"Cuộc chiến" giữa “cô đỡ thôn bản” với thầy cúng, mụ vườn

"Cuộc chiến" giữa “cô đỡ thôn bản” với thầy cúng, mụ vườn
(PLO) - Mỗi ngày, những cô đỡ ở Minh Hóa, Quảng Bình vẫn băng qua sông suối, núi non, rừng sâu tới từng nhà chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, góp phần xóa bỏ dần hủ tục “thầy cúng”, “mụ vườn” của các thôn, bản xa xôi. Tuy công việc vất vả, đầy nhọc nhằn như vậy nhưng họ chỉ được nhận mấy trăm nghìn một tháng. 
Người xóa bỏ hủ tục sinh sản ở rẫy, rừng
Kinh tế và giao thông khó khăn, người dân vùng dân tộc thiểu số còn giữ tập tục sinh đẻ tại nhà, nương rẫy hoặc chỉ cho người nhà, người cùng dòng tộc đỡ đẻ... nên tỷ lệ tử vong mẹ tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa luôn cao gấp 3 - 4 lần so với khu vực đồng bằng. 
Thế nhưng, từ khi có đội ngũ "cô đỡ thôn bản", tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh tại những khu vực này đã giảm đi đáng kể.  
Anh Cao Sỹ Phượng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa, Quảng Bình cho biết: “Trước đây, dù đã nỗ lực vận động phụ nữ đi sinh đẻ ở cơ sở y tế nhưng rất ít chị em làm theo. Hậu quả là đã xảy ra nhiều trường hợp tai biến, băng huyết; nhiều gia đình phải lâm vào cảnh mất cả mẹ lẫn con vừa sinh. 
Nhờ chương trình "cô đỡ thôn bản", mấy năm nay có hơn 80% số phụ nữ đã thay đổi hành vi và trực tiếp đến chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các cơ sở y tế”.
Men theo những con đường núi lởm chởm đầy đá, vượt qua con suối, phóng viên có dịp theo chân cô đỡ Hồ Thị Hạnh đến nhà sản phụ ở bản Rông để khám thai và thăm cháu nhỏ mới sinh. Khám và nghe tim thai cho chị Hồ Thị Lý đang mang thai tháng thứ 8 xong, chị Hạnh ghé sang nhà chị Hồ Thị Loan để thăm cháu nhỏ mới sinh được 1 tháng, do chính chị đỡ đẻ. 
Nhìn đứa bé kháu khỉnh, miệng chúm chím đòi sữa, chị Hạnh kể: “Thằng bé này là do tôi đỡ, khi đó tôi còn 2 tuần nữa mới kết thúc khóa học cô đỡ thôn bản. Nhưng buổi đó gấp quá, 5h sáng bố thằng nhỏ này sang nhà gọi tôi, sang khám tôi thấy không còn thời gian đưa mẹ con ra trạm y tế. Đó là ca đầu tiên tôi phải đỡ đẻ, ban đầu run nhưng vẫn cố gắng hết sức, may là hai mẹ con đều khỏe mạnh. 
Từ lần đó, tôi đi thăm, khám thai cho các bà mẹ trong bản nhiều hơn để kịp thời phát hiện các nguy cơ để họ đến trung tâm y tế cho kịp”. 
Khi được hỏi, chị Loan vui mừng kể: “Trong lúc đau đớn vô cùng, may mà có chị Hạnh tới giúp. Nhờ vậy con mình mới còn sống và khỏe mạnh như ngày hôm nay. Đỡ đẻ xong cho mình, chị Hạnh còn ở lại suốt 2 giờ để theo dõi sức khỏe cho 2 mẹ con, hướng dẫn cho mình cách chăm sóc con, tránh bệnh tật và có đủ dinh dưỡng đấy”. 
Nói về lý do chọn công việc cô đỡ, chị Hạnh cho biết: “Lý do đơn giản thôi mà! Mỗi lần sinh con, nhiều người không chịu tới trạm xá mà ở tại nhà rồi mời thầy cúng đến làm lễ, người nhà tự đỡ đẻ với các phương pháp rất thủ công. Ở đây có nhiều bản cách xa trung tâm y tế hơn 30km, bà con thiếu thốn, khổ cực. 
