng hộ việc này.
Nên chăng, các cơ quan chức năng địa phương cần điều tra, có những chế tài nghiêm khắc để xử lý những kẻ “núp bóng” thần linh, ma quỷ để lừa đảo người dân, dùng nhiều chiêu trò “buôn Thần bán Thánh”, lợi dụng tâm lý mê muội của người dân để lừa đảo, trục lợi, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa về hệ lụy nguy hiểm của mê tín dị đoan, người dân hiểu rõ để từ đó xa lánh, dần loại bỏ mê tín, dị đoan ra khỏi đời sống xã hội.