Dàn diễn viên nhí tiết lộ hậu trường “Hoa vàng trên cỏ xanh“

Thịnh Vinh được khán giả khen ở những cảnh diễn nội tâm khi đóng vai cậu anh trai Thiều ích kỷ.
Thịnh Vinh được khán giả khen ở những cảnh diễn nội tâm khi đóng vai cậu anh trai Thiều ích kỷ.
Thịnh Vinh, Thanh Mỹ và Trọng Khang thường xuyên đùa giỡn nhau trên phim trường. 
Bộ phim mới của Victor Vũ, chuyển thể từ truyện dài Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đang được khán giả quan tâm trong những ngày gần đây. Sức lôi cuốn của bộ phim ngoài bối cảnh đẹp, còn từ câu chuyện hồn nhiên, mộc mạc về thế giới tuổi thơ của 3 đứa trẻ ở vùng quê Việt Nam những năm 80. 
Victor Vũ chia sẻ, 3 đứa trẻ là linh hồn của phim nên khiến anh mất nhiều thời gian trong khâu tuyển chọn. Điều anh cần là tìm được các cô bé, cậu bé có ngoại hình trong sáng, biết diễn cảm xúc. Qua hàng trăm bức ảnh được gửi tới, anh chọn ra 50 người tham gia casting và cuối cùng đã có được bộ ba Thiều, Tường, Mận. Đó là Thịnh Vinh (vai Thiều) 15 tuổi, Trọng Khang (vai Tường) 11 tuổi và Thanh Mỹ (vai Mận) 10 tuổi. Cả ba tài năng nhí này đều đã tham gia đóng phim từ khi còn ít tuổi. 
Thịnh Vinh ngượng diễn cảnh thích Thanh Mỹ
Thịnh Vinh đóng vai Thiều, cậu anh trai thương em nhưng cũng ôm nhiều mặc cảm ghen tỵ với em mình. Nhân vật này khá khó với Thịnh Vinh bởi em phải diễn được cả nét trẻ thơ lẫn cảm xúc 'là lạ' đầu đời khi thích một cô bạn cùng lớp. Diễn viên 15 tuổi cho biết, sau khi được nhận vai, em mới tìm đọc truyện Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh để hiểu hơn về Thiều. "Em thấy Thiều có những điểm tốt, xấu lẫn lộn. Cậu ấy là người anh ích kỷ, nhát gan, không có trách nhiệm, nhưng rất thương Tường".
Trong 52 ngày quay phim tại Phú Yên, Thịnh Vinh chơi thân với Trọng Khang (vai Tường) và coi cậu bé như em trai ruột của mình. Nhờ đó, những cảnh diễn tả tình cảm anh em Thiều - Tường khá dễ dàng. Nhắc đến kỷ niệm về Trọng Khang, Thịnh Vinh cười tủm tỉm: "Lúc phải cõng Tường đi trên con đường đất giữa cánh đồng, lưng em có cảm giác như sắp gãy, vai thì mỏi nhừ. Trọng Khang nặng 37 ký, em 40 ký, mà cảnh này, em phải diễn 4-5 lần nên em mệt đứt hơi luôn. Cảnh ẵm Khang, hai tay em đau nhức, hai chân run rẩy, chỉ muốn té xuống thôi". 
Còn với cô bé Mận, Thịnh Vinh khen Thanh Mỹ diễn Mận hay đến mức em bị cuốn vào. "Ở ngoài đời, em cũng có cảm giác thinh thích một bạn gái vì bạn ấy rất dễ thương. Em đem cảm xúc ấy vào đoạn Thiều thể hiện tình cảm với Mận. Nhưng diễn cảnh này với Thanh Mỹ, hai anh em ngại ngùng lắm. Bọn em cười như điên ấy". 
Thịnh Vinh thú nhận, em rất sợ đóng cảnh khóc vì gặp nhiều áp lực. Một trong những phân đoạn khó của Thịnh Vinh là vừa khóc vừa diễn tả tâm trạng ân hận đã đánh Tường đến gãy xương lưng, khiến cậu bé nằm liệt trên giường. "Lúc ấy, em nghĩ đủ mọi chuyện buồn của mình. Chú Victor Vũ cũng phân tích về hoàn cảnh của Thiều để em lấy cảm xúc. Cảnh này em quay vào ban đêm nên khá buồn ngủ. Nhưng may mắn là em chỉ hoàn thành sau một đúp".
Trong phim, Thịnh Vinh còn rơi nước mắt khi ôm con cóc chạy dưới cơn mưa rào. Thời điểm đó, Thịnh Vinh bị ốm nên cả đoàn ai cũng lo cậu bé sẽ ngã bệnh vì dầm mưa quá lâu. Do nhập vai, Thịnh Vinh chỉ quay 1-2 lần và sau đó nhanh chóng vào sưởi ấm. Diễn viên nhí thấy xúc động vì đoàn phim chăm sóc rất chu đáo khi chuẩn bị chăn, máy sưởi, sữa nóng để em hồi sức. Thịnh Vinh càng hạnh phúc hơn bởi tại buổi công chiếu, mọi người khen, đó là một trong những trường đoạn xúc động và đẹp nhất của phim. 
Đen sạm đi sau gần 2 tháng quay phim nhưng diễn viên nhí không hề than mệt mỏi hay vất vả. Khi phải làm việc thâu đêm, Thịnh Vinh kể, dù có buồn ngủ, em cũng chỉ dám nhắm mắt nghỉ, chứ không ngủ thật. "Em sợ ngủ rồi tỉnh dậy, mặt sẽ đờ đờ, không diễn được và lại thèm ngủ tiếp". 
