“Ban đầu đến thành phố, tôi chỉ biết đi đấm bóp dạo để kiếm sống. Qua sự giới thiệu, tôi được vào làm tại cơ sở massage X. dành cho người khiếm thị. Những tưởng sẽ có được thu nhập cao để gửi tiền về nuôi mẹ ở quê nhà, không ngờ, thu nhập thì không có, mà hình ảnh người khiếm thị (NKT) chúng tôi lại bị lợi dụng để cơ sở massage che mắt chính quyền địa phương và lấy thành tích đơn vị có lòng nhân ái, thường tạo công việc giúp cho những mảnh đời bất hạnh”, anh D. nghẹn ngào tâm sự.
Rời khỏi cơ sở massage người khiếm thị, anh L.T.D dìu dắt các bạn đồng nghiệp mưu sinh bằng nghề bán vé số. Ảnh: Công Hà |
Anh D. chia sẻ thêm, thời gian đi làm từ 8h30 đến 22h. Nhiều ngày, vào cơ sở ăn xong bữa cơm trưa là ngồi dài cổ không có đồng nào, vì người mù chỉ phù hợp những khách thật sự có nhu cầu vào xoa bóp, giải tỏa sự mệt nhọc. Còn những khách muốn tìm “niềm vui” khác, thì các anh chỉ “ngồi chơi xơi nước”. Vậy mà, hàng tháng, cơ sở vẫn luôn nhận được những lời khen từ địa phương, cho rằng, đơn vị này luôn chung tay, giúp đỡ, tạo việc làm cho NKT.
“Tuy không nhìn thấy, nhưng mọi diễn biến, hoạt động thế nào trong cơ sở, chúng tôi điều biết và cảm nhận qua thính giác”, anh D. cho biết.
Theo D., ngày nào có Đoàn (lực lượng chính quyền địa phương – PV) xuống kiểm tra, hoặc có những vị khách lạ mặt lần đầu tiên đến cơ sở massage xem như hôm đó, những người khiếm thị mới được ưu tiên và liên tục được vào xoa bóp cho khách.
“Hàng ngày, chúng tôi ngồi mỏi mòn chờ đợi để được người quản lý gọi đến tên mình. Trong khi, âm thanh reo cười, những bước chân mang giày cao gót của các cô gái chạy lóc cóc liên tục hướng về phía khách quen của họ. Chẳng lẽ NKT chúng tôi được giúp đỡ đến đây để làm bình phong cho các cơ sở massage kinh doanh sao?. Chúng tôi xin nghỉ và kiếm kế sinh nhai bằng một công việc khác…”, anh D. bày tỏ.
D. chia sẻ, thời gian đi bán vé số mỗi ngày của nhóm bắt đầu từ 17h đến 23h, số vé còn lại, bán tiếp từ 7h đến 13h hôm sau, đúng 13h30 sẽ hoàn trả vé thừa cho đại lý.
Niềm vui của anh N.V.T khi PV quay lại để chia sẻ. Ảnh: Công Hà |
“Chuyện ỷ lại mình là NKT rồi nài nỉ, làm phiền mọi người phải thương hại mua giúp vào những giờ cận kề sắp xổ số là hoàn toàn không xảy ra ở nhóm chúng tôi”, D. tâm sự.
Trên chặng đường mưu sinh đầy gian khó, D. kể: "Có lần vào ban trưa, trên một đoạn đường vừa có công trình đào cống thoát nước. Em đang hướng dẫn đường đi cho hai người bạn khiếm thị mới vào nghề bán vé số. Thấy đường hơi lạ nên hỏi thăm một nhóm thanh niên gần đó. Họ nói cứ đi không sao. Nhớm nhẹ từng bước, nhưng rồi phát hiện có lỗ hỏng, không rút chân về kịp, nên trượt té xuống ao, ướt hết áo quần và vé số”.
Ngoài những NKT vượt khó trên, một hình ảnh khác, tàn nhưng không bao giờ phế là anh N.V.T.
Bà Nguyễn Thị Hường (55 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận), có con là NKT bày tỏ: “Gia đình chúng tôi không được may mắn như các gia đình khác, đó là nỗi buồn âm thầm riêng của những bậc sinh thành khi có cùng chung cảnh ngộ. Con tôi bị khuyết tật nhưng cháu vẫn có hiếu với cha mẹ, cháu muốn sống độc lập để tự mưu sinh nuôi bản thân, kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Con tôi không đủ điều kiện và thời gian để vào sinh hoạt trong các mái ấm, nhà tình thương…, biết rằng, những nơi vui vẻ bên bạn bè NKT là niềm mơ ước của con mình.
