Những năm trước, trên địa bàn thành phố có 11 cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhưng hiện chỉ còn 8 đơn vị duy trì hoạt động. Bên cạnh đó là gần 100 cửa hàng, đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Qua kiểm tra các đơn vị này trong 2 năm liên tiếp, đoàn thanh tra ngành Nông nghiệp - PTNT phát hiện một số sai phạm trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Công nhân công ty trộn nguyên liệu sản xuất thức ăn Ảnh: Phương Linh
|
Chất lượng chưa đúng tiêu chuẩn
Qua kiểm tra 8 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi cho thấy, hầu hết mới trang bị thiết bị kiểm định nguyên liệu đầu vào và sản phẩm ở dạng đơn giản. Khi nhập nguyên liệu, các đơn vị chủ yếu kiểm tra bằng mắt thường, bằng cảm quan hoặc thông qua các văn bản giới thiệu, cam kết của nhà cung cấp. Chỉ có hai đơn vị là Công ty TNHH thương mại VIC, Xí nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi Hạ Long là có phương tiện phân tích, kiểm tra chất lượng nguyên liệu và sản phẩm tương đối tốt. Công ty cổ phần Chương Dương và Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản Con Rồng có phương tiện kiểm tra, phân tích nhưng còn ở mức độ đơn giản. Trong khi đó 3/8 đơn vị không có thiết bị kiểm tra sản phẩm… 8 đơn vị này công bố hơn 100 loại thức ăn chăn nuôi bao gồm thức ăn đậm đặc, hỗn hợp, dạng bột hoặc dạng viên và đều đăng ký công bố chất lượng với các cơ quan chức năng. Trên thực tế, các đơn vị này không sản xuất các loại thức ăn chăn nuôi nằm ngoài danh sách công bố, nhưng liên quan đến chất lượng có sai số so với mức công bố. Đoàn kiểm tra lấy 12 mẫu để phân tích chất lượng với 4 chỉ tiêu cơ bản là Protein, xơ, Ca và P thấy hầu hết đều có sai số so với tiêu chuẩn công bố. Cụ thể, về chỉ tiêu Protein có 4/12, xơ có 9/12, Ca có 5/12, P có 6/12 mẫu sai so với tiêu chuẩn, tỷ lệ công bố. Thời gian gần đây, do chưa chú ý về chất lượng nguyên liệu đầu vào nên một số doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng một số loại thức ăn chăn nuôi chất lượng kém, thậm chí bị mốc, vón cục. Chẳng hạn như sản phẩm của Công ty TNHH thương mại VIC do thành phần nguyên liệu tăng cao hơn mức quy định và có thay đổi thành phần nguyên liệu so với đăng ký ban đầu, nên khi gặp thời tiết nóng lạnh bất thường xảy ra hiện tượng vón cục, mất mùi trong thời gian còn hạn sử dụng. Một số hộ chăn nuôi ở các tỉnh ngoài yêu cầu đền bù vì lợn của họ bị tiêu chảy nặng khi sử dụng các sản phẩm kém chất lượng này.
Nhãn mác, khối lượng…ghi cho có
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, qua những lần kiểm tra gần đây, phần lớn đơn vị, doanh nghiệp đều vi phạm quy định về ghi nhãn mác hàng hóa, sản phẩm và sử dụng dụng cụ cân, khối lượng gói sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp ghi trên nhãn mác một đằng nhưng thực tế lại khác. Ví dụ, Công ty cổ phần Chương Dương đóng gói một số lô hàng không đủ định lượng, Xí nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi Hạ Long và Công ty cổ phần Chương Dương còn ghi sai ngày sản xuất, ghi hướng dẫn sử dụng chưa cụ thể, ghi thành phần nguyên liệu căn cứ theo khối lượng hoặc tỷ khối chưa đúng quy định hoặc có thành phần ghi trên nhãn mác nhưng kiểm tra lại không thấy. Việc kiểm tra và đóng dấu xuất xưởng đính kèm sản phẩm ở một số đơn vị chưa được thực hiện đầy đủ…
Ngoài các đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi, cơ quan chức năng kiểm tra hơn hai mươi cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi của tư nhân trên thị trường. Phần lớn các cửa hàng này bán lẫn cả hai mặt hàng là thức ăn chăn nuôi và phân bón hóa học các loại. Qua kiểm tra, đoàn phát hiện 30% số cửa hàng không có đăng ký kinh doanh theo quy định, kinh doanh sai nội dung đăng ký kinh doanh. Điều đáng nói là 100% số hộ kinh doanh phân bón và thức ăn chăn nuôi được kiểm tra sử dụng loại cân không có kiểm định của Chi cục Tiêu chuẩn- Đo lường- Chất lượng, cân sai quy định; thiếu hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng, xuất bán hàng hoá chưa có hoá đơn thuế như quy định. Phần lớn các cửa hàng tư nhân có diện tích kinh doanh nhỏ hẹp, bày bán nhiều mặt hàng, để lẫn thức ăn chăn nuôi, phân bón hoá học với các vật tư nông nghiệp khác. Về bao bì, nhãn mác hàng hoá phần lớn không ghi thành phần, tỷ lệ pha trộn thức ăn chăn nuôi và phân bón hoá học chưa theo đúng quy định, trình tự, thiếu hướng dẫn sử dụng...
Lý giải tình trạng đăng ký một đằng, làm một nẻo này, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng thức ăn chăn nuôi cho rằng có 2 nguyên nhân. Một là, do nhiều năm qua, các doanh nghiệp, đơn vị ít thấy có ngành chức năng nào quan tâm kiểm tra, họ lại chạy theo cơn sốt nóng lạnh của thị trường nên chưa mấy quan tâm đến đăng ký chất lượng. Hai là, một số lĩnh vực chưa có ngành chức năng cụ thể nào đứng ra chịu trách nhiệm kiểm định. Chẳng hạn như việc kiểm định nguyên liệu đầu vào, kiểm định tỷ khối nguyên liệu…Quy trình kiểm định chất lượng cũng đòi hỏi làm rất nhiều thủ tục nên các doanh nghiệp ngại…
Hoàng Yên