Ngày 02/4/2004, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có Quyết định số 1421 thu hồi 175.000m2 đất tại xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành giao cho Cty Xây dựng dầu khí thuộc TCty đầu tư phát trển đô thị (DIC Long Hương) thuê để khai thác mỏ sét Mỹ Xuân 3, thời hạn 29 năm…
Theo đó, hộ ông Phan Văn Kiên, ngụ ấp Phú Thạnh, xã Mỹ Xuân bị thu hồi 10.750,1m2, hộ ông Lê Đức Hiện (ngụ tại phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM) bị thu hồi 8.000m2, hộ ông Lê Tôn Đức Hòa (Lê Tôn Đức Hòa, ngụ tại phường 1, quận 10, TP.HCM) bị thu hồi 5.530m2 (tròn số) nhưng tất cả đều không có quyết định thu hồi đất cho từng hộ mà huyện Tân Thành chỉ lập phương án bồi thường rồi dùng bản photocopy thông qua người khác chuyển đến các hộ này.
Đại diện gia đình ông Hiện (trái) và ông Kiên làm việc với PV |
Theo đó, giá bồi thường chỉ là 12.000 đ/m2 đất nông nghiệp, trồng cây lâu năm và 16.800đ/m2 đất nông, lâm nghiệp, thấp hơn hàng chục lần so với giá đất tại khu vực này. Ông Kiên cho biết, nếu Nhà nước thu hồi đất sử dụng vào mục đích phúc lợi công cộng, an ninh quốc phòng… thì chúng tôi chấp nhận; còn nếu cưỡng chế thu hồi đất đem cho doanh nghiệp thuê rồi ép chúng tôi phải nhận bồi thường giá “bèo” thì chúng tôi khiếu nại đến cùng…
Theo các hộ dân, đất của họ có đầy đủ cơ sở pháp lý, vậy sao đơn vị cần thuê không trực tiếp gặp để thỏa thuận giá cả mà lại thông qua chính quyền để “ép” dân, đưa người và phương tiện đến đào, múc chở đi bán. Theo tính toán, 1m3 đất tầng phủ doanh nghiệp bán giá 12.000 đồng, cứ mỗi hécta lấy 40.000m3 đã thu về 600.000.000 đồng; nếu là đất sét (tầng ngầm) thì bán với giá 36.000 đồng/m3, nếu mỗi hécta khai thác 80.000m3 đem bán thì sẽ thu lợi nhuận gần 2 tỷ đồng. Chưa kể đến việc doanh nghiệp lén lút múc đất của chúng tôi bán “trộm” thì lợi nhuận vào túi ai? Hậu quả để lại là những cái ao khổng lồ, mùa mưa, nước ngập gây nguy hiểm cho người dân.
Các hộ dân bức xúc: “Trong khi chúng tôi không nhận tiền, đang tiếp tục khiếu nại, các cơ quan chức năng không giải quyết và cũng không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo mà dùng quyền lực bác đơn của chúng tôi, rồi tổ chức lực lượng hùng hậu đến cưỡng chế, ép chúng tôi giao đất rồi đem cho các doanh nghiệp thuê”.
Trước tình trạng người dân khiếu nại gay gắt, ngày 15/3/2011, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có Quyết định 560 điều chỉnh diện tích đất thu hồi tại xã Mỹ Xuân xuống còn 116.280,3m2, tiếp tục giao cho DIC Long Hương để khai thác mỏ xét Mỹ Xuân 3.
Theo Quyết định này thì 58.000m2 đất tại xã Mỹ Xuân đã được loại khỏi diện “bị” thu hồi, trong đó có đất của ba hộ trên. Người dân cho rằng, đây chỉ là biện pháp “chữa cháy” để yên dân mà thôi… Thực tế cho thấy, hiện hai hộ ông Hiện, ông Hòa vẫn bị các đơn vị thuê đất chặt phá cây cối, xúc đất chở đi. Các hộ này khiếu nại nhưng không cơ quan nào giải quyết?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù chưa được cấp phép khai thác nhưng các đơn vị được thuê đất vẫn ngang nhiên khai thác, lấy đất của dân… Vì vậy, ngày 14/4/2009 Chánh Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 22 “phạt Cty DIC Long Hương 7,5 triệu đồng do chưa hoàn tất thủ tục thuê đất mà đã tiến hành khai thác mỏ sét gạch ngói Mỹ Xuân 3 , buộc Cty phải chấm dứt các hoạt động khai thác để hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật…”.
Chưa hết, về khiếu nại của dân UBND huyện Tân Thành có hai văn bản chỉ đạo Thanh tra huyện, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có ba văn bản chỉ đạo Thanh tra tỉnh “xác minh làm rõ để có kết luận, đề xuất giải quyết theo quy định…”, nhưng sự việc vẫn “giẫm chân tại chỗ”, quyền lợi của người dân tiếp tục bị xâm hại trước sự thờ ơ, vô cảm của các cơ quan chức năng.
Thiết nghĩ, chính quyền huyện Tân Thành và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nên vào cuộc giải quyết triệt để, tránh khiếu kiện kéo dài gây bức xúc trong dân.
Thiện Ngôn