Khi các cháu khuyết tật đã quen cuộc sống độc lập, nên cũng biết tự chăm sóc, lo lắng cho chính bản thân để có cuộc sống mưu sinh tạm ổn. Các cháu không hề nghĩ đến chuyện mong xin có ai đó bảo trợ, các cháu luôn tự tin rằng, mình tuy tàn nhưng không phế. Tôi chỉ mong rằng, những người bình thường được may mắn hơn các cháu. Nếu mỗi khi, không ủng hộ về mặt tinh thần cho NKT được tự tin hòa nhập vào cộng đồng, thì cũng đừng có ý lợi dụng hình ảnh NKT hay làm hại đến cuộc sống của NKT…”. |
Anh T. cho biết, khi vừa chào đời, gia đình phát hiện cơ thể có dấu hiệu không bình thường, ngày càng co rút và biến dạng. Thế nhưng, đến nay, đã ngoài tuổi 40 nhưng anh vẫn sống độc lập, cũng chọn mưu sinh bằng nghề bán vé số.
Anh T. mới giãi bày: “Tôi tự lập bằng nghề bán vé số, tạm đủ kiếm sống qua ngày, tôi không muốn xin tiền của ai, không muốn làm phiền hoặc gây thêm gánh nặng cho xã hội. Ai thương tôi thì mua ủng hộ giúp vé số, biết đâu cơ may trúng số sẽ đến với người mua.
Tôi không đi được nên chỉ ngồi một chỗ bên gốc các ngã tư đường khắp nơi của các quận huyện ở TP.HCM. Không dám ngồi một vị trí cố định, không dám cho ai biết nơi đang ở, vì tôi thấy, mình ngồi chiếm vỉa hè để ngồi bán vé số là sai phạm, nếu cho biết nhà ở, sợ mấy chú Công an tìm đến nhà cấm không cho đi bán vé số thì lấy gì sống. Ngoài ra, tôi sợ bị mấy tên nghiện ma túy biết nhà tiếp tục đến cướp tiền của tôi…”.
Theo lời anh T., trước đó, đang ngồi bán vé số ở ngã tư khu vực Bình Hưng Hòa, có một thanh niên chạy xe máy đến, nhờ anh đổi giùm 100 ngàn đồng tiền lẻ. Khi anh lấy túi tiền ra đổi giúp, người thanh niên này giật mạnh túi tiền, trong túi có gần 2 triệu đồng mà anh chắt chiu dành dụm. Đồng thời, tên này rút kim tiêm ra hăm dọa, nếu anh la lớn sẽ quay trở lại “xử”, sau đó, rồ ga biến mất. “Giờ đây, mỗi ngày đi bán vé số, tôi phải nhờ thêm một bạn cùng hoàn cảnh đi kế bên, bán vé số được nhiêu tiền, gửi người bạn giữ giúp”, anh T. cho biết.
Còn N.T.P (28 tuổi, ngụ quận 12) bị ảnh hưởng chất độc dioxin, cao chỉ khoảng 70cm, nặng khoảng 20 kg. Hàng ngày, P. di chuyển bằng cách dùng hai tay chống đất rồi bò từ từ.
Thế nhưng, chúng tôi bất ngờ hơn khi nhìn thấy nhiều công việc, tưởng chừng phải cần có người hỗ trợ, song P. vẫn tự làm. P. còn phụ giúp gia đình trông coi và quản lý thêm một shop thời trang tại quận 12. Khi ngồi trên xe lăn, P. thường một mình đi khắp nơi trong quận, tự tin trong việc giao tiếp với các khách hàng.
“Em chỉ bị khuyết tật về hình thể, chứ đầu óc em vẫn minh mẫn, biết suy nghĩ, có lòng tự trọng như bao người bình thường khác. Em chỉ muốn sống độc lập, không ỷ lại ai, muốn tự mình vượt qua những khó khăn rồi vươn lên. Thế nhưng, em rất buồn khi cách nay không lâu, khi em đang ngồi trên xe lăn nghe điện thoại khách hàng gọi đến, có một nam thanh niên xuất hiện, giật mất chiếc điện thoại em rồi tuyên bố, nếu la, đẩy luôn người xuống vỉa hè, lấy xe lăn…”, P. kể lại.
Công Hà