Những ngày cuối năm này, khi cái tết Nguyên Đán đang rục rịch đến thì cũng là lúc gần 40 hộ dân xóm Phú Lợi, xã Nghĩa Phú (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) trong tình cảnh đứng ngồi không yên, khốn đốn bởi hàng chục hec-ta ớt trồng đã đến lúc cho thu hoạch nhưng đành nhổ bỏ hoặc để cho chết héo.
Nước mắt xóm…cây ớt!
Được gọi lóng với cái tên “xóm cây ớt” như vậy vì hầu hết các hộ gia đình ở Phú Lợi đều tham gia trồng loại cây này. Diện tích trồng ớt lên đến hàng chục hec-ta, nhà trồng nhiều diện tích lên đến cả mẫu ruộng, ít thì vài ba sào. Chứng kiến những cây ớt quả chín vàng quạch, héo rũ trên thửa ruộng khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Nhiều hộ gia đình lao đao vì ớt |
Một người phụ nữ với gương mặt khắc khổ, ngưng tay nhổ bỏ ớt, quệt ngang giọt mồ hôi chua xót nói: “Nhà trồng cả sào ớt mà không bán được đồng nào hết, đắng cay lắm, giờ chỉ còn biết nai lưng ra làm lụng trả nợ. Chúng tôi phải tranh thủ phá hết đi để trồng dưa hấu, mong gỡ gạc lại được chút nào hay chút ấy thôi”.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thục cũng là một trong những hộ tham gia trồng giống ớt Hàn. Như bao gia đình khác trong vùng vợ chồng chị Thục cũng đang cố sức ra đồng nhổ bỏ thứ cây bao ngày họ cố công chăm bẵm.
Dù không mấy thân thiện khi cung cấp thông tin nhưng người phụ nữ này vẫn cho biết việc trồng giống ớt Hàn ở địa phương tính đến thời điểm này đã diễn ra đến niên vụ thứ ba.
Cụ thể là khoảng cuối tháng 4. 2012, gần 40 hộ dân nơi đây đã bắt đầu đổ xô trồng giống cây này. Trong vụ thu hoạch đầu tiên, thương lái đến tận ruộng gom hàng với giá 5 ngàn/kg ớt tươi. Nhận thấy, thời gian cây sinh trưởng ngắn ngày, giá cả cao nên người dân đua nhau gieo trồng, mở rộng diện tích.
Niên vụ thứ hai, thương lái bắt đầu tỏ ý “chê” ớt, việc thu mua, giá cả cũng giảm. Đến thời điểm hiện tại thì không còn thấy ai mua ớt nữa.
Đau xót hơn cả khi nghe chị Thục kể về câu chuyện “chuyển đổi” cây trồng của gia đình. Khi được giới thiệu chỉ 1 sào ớt có thể thu lại được hơn 3 triệu đồng, lợi nhuận gấp nhiều lần cây lúa. Chị Thục đã nhanh chóng bàn với chồng phá bỏ gần 1 ha đang xanh màu ngô đồng, chuyển sang chuyên canh giống ớt Hàn.
“Người dân bọn tôi thấy họ nói lãi cao thì đổ xô trồng, tưởng lần này có thêm tiền lo cho con ăn học thì lại bị như vậy. Giờ nhổ bỏ đi coi như bao công sức quần quật trên ruộng tiêu tan. Có nhà trồng nhiều nay lỗ 20-30 triệu, vợ chồng đâm ra cãi chửi nhau tất cả cũng chỉ vì cây ớt…” Chị thục thật thà nói.
Bài học từ sự thiếu sự quy hoạch
Theo thông tin của các hộ dân Phú Lợi, chúng tôi tìm đến ông Hoàng Văn T, người đã đem giống ớt hàn về phổ biến. Trong câu chuyện, ông T thừa nhận mình chính là người đứng ra nhận giống cho các hộ dân ở xóm Phú Lợi. “Họ về liên hệ trực tiếp với tôi, tôi thấy việc trồng giống cây này cũng được nên đứng ra đảm nhận khâu tuyên truyền, cung cấp giống cho bà con” ông T thành thực.