Mặc dù đóng phim từ lúc 6-7 tuổi nhưng nhờ vai Thiều trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Thịnh Vinh mới được đông đảo khán giả nhớ mặt, biết tên. Cậu bé rất tự hào bởi sau nhiều vai phụ, em cũng được đóng vai chính nhờ sự ưu ái của đạo diễn Victor Vũ. Cậu bé tâm sự, bố mẹ chỉ đồng ý cho em đi đóng phim trong thời gian nghỉ hè nên số lượng phim em tham gia không nhiều. Bộ phim điện ảnh đầu tiên của Thịnh Vinh là 14 ngày phép cùng Trịnh Hội, Bình Minh (vai con của Trịnh Hội). Em chưa từng đi học diễn xuất, chỉ thể hiện nhân vật theo đúng cảm nhận của mình. 
Trên màn ảnh, Thiều là cậu bé có nhiều tính xấu nhưng ở ngoài đời, Thịnh Vinh rất hiền lành, ít nói. Em bảo, vì hiền quá nên em hay bị Thanh Mỹ và Trọng Khang bắt nạt trên trường quay. Sắp tới, em còn xuất hiện trên phim Gái già lắm chiêu
Trọng Khang tiếc nuối khi cảnh thả diều trên đồng cỏ ven biển đã bị cắt.
Trọng Khang tiếc nuối khi cảnh thả diều trên đồng cỏ ven biển đã bị cắt.  
Trọng Khang khóc như mưa khi xem mình trên phim
Nhân vật cậu em trai Tường lẽo đẽo theo anh trai Thiều trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được Victor Vũ giao cho Trọng Khang 11 tuổi. Cậu nhóc là gương mặt quen thuộc khi tham gia rất nhiều quảng cáo, phim truyền hình và điện ảnh. Trọng Khang lém lỉnh, thích quậy phá, không giống như nhân vật Tường.
"Hôm phim công chiếu đầu tiên ở Sài Gòn, con khóc quá trời vì không nghĩ phim hay và tình cảm như thế. Con thấy phim thật đáng giá với công sức con bỏ ra đóng phim. Đoạn Tường khóc vì cu cậu (con cóc - bạn thân của Tường) bị người ta lột da nấu cháo, con xem và cũng khóc theo luôn. Con thích phim của chú Victor Vũ. Con cũng quý chú Victor vì chú thương tụi con, mua quà cho tụi con. Con được chú tặng một chú robot đó", Trọng Khang khoe. 
Cậu nhóc còn kể, lúc quay cảnh này, em khóc to đến mức cả đoàn phim phải bất ngờ. "Con đọc truyện rồi nên nhập tâm vào Tường lắm. Tường coi cu cậu là bạn thân, cho nó ăn hàng ngày. Khi cu cậu biến mất, con thấy buồn nên cứ thế khóc thôi. Khi chú Victor hô 'cắt', phải mất một lát con mới ngưng khóc. Chú mà không hô, con còn khóc tiếp. Cảnh này có một lần quay hỏng vì anh Thiều. Con đã thuộc hết thoại, cũng khóc được nhưng anh Thiều lại bị con cóc chui vô áo. Thế là anh ấy la lên, quăng con cóc về phía con". 
Trọng Khang sống ở TP HCM nên từ nhỏ chưa được tận mắt nhìn con cóc. Khi đóng Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, cậu bé phải làm quen với chú cóc. Trọng Khang phấn khích nói, em không hề sợ con vật này, thậm chí còn cầm con cóc đi dọa lại những người trong đoàn phim, trong đó có Thanh Mỹ. 
Khi hỏi về đoạn phim em thích nhất, ánh mắt Trọng Khang lóe lên. Cậu bé nhớ ngay về phân đoạn Thiều, Tường cùng đánh Sơn để trả thù. Cậu bé nói, trước khi ghi hình, 3 diễn viên chơi đùa với nhau rất vô tư nhưng khi diễn lại tập trung cao độ. "Cảnh này con được tạt bột vào mặt Sơn nên vui lắm. Anh Sơn đánh con thì chỉ vung tay sát mặt con rồi dừng lại, sau đó con giả bộ quay mặt đi thôi. Có một cảnh mà con rất thích nhưng đã bị cắt đi rồi. Đó là lúc con, Thiều, Mận, Nhi cùng thả diều trên đồi". 
Thời gian quay phim ở Phú Yên để lại cho Trọng Khang rất nhiều kỷ niệm vui. Cậu bé quấn quýt suốt bên Thịnh Vinh, Thanh Mỹ, có lúc 3 người còn chí chóe, giận hờn chỉ vì những lý do rất nhỏ bé. "Anh Vinh hay giỡn nhưng thương con như em ruột. Mỹ chơi với hai anh em cũng rất hợp. Mỗi lần không phải quay, bọn con chơi ô ăn quan, nhảy lò cò hay chơi đèn làm bằng lon sữa bò. Có lần, vì mải chơi, con còn làm nến đổ, cháy cả cây đèn trung thu bằng giấy nilon". 
Trọng Khang gần như nhỏ tuổi nhất đoàn phim nên rất hay tìm cách trêu đùa các anh chị. Trong cảnh Tường bị ngã xuống đất, em rất khoái chí vì được đoàn phim chuẩn bị sẵn tấm đệm để khi ngã không bị đau. "Ngã xong, con nằm đó cười, xem anh Thiều và Mận diễn", cậu bé hài hước nói.  
