Những năm 60 của thế kỷ trước, ngay sau khi Hải Phòng qua những ngày đầu giải phóng, thành phố thành lập ngay Đoàn văn công tổng hợp để phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, phục vụ nhu cầu văn hóa, văn nghệ của nhân dân. Trong Đoàn văn công ấy, có chàng thanh niên trẻ đẹp trai Đặng Quyến - diễn viên đơn ca sôlít, một trong những nghệ sĩ diễn viên được chú ý nhất. Tháng 7-1960, anh được triệu tập thẳng vào đoàn không phải qua tuyển dụng nhờ khả năng hài hước ở những bài hát miêu tả tính cách trên dòng nhạc dân ca cổ truyền, đặc biệt là giọng nam trung trầm ấm, trữ tình.Chả thế mà nhạc sĩ Trần Hoàn, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin ngày ấy, người trực tiếp tuyển dụng và xây dựng đoàn ca nhạc kịch tổng hợp Hải Phòng gọi anh là: “Quyến Baryton”.
Đặng Quyến- một thành viên của tốp ca nhạc đầu tiên cũng là người quan trọng không thể thiếu trong dàn đồng ca, tốp ca. Còn với đơn ca khỏi phải nói: Bài hát tủ của anh là bảo bối, bảo đảm cho anh bước vào đoàn với tư thế tự tin, chững chạc cùng với những nghệ sĩ ca nhạc lúc bầy giờ có tên gọi “Bồ câu trắng” như Vũ Ngọc Quang - Thanh Vân, Tường Vi, Khanh Tầu, Hồ Điệp… Họ đều là những “nghệ sĩ chủ chốt” trong dàn hát và là nghệ sĩ con cưng của nhạc sĩ Trần Hoàn. Đặc biệt do năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh trong đài từ và biểu diễn của Đặng Quyến “trời cho mà có”, nên mỗi khi anh hát bài nào đó, ngoài kỹ thuật chuyên môn và thanh nhạc, anh còn biết vận dụng đài từ để biểu diễn bài thông qua nội dung miêu tả tính cách vật. Nổi tiếng thời bấy giờ phải kể đến bài đơn ca Lỳ và Sáo. Bài hát ca ngợi Lỳ và Sáo chơi pháo đất để dọa Tây. Tây sợ không dám vào làng càn quét vì tưởng tiếng pháo của cu Lỳ và Sáo là tiếng pháo của quân ta, nên bọn chúng đều khiếp sợ, rút chạy. Hay loạt bài tủ khác của Quyến như Bà rằng bà rí, Chiếc đèn cù, Chiếc trống cơm, Qua cầu gió bay… đều là những bài trên dòng nhạc dân gian mà Quyến thành công trong hai lĩnh vực hát và diễn trong hát. Đây là một trong những kỹ thuật biểu diễn hiện thực tâm lý của người diễn viên ở độ hoàn hảo, nhưng anh đã có được điều đó.
Những bài hát đời đầu ấy là vốn liếng là tài sản nghệ thuật mang đặc sắc riêng biệt của Đặng Quyến mỗi khi anh cất lên hát lên ở bất cứ đâu trên sân khấu hay trong xưởng máy, sân kho hợp tác xã nông nghiệp, ngoài trận địa pháo, đến mãi tận hải đảo xa xôi, khán giả bộ đội và các em nhỏ đều quen thuộc gọi anh bằng tên “Anh Lỳ và Sáo”. Và qua đó, cũng yêu quý luôn Đoàn Văn công tổng hợp - đơn vị nghệ thuật vốn là niềm tự hào của Thành ủy, UBND thành phố và cá nhân các đồng chí Trung ương. Bác Đỗ Mười – vị Chủ tịch đầu tiên của thành phố Hải Phòng thời kỳ mới giải phóng, sau bao năm xa Hải Phòng lên Trung ương công tác, khi bác nghỉ hưu về thăm lại Hải Phòng có dịp gặp gỡ anh em văn nghệ sĩ vẫn không quên Đặng Quyến. Bác bắt tay Đặng Quyến và gọi tên: “Anh Lỳ và Sáo đây hả? Tớ rất nhớ tiết mục ấy của cậu”.
