Báo cáo với đoàn kiểm tra, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, hiện tổng số biên chế công chức, viên chức toàn thành phố vào khoảng trên 137.000 người (công chức khoảng trên 12.000 người), thấp hơn tổng số biên chế được Trung ương giao.
Thành phố hiện đang sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế các cơ quan, đơn vị. Với khối các cơ quan Đảng, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội đã hoàn thành rà soát, sắp xếp 12/50 đơn vị; sau sắp xếp giảm 9 đầu mối phòng, ban (11,8%); giảm 9 đơn vị sự nghiệp (34,6%), giảm 9 cán bộ cấp trưởng phòng, ban; 20 cán bộ cấp phó phòng, ban. Với khối các cơ quan trực thuộc UBND TP, sau sắp xếp giảm 46 phòng ban (22,5%), giảm 26 trưởng phòng, 116 phó trưởng phòng. Như vậy, tính tổng thể, qua rà soát, sắp xếp, toàn TP giảm 55 phòng, ban; 130 đơn vị sự nghiệp; 35 trưởng phòng, ban và 136 phó phòng, ban.
Về việc tinh giản biên chế, từ năm 2008 đến nay, Hà Nội không tăng tổng biên chế công chức. Dự kiến đến hết năm 2017, Khối cơ quan Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội giảm 69 biên chế so với hiện nay; dự kiến đến năm 2020 giảm 413 người. Khối cơ quan chính quyền dự kiến năm 2016 giảm 1,5% biên chế công chức được giao và giai đoạn 2020 - 2021 dự kiến giảm tối thiểu 10% so với biên chế được giao năm 2015.
Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, TP kiên quyết sắp xếp, hợp nhất, giải thể những đơn vị sự nghiệp hoạt động không hiệu quả kéo dài hoặc chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức lại các đơn vị theo hướng giảm chi ngân sách, tăng dần tự chủ, tiến tới tự chủ hoàn toàn kinh phí.
Về phía đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, một số đại biểu cho rằng qua kiểm tra thực tế tại 8 đơn vị quận, huyện, sở, ngành trên địa bàn TP, hiện người dân vẫn còn rất bức xúc trước tình trạng bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh, chồng chéo, biên chế phình to; sự suy thoái và tiêu cực, nhũng nhiễu trong một bộ phận cán bộ công chức, viên chức.
Các đại biểu gợi ý một số lĩnh vực Hà Nội cần mạnh dạn tinh giản biên chế, thay đổi mô hình hoạt động để giảm chi cho ngân sách nhà nước, trong đó có giáo dục và y tế hiện là 2 ngành chiếm chi phí nhiều nhất (riêng Hà Nội mỗi năm dành trên 30% tổng chi ngân sách cho 2 lĩnh vực này).
“Chẳng hạn, có những trạm y tế ở cạnh ngay bệnh viện huyện vẫn được trang bị đầy đủ máy móc thiết bị y tế, đủ nhân lực khám chữa bệnh như một trạm y tế cách bệnh viện đến 20 - 30km, như thế liệu có lãng phí?”, ông Phạm Minh Chính đặt vấn đề. Hay như trung tâm y tế và bệnh viện tuyến huyện có cùng chức năng là phòng chữa bệnh; rồi trung tâm văn hóa, trung tâm thể thao, đài phát thanh… hoàn toàn có thể sáp nhập lại để giảm đầu mối. Trong lĩnh vực giáo dục, các đại biểu cho rằng nên nghiên cứu để giảm số lượng những cán bộ không trực tiếp giảng dạy như văn thư, y tế, thư viện… theo hướng tăng cường kiêm nhiệm.
Trả lời băn khoăn của đoàn kiểm tra về việc số cán bộ, công chức trong khối sở, ngành tinh giản còn ít, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, TP chỉ đạo thực hiện theo 4 giai đoạn, trước tiên thực hiện sắp xếp, tinh giản Văn phòng UBND TP, sau đó đến 22 sở, ban, ngành và hiện đã hoàn thành. Trong tháng 9 đến tháng 10, TP tiếp tục sắp xếp, tinh giản khối ban quản lý dự án. Hà Nội cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai dịch vụ công trực tuyến. Khi đó hiệu quả làm việc tăng lên sẽ là điều kiện để tinh giản bộ máy.
Về những bất cập còn tồn tại trong lĩnh vực giáo dục, y tế, ông Chung cho biết, nếu sắp xếp lại đầu mối ở tuyến quận/huyện theo hướng thu gọn đầu mối và tăng giao nhiệm vụ thì vẫn có thể đảm đương, hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, thành phố sẽ tiếp tục làm mạnh vấn đề này, đồng thời cũng đang nghiên cứu áp dụng mô hình bác sĩ gia đình gắn với y tế cơ sở và phòng bệnh để tư nhân hóa các trạm y tế, tiết giảm cho ngân sách. Ở các lĩnh vực khác như dịch vụ thủy lợi, quan trắc môi trường…, chủ trương cũng đẩy mạnh tư nhân hóa, hợp tác cung ứng dịch vụ, siết chặt quản lý tiền lương.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu