Những vụ giết người tàn ác vì tin vào “ma chài” một lần nữa cảnh báo về nhận thức lạc hậu, mông muội của bà con dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa và trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục pháp luật của toàn xã hội.
Từ trái qua: Các đối tượng Lầu A Sở, Thào A Hồ và Thào A Páo. |
Ám ảnh ma chài bắt trẻ con ở bản Huổi Đáp
Đầu năm 2011, địa bàn xã Nà Khoa, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) đã xảy ra vụ giết người kinh hoàng mà nạn nhân là bà Giàng Thị Sú (50 tuổi) bị bắn vỡ sọ khi đang ngủ trong nhà mình.
Kẻ thủ ác là Thào A Hồ (50 tuổi) và Thào A Páo (49 tuổi) cùng bản với nạn nhân. Nguyên nhân khiến các bị cáo giết người dã man là do nghi ngờ bà Sú chính là “ma chài” hại con chúng bị ốm, chết và khiến nhiều trẻ em trong vùng đau ốm nên hai tên đã dùng súng kíp tự chế để “diệt ma trừ tà”.
Páo là kẻ chủ mưu đã đặt vấn đề nếu Hồ giết chết bà Sú thì Páo sẽ thưởng cho 3 triệu đồng. Páo đưa tiền công trước cho Hồ là 1,5 triệu đồng. Thực hiện kế hoạch trên, khoảng 2h ngày 31/1/2011, Hồ cầm súng tiến đến sát tường nhà chị Sú. Hắn chĩa súng qua khe ván gỗ thưng tường bắn thẳng vào đầu nạn nhân. Thực hiện xong hợp đồng, Hồ đến nhà Páo lấy nốt 1,5 triệu đồng và bỏ trốn. Kết cục, Thào A Hồ và Thào A Páo đã phải trả giá cho tội ác bằng chính mạng sống của mình.
Thầy mo bị hạ độc vì nghi... thả ma
Vụ án thầy mo Lầu Thủ Pó trú tại bản Nà Sản (Sa Dung, Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) đã bị giết do bị nghi là “ma chài” được khám phá sau hai năm kể từ ngày Pó bị hạ sát, ném xuống vực sâu. Sự việc bắt đầu khi một người đàn bà đẹp, khỏe khoắn là vợ của Lầu Dúa Khứ ở cùng bản bỗng dưng lăn ra ốm. Sau khi chữa trị bằng một vài bài thuốc cổ truyền, thấy vợ không khỏi, Khứ lập tức nghi ngờ Lầu Thủ Pó đã làm “ma chài” hại vợ mình.
Thẩm phán Nông Đức Toàn - Chánh án TAND tỉnh Hà Giang. |
Tự lượng sức mình chưa đủ để bắt được Pó, Khứ liền rủ thêm Lầu Phó, Lầu Vả Mua, Lầu Bua Dơ, Lầu Giống Lếnh, Lầu Giả Nu, Lầu Giống Sùng. Cả nhóm kéo nhau đi huyện Điện Biên Đông của tỉnh Điện Biên, cắt rừng núi đi mãi sang phía Mường Báng (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La). Nghe tin Lầu Thủ Pó đang ở nhà ông Lầu Khua Sử, bản Tư Làng (Mường Báng) cả bọn chạy xuyên rừng đi tìm bắt Pó. Bọn chúng lấy dây thừng trói Pó, rong dọc các bản suốt một ngày đường mới về đến Nà Sản B.
Sau khi ép Pó phải chữa khỏi bệnh cho hai phụ nữ ở Nà Sản B nhưng không có kết quả, Khứ ra phán quyết phải giải quyết con “ma chài” này. Và cái chết dành cho Pó là phải tự ăn lá ngón. Một nắm lá ngón được hái về và Pó bị ép nhai bằng sạch. Sau ít phút, Pó sùi bọt mép và lăn ra tắt thở. Khứ và đồng bọn liền kéo xác Pó đi, rồi dùng đòn tre khiêng vứt xuống vực sâu hàng vài trăm mét, nơi có khoảnh nương của ông Sống Cha. Bọn chúng quy kết Pó là “ma chài”, phải vứt đi xa chứ để nó sống vất vưởng lại làm ma hại người.