Cũng theo lời ông T, “Họ” mà ông T nói đến là một công ty chịu trách nhiệm phân phối giống ớt và bao tiêu sản phẩm với cái tên Trang Nông. Công ty này là một đầu mối trung gian, thu mua ớt để xuất khẩu sang phía thị trường Trung Quốc. Khi người dân Phú Lợi thu hoạch ớt có nhiều người Trung Quốc cũng đến để xem xét chất lượng.
Ớt phải nhổ bỏ hàng loạt |
Việc cây ớt hàn trồng ra không bán được, ông Hoàng Văn T cho rằng không thể trách được phía thương lái và bên Công ty Trang Nông. Lý do ông T đưa ra là do chất lượng ớt trên địa bàn không đảm bảo.
Dẫn chứng điều này, ông T đưa ra một số chỉ tiêu thu mua ớt như: Ớt quả chỉ được dài trong khoảng 4-10 cm, không bị cong queo. Trọng lượng phải đạt 70-80 quả/kg… Nếu đem đặt dưới những chỉ tiêu sản phẩm này thì toàn bộ số ớt đến thời kỳ thu hoạch ở Phú Lợi đều không đảm bảo yêu cầu.
Đem ý kiến này hỏi đối chiếu với những người có kinh nghiệm nông nghiệp tại địa phương thì được biết: Gieo trồng ớt này vào niên vụ tháng 6 âm lịch, thì sang tháng 7 mưa ngâu, mưa nhiều, nắng lắm nên đất nổi chua và bí chặt rễ cây khiến cho cây ớt không thể nào phát triển. “ớt ra quả được trong tiết trời chuyển mùa, dù là cong queo đã là may lắm rồi. Họ không muốn thu mua thì vè ra lý do vậy thôi. Không có hợp đồng, chỉ nói miệng thỏa thuận quy ước với nhau giờ họ không mua cũng chẳng làm gì được…” một người dân bày tỏ ý kiến.
Nhắc đến những thửa ruộng trồng ớt vàng ệch, để mặc cho chết héo rũ mà không có ai mua, ông Hoàng Văn T cũng không giấu nổi nỗi xót xa. “Gia đình tôi cũng đã đầu tư rất mạnh trồng đến 1,5 ha. Sau thất bại này tôi lỗ mất 50 triệu, các hộ khác cũng lỗ từ 20-30 triệu, chung quy lại cũng chỉ vì thiếu quy hoạch, ồ ạt đua nhau trồng. Cứ ngỡ giúp được nhau cùng làm giàu, ai ngờ…” ông T bộc bạch.
Vô số những bài học từ lời hứa của thương lái trung quốc với nông dân Việt Nam đã không còn là chuyện mới. Giám đốc công ty chuyên thu mua nông sản ở Nghệ An đánh giá rằng, đa số nông dân trồng nông sản là bán sang Trung Quốc, một phần nhỏ bán cho Hàn Quốc, Đài Loan…
Việc bán hàng cho thương lái Trung Quốc rất nguy hiểm vì tiềm ẩn những rủi ro cao nên chuyện thắng thua của người đi buôn và của người nông dân cũng không có gì khác nhau, đều là chấp nhận mạo hiểm. Tuy nhiên, vì những lợi ích nhất định trước mắt, thiếu đi sự quy hoạch tổng thể rồi cuối cùng đắp đổi bằng câu “mạo hiểm” mà không ít lần người nông dân đã chịu ngậm “quả đắng”.
Trở lại vấn đề xóm Phú Lợi, Sau thua lỗ từ trồng cây ớt hàn, các hộ dân nơi đây đang cật lực bắt tay vào làm đất để trồng dưa hấu mong gỡ gạc được chút ít số tiền đầu tư. Mong rằng qua bài học lần này, người dân xóm Phú Lợi sẽ tìm hiểu nhiều hơn những thông tin có ích cho kinh doanh và không bao giờ lâm vào tình cảnh “sống dở chết dở” như hiện nay nữa.
Giang Nam-Hoàng Mai