Trước Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Trọng Khang đã tham gia các phim Hello cô ba, Cô dâu đại chiến 2...  Gần đây, em còn lồng tiếng cho các dự án hoạt hình của Hollywood như vai cậu bé Denis trong Khách sạn huyền bí 2, Peter Pan trong phim Pan. Trọng Khang là con út trong gia đình có 3 anh chị em nên được bố mẹ khá chiều chuộng. Mỗi lần đóng phim xong, mẹ vẫn mua quà tặng cho em như một phần thưởng. Tuy nhiên, cũng vì đi đóng phim nhiều, Trọng Khang không giữ vững được danh hiệu học sinh giỏi trong năm học vừa qua. Cậu bé khoe, từ lớp 1 đến lớp 4, em đều có thành tích xuất sắc, duy chỉ có lớp 5 là bị tụt xuống hạng học sinh khá. 
Với Thanh Mỹ, cảnh khóc không phải là điều khó khăn với cô bé 10 tuổi.
Với Thanh Mỹ, cảnh khóc không phải là điều khó khăn với cô bé 10 tuổi.  
Thanh Mỹ: Thịnh Vinh hát không hay nhưng hay hát
Trong số 3 diễn viên nhí, Thanh Mỹ là gương mặt nổi bật nhất bởi trước khi hóa thân vào vai Mận, cô bé từng gây ấn tượng với khán giả từ các phim Đoạt hồn, Scandal 2 - Hào quang trở lại, Để mai tính 2... Thanh Mỹ có năng khiếu diễn xuất tự nhiên nên không gặp nhiều khó khăn trong những cảnh quay khó như khóc đẫm nước mắt vì cháy nhà, lúc chia tay Thiều để theo mẹ lên thành phố. Thanh Mỹ nói, em chỉ cần nghĩ đến chuyện buồn là tự nhiên nước mắt chảy dài. 
Điều Thanh Mỹ cảm thấy tò mò và hào hứng khi quay Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là được chơi những trò chơi dân gian mà em chưa từng biết đến. "Các chú trong đoàn phải chỉ cho em để em quen dần. Em mê các trò này lắm". Cô bé còn thích thú vì được quay phim với những người bạn cùng lứa tuổi như Trọng Khang, Thịnh Vinh. Thanh Mỹ tiết lộ, lúc mới casting, đóng cảnh Thiều đưa cuốn tập toán, em cảm thấy hơi ngại với Thịnh Vinh vì cả hai chưa quen nhau. Tuy nhiên, khi đã gần gũi, em rất quý Thịnh Vinh. 
"Lúc quay, anh Vinh giỡn em hoài, thi thoảng đánh nhẹ nhè vào đầu em. Khi các cô chú diễn viên làm việc, em, anh Vinh và Khang không phải quay thì quậy tưng bừng. Có cô trong đoàn phim mở nhạc để 3 anh em nhảy quá trời luôn. Thi thoảng, đang ngồi trên ô tô về khách sạn, anh Vinh còn hát nhạc Sơn Tùng, dù hát không hay lắm", Thanh Mỹ cười tít mắt kể. 
Diễn viên nhí dành rất nhiều tình cảm cho đạo diễn Victor Vũ. Cô bé nhận xét, Victor Vũ là một đạo diễn hiền lành, ít nói và không quát mắng diễn viên bao giờ. Ở những cảnh khóc, Victor Vũ chỉ cần hô 'cắt' là Thanh Mỹ ngừng khóc được ngay, chứ không để mất kiểm soát về cảm xúc. 
Đóng phim ở Phú Yên hơn 1 tháng, việc học của Thanh Mỹ cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Em được bố mẹ mời cô giáo về dạy kèm trước và sau khi kết thúc lịch quay, em tiếp tục học đuổi theo các bạn. Em tự hào khoe rằng, từ lớp 1 đến lớp 4, em luôn giữ vững thành tích học sinh giỏi, trong đó môn Văn là niềm tự hào vì chưa có bài Văn nào của em bị cô giáo cho điểm thấp. 
Thanh Mỹ làm quen với ống kính từ năm 6-7 tuổi. Bố mẹ cho em đi casting quảng cáo, sau đó em dần được nhiều đạo diễn để ý và mời tham gia các phim truyền hình, điện ảnh. "Em mê đóng phim lắm. Em ước mơ mình sẽ trở thành diễn viên nổi tiếng. Nhưng sau này lớn lên, nếu em không thích diễn nữa, em sẽ đi làm cô giáo dạy trẻ", cô bé hồn nhiên nói. 
Thầy cô và bạn bè ở trường khi biết Thanh Mỹ đóng phim đều ủng hộ và tạo điều kiện cho em theo đuổi đam mê. Ở trường, chưa bao giờ, Thanh Mỹ tỏ ra chảnh choẹ với mọi người vì mình là người nổi tiếng. "Cô giáo chủ nhiệm của em mới hơn 20 tuổi thôi. Cô thích xem phim em đóng. Những phim trước em tham gia vì cấm trẻ em nên bạn bè không đi xem được. Đến phim này, chắc là các bạn sẽ đi xem". 
Từng thử sức ở nhiều dạng vai khác nhau nhưng Thanh Mỹ có ước muốn được một lần đóng vai cô bé chảnh choẹ, kiêu căng. Em giải thích rằng, muốn trở thành diễn viên giỏi thì phải biết hoá thân vào đủ mọi nhân vật.
Nói về thần tượng của mình, Thanh Mỹ tâm sự, em hâm mộ Thái Hoà vì nam diễn viên rất hài hước, vui tính. Còn riêng ngôi sao nữ, em đặc biệt thích Jennifer Lawrence trong loạt phim The Hunger Games