Sự mất tích bí ẩn của Pó đã qua hai mùa rẫy, nhưng bằng các biện pháp nghiệp vụ và tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm, Công an tỉnh Điện Biên đã tìm ra chứng cứ vạch trần hành vi phạm tội của Khứ và 4 đồng phạm khác. Riêng Lầu Vả Mua - tên hái lá ngón bắt Pó ăn rồi chết - đã bỏ trốn sang bên kia biên giới, hiện đang bị truy nã...
Thiệt mạng vì bị nghi là “ma ngũ hải”
Nạn nhân bị chụp mũ “ma ngũ hải” là bà Chử Thị Sèo (70 tuổi) trú tại thôn Cá Lủng (xã Lũng Thầu, Đồng Văn, Hà Giang) bỗng dưng biến mất khỏi bản làng từ tháng 10/2009.
Theo hồ sơ vụ án, trước khi bị “mất tích”, bà Sèo đưa vợ chồng Vàng Mí Tủa là cháu họ đến ở cùng, được gần một tháng thì hai bên mâu thuẫn, bà Sèo đuổi vợ chồng Tủa đi. Sau đó, bà Sèo lại đón vợ chồng người cháu khác là Vàng Chứ Pó về làm con nuôi nhưng giữa hai bên cũng không thuận hòa do bà Sèo khó tính. Sau khi bà Sèo mất tích, Tủa và Pó lại phao tin rằng chính bà làm “ma ngũ hải” hại vợ chồng Tủa và nhiều người trong thôn.
Theo Tủa, thời gian vợ chồng hắn sống ở nhà bà Sèo toàn bị bà làm ma ngũ hải cho vợ chồng Tủa bị ốm. Nghe vậy, Tủa và Pó đã bàn nhau giết chết bà Sèo để trừ hậu họa. Một buổi tối, khi bà Sèo đi xem ti vi ở nhà hàng xóm, vợ chồng Pó sang nhà Tủa bàn cách giết bà Sèo. Nơi các đối tượng vứt xác bà Sèo là một cái hang nhỏ, tối, sâu gần 20m, các cán bộ Công an phải thả thang dây để leo xuống kiểm tra và tìm được xác nạn nhân.
Phải tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật
Theo Thẩm phán Nông Đức Toàn - Chánh án TAND tỉnh Hà Giang - thì đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng rẻo cao ở các tỉnh miền núi phía Bắc thường có tâm lý tin rằng có “ma chài” tồn tại trong các bản làng, theo họ người bị “ma chài” thường có biểu hiện ốm quặt quẹo, khó chữa và thường bị chết sau thời gian ốm, đau lâu ngày, hoặc lơ ngơ như người bị mất hồn, sống vất vưởng, khác người, làm theo ý người khác như có ma xui, quỷ khiến.
Đồng bào dân tộc cho rằng nguyên nhân bị “ma chài” là do người khác yểm ma vào người để giải quyết tư thù cá nhân hoặc chài để người khác phải lệ thuộc, làm theo ý người biết chài. Những năm qua, các ban ngành chức năng địa phương đã rất nỗ lực tuyên truyền giáo dục nâng cao trình độ pháp luật, vận động bà con dân tộc đẩy lùi hủ tục lạc hậu, tuy nhiên vấn nạn vẫn còn.
Cũng theo ông Toàn, song song với việc đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền pháp luật thì ngành Tòa án cần tăng cường xét xử lưu động các vụ án giết người vì nguyên nhân ma chài tại địa bàn xảy ra tội phạm, để qua đó răn đe, trừng trị tội phạm cũng như nâng cao tác dụng giáo dục phòng ngừa chung.
Trần Nguyên