Có nhiều trường hợp bé sơ sinh tử vong vì do người đỡ đẻ không đúng cách. Thương đồng bào quá nên mình quyết tâm đi học để giúp đỡ bà con...”.
Lời tâm sự này khiến chúng tôi rất khâm phục, vì không phải ai cũng biết để có thể làm nghề, những cô đỡ thôn bản như chị Hồ Thị Hạnh đã phải vượt qua biết bao rào cản của những hủ tục, định kiến. Đáng buồn hơn, không ít gia đình đã phản đối không cho con em, vợ mình làm công việc này bởi thu nhập quá thấp mà suốt ngày phải đi.
Chị Hồ Thị Hạnh vẫn thường xuyên tới từng nhà thăm, khám bệnh.
Chị Hồ Thị Hạnh vẫn thường xuyên tới từng nhà thăm, khám bệnh. 
Đi bộ xuyên rừng để khám thai
Trong xã của chị Hạnh có 18 bản, không tập trung, nằm rải rác ở các địa điểm vùng sâu, vùng xa, hầu hết ở trên núi cao. Chị Hạnh phụ trách quản lý 3 bản. Chị đến từng nhà thai phụ vận động họ phải xuống trạm để khám thường xuyên. Nếu họ không đi, chị lại xuống tận nhà để khám cho họ. 
Mỗi tháng chị khám cho khoảng 10 thai phụ. "Cô đỡ thôn bản" phải tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để tuyên truyền nhiều khi là tranh thủ cả lúc đi làm nương, phát rẫy.
Với những bản ở xa, chị Hạnh phải đi bộ 3 tiếng mới đến nhà sản phụ. Tận tình giúp đỡ đồng bào là thế nhưng cũng có trường hợp chị Hạnh gặp phải sự phản ứng của gia đình thai phụ. Họ cho rằng phương pháp chị áp dụng rườm rà, phức tạp. Chị lại phải nhẹ nhàng, kiên trì khuyên bảo và giải thích cho bà con.
Kể về kỉ niệm trong các lần đi khám thai, đỡ đẻ tại bản sâu, chị Hồ Thị Hạnh xúc động: “Cũng nhiều khó khăn, vất vả lắm. Có những hôm nửa đêm tôi nghe thấy tiếng gọi thất thanh ngoài cổng, chạy ra thì thấy một người đàn ông tới nhờ đỡ đẻ cho vợ. Khi đó, mình phải tức tốc tới nhà họ ngay, nếu không mẹ con họ sẽ gặp nguy hiểm. Có những hôm mưa gió, đường lầy lội, giữa đêm khuya nhưng vẫn phải tự động viên chính mình”.
Anh Đinh Xuân Thái - Trưởng trạm Y tế xã Trọng Hóa cho biết: “Từ khi có các cô đỡ thôn bản, tỷ lệ đẻ tại nhà, trên rẫy đã giảm xuống rất nhiều. Công tác kế hoạch hóa gia đình cũng được các cô đỡ tư vấn tới bà con các bản. Cô đỡ là những người dân tộc, sống cùng, ở cùng tại các thôn bản đó nên bà con họ tin tưởng, yêu quý, nghe theo sự chỉ dẫn, khuyên bảo của các cô”.
Những cô đỡ ở các thôn bản vẫn đang ngày ngày âm thầm thực hiện công việc của mình, nhưng ít ai biết đằng sau sự tận tâm, tận tình ấy, họ vẫn còn nhiều khó khăn bởi đồng lương ít ỏi. Được hưởng phụ cấp theo chế độ hơn 500 nghìn/tháng, thậm chí có người chỉ nhận phụ cấp 200 nghìn/tháng, thế nhưng nhiều cô đỡ vẫn bám nghề với lòng thương bà con, vì lo cho tính mạng bà mẹ, trẻ em.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.