Tin cùng chuyên mục

Liên hoan phim sẽ trình chiếu 117 bộ phim của 51 quốc gia và vùng lãnh thổ (ảnh Thùy Dương)

117 bộ phim trình chiếu Liên hoan phim quốc tế Hà Nội

(PLVN) - Với khẩu hiệu: “Điện ảnh: Sáng tạo - Cất cánh”, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2024 hứa hẹn là sự kiện quan trọng không chỉ của điện ảnh mà còn góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội, đất nước Việt Nam đến bạn bè trong nước và quốc tế. Liên hoan phim sẽ trình chiếu 117 bộ phim của 51 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đọc thêm

'Tiếng hát Hà Nội 2024' lan tỏa thanh âm của tình yêu Hà Nội

Cuộc thi còn tạo điều kiện phát triển cho những tài năng âm nhạc trẻ. (Ảnh: BTC)
(PLVN) - Cuộc thi “Tiếng hát Hà Nội năm 2024” sẽ tạo cơ hội cho các nghệ sĩ sáng tạo, thể hiện những tác phẩm âm nhạc truyền thống và đương đại với chủ đề về ca ngợi Tổ Quốc, Đảng, Bác Hồ, tình yêu với Thủ đô, quê hương – đất nước góp phần thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển nghệ thuật.