Giặc Mỹ phá hoại miền Bắc. Đặng Quyến lại được “tả xung hữu đột” biểu diễn cơ động khắp mọi nơi nhất là lực lượng vũ trang thành phố. Ngoài những bài ca vốn liếng sẵn có, Quyến diễn cả kịch ngắn, độc tấu hài. Các tiết mục ca hát độc tấu như Anh lái lợn, Học võ, Cái nắp ga, Chuyện thằng Tý… nở rộ và nhiều thành công vì nó phù hợp với thời cuộc bấy giờ. Người xem và bộ đội Hải Phòng xem là nhớ nét duyên dáng dí dỏm, pha trò của Quyến, đồng thời thẩm thấu sâu sắc ý nghĩa, tính giáo dục sâu sắc, đả kích châm biếm những tật xấu trong đời sống xã hội trong những tiết mục ấy. Độc tấu Anh lái lợn của anh được nhận từ người xem những tràng vỗ tay tán thưởng và cảm tình yêu quý đặc biệt. Tiết mục này anh cùng lực lượng vũ trang Bộ tư lệnh 350 Hải Phòng dự hội diễn toàn quân năm 1970 và giành HCV cho cá nhân cùng đồng đội. Đặc biệt là việc anh sắm vai trong vở Sáu phát trung liên cùng Ngọc Hiền, Lê Chức, Phan Phúc, Nguyên Hải... những nghệ sĩ tài năng của Đoàn Kịch Hải Phòng. Đây là vở diễn mà kịch bản của tác giả Ngô Chừ từng không thành công ở Đoàn kịch nói Trung ương. Nhưng với Đoàn Kịch nói Hải Phòng, chính là tài năng sáng tạo của Đặng Quyến và các diễn viên làm nên vị trí xứng đáng của tác phẩm: Sáu phát trung liên tham dự hội diễn chuyên nghiệp năm 1965 tại Hà Nội, được HCV cá nhân và tiết mục, được chọn vào phủ Chủ tịch diễn phục vụ Bác Hồ (sau khi diễn thành công tại rạp Đống Đa). Lần ấy, anh em nghệ sĩ rất sung sướng, cảm động khi biểu diễn trước Bác Hồ và các vị khách Trung ương như bác Phạm Văn Đồng, bác Tố Hữu, bác Phùng Thế Tài và khách của Hải Phòng - một phần thưởng cao quý trong cuộc đời người nghệ sĩ không phải ai cũng có được. Ai cũng khen Đặng Quyến chững chạc, mang hết nghị lực tinh thần, sự sáng tạo để vở diễn thành công ngoài sự mong đợi. Riêng đồng chí Hoàng Hữu Nhân, Bí thư Thành ủy Hải Phòng lúc ấy tuyên bố: “Tối nay tớ khao các cậu một chầu phở đặc biệt”, và đồng chí tự tay bê từng bát mời anh em ở một quán phở đêm ở Hà Nội. Với Đặng Quyến, đó là những giây phút đặc biệt, đáng nhớ không có lần thứ hai trong cuộc đời nghệ sĩ!
Sau Đoàn Kịch nói Hải Phòng, Đặng Quyến có mặt ở đơn vị nghệ thuật bán vũ trang của Quân khu 3 và Bộ Tư lệnh 350 một thời gian dài, tiếp tục tham gia nhiều hội diễn và đều thành công trên 3 mặt ca hát - diễn kịch, nhất là tấu hài. Khoảng năm 1975- 1976, anh chuyển công tác làm công nhân ở Công ty Xây lắp Hải Phòng. Tại đây, anh lại biểu diễn thành công tiết mục tấu hài Cái nắp ga, châm biếm và phê phán một người cha vì tham lam cậy cái nắp ga của công đem bán đồng nát, để rồi chính con ông ta sa xuống hố ga mất nắp ấy. Rồi do hoàn cảnh gia đình, Đặng Quyến không theo được sân khấu chuyên nghiệp. Anh tạm biệt ánh đèn sân khấu. Những tấm huy chương kháng chiến hạng Nhất, HCV vai diễn cu Diễn ( vở Sáu phát trung liên), HCV tiết mục tấu hài Anh lái lợn như là những kỷ vật có ý nghĩa với anh.
Diễn viên tấu hài, nghệ sĩ biểu diễn đa năng Đặng Quyến “Barytone” năm nay 73 tuổi, nhưng tâm hồn vẫn tươi rói như xưa, vẫn điệu cười hồn nhiên, vô tư, sung sướng khi gặp bạn bè đồng đội. Những lúc có điều kiện, Đặng Quyến lại cất lên tiếng hát với bài ca “Lý và Sáo” hay “Bồng bồng cõng chồng đi chơi… Ông thật đáng yêu, đáng nhớ trong một lớp công chúng của sân khấu Hải Phòng ở khả năng diễn tấu hài - thể loại không phải ai cũng biểu cảm được.
NSƯT Nguyễn Hồng Minh
(Hội Sân khấu Hải Phòng)