MC Cát Tường đề nghị xử lý một số trang tin lấy tên mình 'giật tít câu view' để lừa tiền

Diễn viên - MC Cát Tường
(PLVN) - MC Cát Tường và nhà sản xuất “Bạn muốn hẹn hò” mời luật sư và Thừa phát lại lập vi bằng một số trang tin điện tử, fanpage, facebook, youtube… có hành vi “giật tít câu view”, làm sai lệch thông tin, gây hoang mang dư luận liên quan vụ MC cảnh báo có kẻ gian sử dụng hình ảnh của mình để lừa đảo số tiền lớn.

'Thư gửi mẹ' - sản phẩm truyền thông thực hiện bình đẳng giới lọt vào top 7 đề cử cho Giải thưởng Silvana S Film

'Thư gửi mẹ' - sản phẩm truyền thông thực hiện bình đẳng giới lọt vào top 7 đề cử cho Giải thưởng Silvana S Film
(PLVN) - Giải thưởng Silvana S Film là giải thưởng tôn vinh những bộ phim tài liệu xuất sắc về môi trường và giới trẻ, thuộc khuôn khổ chương trình LENScape: Documentary Shorts from Southeast Asia. Năm nay, Việt Nam tham gia Giải thưởng Silvana S Film với bộ phim tài liệu ngắn “Thư gửi mẹ” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đồng sản xuất với đạo diễn Hà Lệ Diễm.

Vẻ đẹp từ những thước phim

Vẻ đẹp từ những thước phim
(PLVN) - Thời gian đã phủ lớp bụi lên những thước phim cổ, tấm ảnh cũ, tuy nhiên giá trị của chúng không mất đi. Ngày nay, dù cuộc sống hiện đại hối hả, sôi động với nhiều âm thanh, màu sắc đa dạng trên truyền hình, nhưng nhiều người trẻ vẫn dành tình cảm cho các bức ảnh cũ, thước phim xưa.

Đắm say với “Tình ta Hà Tĩnh”

Cảnh đẹp Hà Tĩnh được nhạc sĩ Ngọc Lê Ninh đưa vào trong ca khúc "Tình ta Hà Tĩnh) (ảnh trong MV).
(PLVN) -  Sau 12 năm ấp ủ, nhà khoa học, nhà thơ, nhạc sỹ Ngọc Lê Ninh cho ra đời ca khúc mang tên “Tình ta Hà Tĩnh”. Với âm hưởng dân ca xứ Nghệ, ca khúc tôn vinh đời sống văn hóa, chính trị, phong tục tập quán, các địa danh nổi tiếng, các đặc sản biển rừng, văn hóa phi vật thể (Ví Dặm, Ca trù Cổ Đạm)... và một tình yêu nồng nàn với mảnh đất nơi đây.

Trao giải Cuộc thi 'Tiếng vang lịch sử: Diễn giải Văn Miếu - Quốc Tử Giám qua hội họa'

Các tác phẩm hội họa đạt giải thưởng cao (ảnh P.V)
(PLVN) - Cuộc thi “Tiếng vang lịch sử: Diễn giải Văn Miếu-Quốc Tử Giám qua hội họa” là “sân chơi” lành mạnh nơi các bạn trẻ cùng nhau sáng tạo, cùng nhau tranh tài, thể hiện cảm xúc, quan điểm của mình qua các tác phẩm hội họa về các công trình kiến trúc, hiện vật, tượng thờ,… tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Cuộc thi Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam 2024 lần đầu tiên được tổ chức

Cuộc thi Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam 2024 lần đầu tiên được tổ chức. (Ảnh: Thùy Dương)
(PLVN) - Với mục đích tìm kiếm người đẹp có đủ “sắc, tâm, tài” để quảng bá hình ảnh của tà áo dài Việt Nam, cuộc thi Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam 2024 lần đầu được tổ chức nhằm phát huy vai trò, năng lực của phụ nữ Việt Nam trong tiến trình hội nhập phát triển, quảng bá đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Liên hoan các ban nhạc toàn quốc năm 2024

BTC thông tin về Liên hoan các Ban nhạc toàn quốc năm 2024. (Ảnh: Thùy Dương)
(PLVN) - Liên hoan các ban nhạc toàn quốc năm 2024 là dịp để các nghệ sĩ đến từ mọi miền cả nước quy tụ gặp gỡ, giao lưu học hỏi, chia sẻ và trao đổi những kinh nghiệm trong hoạt động nghệ thuật, nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, tiếp tục tạo ra những sản phẩm nghệ thuật có chất lượng phục vụ xã hội.